MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc ảm đạm trước Single Day: Hashtag ‘không mua’ thịnh hành, từ Alibaba đến JD.com phải tung loạt slogan giảm sập giá

09-11-2023 - 17:06 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc ảm đạm trước Single Day: Hashtag ‘không mua’ thịnh hành, từ Alibaba đến JD.com phải tung loạt slogan giảm sập giá

Nền kinh tế khó khăn khiến sự kiện mua sắm ngày Lễ Độc thân 11/11 tại Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Nền kinh tế khó khăn khiến sự kiện mua sắm ngày Lễ Độc thân 11/11 tại Trung Quốc bị ảnh hưởng. Các sàn thương mại điện tử theo đó buộc phải tung ra nhiều chiến dịch giảm giá sâu chưa từng có nhằm khích lệ người tiêu dùng mở hầu bao. Trong đó, Alibaba đặt slogan “Double 11, Giá thấp mỗi ngày”; JD.com “Thật sự rẻ”, còn Pinduoduo thì “Giá thấp mỗi ngày”.

“Giá chính là con hào kinh tế lớn nhất trên tất cả các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc trong năm nay”, nhóm các nhà phân tích của Citi nói và dự đoán năm nay sẽ chứng kiến khoảng thời gian bán hàng khá “im ắng” vì điều kiện kinh tế mờ nhạt.

Theo CNN, Alibaba vừa thông báo sẽ cung cấp hơn 80 triệu sản phẩm “với mức giá thấp ưu đãi nhất trong năm nay”, bắt đầu vào ngày 24/10. Trong khi đó, JD.com giảm giá tới 50% một số thiết bị điện tử. Người tiêu dùng cũng có cơ hội mua được những mặt hàng bán chạy nhất chỉ với 1 nhân dân tệ.

Sự kiện - chính thức bắt đầu vào ngày 11/11 - đánh dấu lễ hội mua sắm lớn nhất kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về dịch bệnh. Bắc Kinh kỳ vọng quyết định này sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu giảm.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến doanh số chung trong sự kiện 11/11.

Theo CNN, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã có một năm không mấy dễ dàng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao lịch sử 21,3% vào tháng 6 trong khi tăng trưởng tiền lương đình trệ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh số bán lẻ chỉ tăng 6,8% so với một năm trước - chậm hơn nhiều so với khoảng thời gian trước đại dịch.

“Trong khi chính phủ đang tìm kiếm sự tăng trưởng tiêu dùng vững chắc, chi tiêu người tiêu dùng bị cản trở bởi tăng trưởng thu nhập hộ gia đình chậm lại. Niềm tin của họ cũng yếu đi”, Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á tại S&P Global Ratings, cho biết. “Với triển vọng ảm đạm của thị trường nhà ở, sẽ mất thời gian để niềm tin của người tiêu dùng khôi phục”.

Các nhà phân tích không chắc chắn liệu mức giá thấp hơn có đủ để thu hút người tiêu dùng hay không. Theo một cuộc khảo sát do Bain and Company công bố hôm thứ Ba, hơn 3/4 số người mua sắm trong Ngày Độc thân cho biết họ có kế hoạch chi tiêu ít đi.

“Chỉ 53% hào hứng với Ngày Độc thân. Hồi năm 2021, tỷ lệ này là 76%”, đại diện công ty nói.

Theo WPIC Marketing + Technologies, chi tiêu đang giảm đối với “các sản phẩm tiêu dùng nhanh”, chẳng hạn như thực phẩm và đồ uống. Trên mạng xã hội, các hashtag “giảm tiêu dùng” và “không mua, tôi có thể tiết kiệm 100%” hiện đã trở thành chủ đề thịnh hành.

“Tôi đã chi 250.000 nhân dân tệ (34.300 USD) cho Pinduoduo vào năm ngoái nhưng chỉ chi 80.000 nhân dân tệ (14.890 USD) trong năm nay. Đây thực sự là một sự suy giảm tiêu dùng”, một người dùng cho biết.

Tuy nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều cắt giảm hầu bao. Tầng lớp trung và thượng lưu vẫn mong muốn mua những trải nghiệm hoặc sản phẩm giúp nâng cao sức khỏe và lối sống, ví dụ như thực phẩm chức năng, đồ chăm sóc thú cưng, quần áo thể thao hay xa xỉ phẩm.

Nike, được định vị là thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc, đã ghi nhận một quý II tăng trưởng mạnh mẽ. Các giám đốc điều hành đã xoa dịu lo ngại của giới đầu tư trong một cuộc họp thu nhập vào tháng 9.

“Thể thao đã quay trở lại Trung Quốc, bạn có thể cảm nhận được điều đó. Việc một thương hiệu như Nike có thể đạt mức tăng trưởng vượt trội trong bối cảnh áp lực vĩ mô như vậy đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc vẫn khá vững chắc”.

Theo: CNN

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên