Trung Nam Group: 'Ông trùm' năng lượng tái tạo có tài sản gần 100.000 tỷ, rót gần 50.000 tỷ cho 9 DA điện và loay hoay với khối trái phiếu khổng lồ
Sau 20 năm hoạt động, hai vị doanh nhân đã biến Trung Nam Group thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.
- 23-05-2024Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh, Trung Nam Group kinh doanh ra sao?
- 23-05-2024Trung Nam Group nói gì khi Chủ tịch HĐQT bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh?
- 23-05-2024Đề nghị tạm hoãn xuất cảnh Chủ tịch Trung Nam Group
Theo thông tin từ Cục Hải quan Khánh Hòa, đơn vị đã ban hành Thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh- Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Cụ thể, ông Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện theo pháp luật của Trung Nam Group - doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian thực hiện từ ngày 6/5 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.
Được biết, Trung Nam đang còn nợ quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận- Cục Hải quan Khánh Hòa trên 21 tỷ đồng và đang bị cơ quan Hải quan nơi đây áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh sinh năm 1973 là một doanh nhân kín tiếng. Ông được biết đến là người điều hành Trung Nam Group - công ty được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Anh trai của ông Nguyễn Tâm Thịnh là ông Nguyễn Tâm Tiến (sinh năm 1967) cũng tham gia vào việc điều hành Trung Nam Group cùng em mình.
Sau 20 năm hoạt động, hai vị doanh nhân này đã biến Trung Nam Group thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.
NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO - MẢNG LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU CỦA TRUNG NAM GROUP
Lĩnh vực làm nên tên tuổi của Trung Nam Group là mảng năng lượng tái tạo. Theo thống kê, tập đoàn này có 9 dự án điện với tổng công suất thiết kế là 1.406 MW, sản lượng gần 4 tỷ kWH. Số tiền mà doanh nghiệp này đã bỏ ra để đầu tư vào các dự án trên lên đến hơn 48.200 tỷ đồng.
Theo số liệu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 80.555 MW. Trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW. Như vậy, công suất của Trung Nam Group chiếm khoảng 6% tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo cả nước.
Thống kê từ VNDirect Research, hiện Trung Nam Group đang là nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất tại Việt Nam. Hai dự án lớn nhất của tập đoàn là điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam sản lượng 1,2 tỷ kWh, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng và dự án điện gió Ea Nam, sản lượng 1,1 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng.
LOAY HOAY VỚI KHOẢN NỢ TRÁI PHIẾU KHỔNG LỒ
Để đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn cho mảng năng lượng tái tạo, Trung Nam Group cần một nguồn vốn lớn để có thể thực hiện các dự án của mình. Theo đó, tập đoàn này đã liên tục tăng vốn và đi vay nợ trong những năm qua để đảm bảo dòng tiền.
Doanh nghiệp đã liên tục tăng vốn điều lệ từ 1.886 tỷ đồng lên 20.940 tỷ đồng chỉ trong 7 năm, tương ứng với mức tăng hơn 11 lần.
Đi cùng với việc tăng vốn, Trung Nam Group cũng tăng đi vay nợ trong những năm qua. Kênh đi vay ưa thích của doanh nghiệp này chính là phát hành trái phiếu. Tính đến cuối năm, toàn bộ nhóm Trung Nam vẫn còn 24.200 tỷ trái phiếu đang lưu hành. Trong đó, CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 có một lô phát hành năm 2021 hiện còn đang lưu hành gần 9.500 tỷ đồng là lô lớn nhất.
Huy động một lượng trái phiếu lớn là "con dao hai lưỡi' khiến Trung Nam Group đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Thị trường trái phiếu gặp nhiều biến động vào năm 2022 đã khiến nhiều nhà đầu tư quay lưng bán lại lượng lớn trái phiếu mà doanh nghiệp này phát hành. Công ty này cũng đã nhiều lần công bố việc chậm trả trái phiếu.
Khó khăn còn được thế hiện ở chỗ trong thời gian gần đây doanh nghiệp này liên tục được nhắc tên trong danh sách nợ thuế. Đây chính là lý do chính khiến việc ông Nguyễn Tâm Thịnh bị hoãn xuất cảnh. Một đại diện của Trung Nam cũng cho biết gần đây rằng tập đoàn gặp khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt là trong mảng năng lượng tái tạo nên ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính.
Nguyên nhân lớn nhất phải kể đến cho những khó khăn này là một số dự án điện của doanh nghiệp này đang vướng vào các khúc mắc pháp lý. Điển hình, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam bị EVN dừng huy động từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định). Bởi, trong 172 MW hiện đang hoạt động có 86 MW trên diện tích đất (khoảng 108 ha) được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật, tức đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Vì vậy, số điện trên diện tích đất thừa ra này không được EVN thanh toán tiền.
Với những khó khăn như vậy, trong năm 2022 Trung Nam Group công bố lợi nhuận hợp nhất giảm 84% so với 2021 còn 255 tỷ đồng. Lãi giảm cũng khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty tụt từ 5,85% xuống 0,91%.
Đối với riêng công ty mẹ Trung Nam Group, trong năm 2022 đơn vị này báo lãi sau thuế 241 tỷ đồng, giảm 88,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo BCTC hợp nhất của Trung Nam Group, tổng tài sản của công ty ở mức hơn 96.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 27.914 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng giá trị nợ phải trả ở mức 68.110 tỷ đồng, tăng 5,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm là hơn 24.200 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ.
MỘT SỐ MẢNG KINH DOANH KHÁC CỦA TRUNG NAM GROUP
Ở mảng bất động sản, theo giới thiệu Trungnam Group cung cấp các dịch vụ từ đầu đến cuối trong bất động sản, từ giải phóng mặt bằng đến quản lý xây dựng. Lĩnh vực này được đảm nhiệm bởi CTCP Trung Nam (Trungnam Land), một công ty con của Trungnam Group. Một số dự án đáng chú ý của Trungnam Group như: Golden Hills - Đà Nẵng, Golf Valley - Đà Lạt, tòa nhà DITP Đà Nẵng...
Trong đó, nổi bật nhất là dự án Golden Hills - Đà Nẵng tổng diện tích 381 ha với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD. Dự án này nằm trên trục đường Nguyễn Tất Thành nối dài và tiếp giáp sông Cu Đê. Đây được xem là một dự án trọng điểm trong bức tranh quy hoạch tổng thể đô thị của thành phố Đà Nẵng trong tương lai với tầm nhìn đến năm 2030.
Về mảng hạ tầng, Trungnam Group là đơn vị xây dựng các công trình thuộc dự án trọng điểm quốc gia với giá trị hàng nghìn tỷ đồng như cầu Bạch Đằng Hải Phòng – Quảng Ninh (7.760 tỷ đồng), cầu vượt Ngã Ba Huế (2.689 tỷ đồng). Trung Nam Group cũng được dư luận chú ý với "Siêu dự án chống ngập" trị giá hơn 10.000 đồng tại TP HCM. Tại dự án này, Trung Nam Group được chỉ định làm nhà đầu tư theo hình thức BT.
Cuối tháng 4 vừa qua, Trung Nam Group đã phải gửi đơn cầu cứu Chính phủ. Điển hình, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tại Ninh Thuận kết hợp đầu tư trạm biến áp và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Dự án này có phần công suất 172 MW bị EVN dừng huy động từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định). Bởi, trong 172 MW có 86 MW trên diện tích đất (khoảng 108 ha) được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật, tức đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Tới tháng 10/2023, phần nhà máy điện trên diện tích này đã được Bộ Công Thương nghiệm thu trên cơ sở các xác nhận điều kiện về phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, hợp đồng thuê đất dự án... để đưa vào khai thác, sử dụng.
Trong đơn gửi Thủ tướng tháng trước, Trung Nam cho biết, sản lượng điện phát lên lưới từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2022, khoảng 687 triệu kWh thuộc phần công suất 172 MW, chưa được EVN thanh toán. Phần sản lượng này tương đương 813,6 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư này, họ đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá bằng 40% mức giá khung dành cho nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, nhưng chưa được giải quyết.
Ngoài ra, từ tháng 10/2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc xã Phước Minh. Tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỷ đồng.
Phản hồi, đại diện EVN cho biết, thời gian qua, tập đoàn đã huy động công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam. Họ cũng ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa cho đến khi có quy định cụ thể. Phía EVN thời điểm đó cũng cho biết "tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Trung Nam".