MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc, Ấn Độ kiếm lợi tỷ USD từ dầu đại hạ giá của Nga vẫn thua xa các công ty này: Đã kinh doanh 'một vốn mười lời' lại được xem là 'cứu tinh' cho dầu Nga

08-02-2023 - 10:50 AM | Thị trường

Những công ty này đang thu về mức lợi nhuận được xem là "điên rồ" trong lịch sử nhờ gián đoạn trên thị trường năng lượng gần đây.

Khi cuộc xung đột Ukraine bước sang năm thứ 2, các tính toán cho thấy doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm nhưng khối lượng xuất khẩu vẫn tương đối ổn định, bất chấp các lệnh trừng phạt.

Ông Putin từng khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ kích hoạt một đợt tăng giá năng lượng. Tuy nhiên, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã giảm xuống mốc 80 USD/thùng từ mức gần như cao nhất mọi thời đại là 139 USD/thùng hồi tháng 3/2022 - vài tuần sau khi cuộc xung đột nổ ra. Trước xung đột, giá dầu Brent giao dịch ở mức 65-85 USD/thùng.

Bộ Tài chính Nga cho biết sau khi G7 áp đặt giá trần với dầu của Nga vào tháng 12, doanh thu xuất khẩu dầu của Moscow đã giảm 40% so với cùng kỳ tháng 1/2022.

Với thực trạng này, các nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ, Trung Quốc đang được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, “ăn đậm” nhất vẫn là các công ty vận chuyển dầu, theo Sergey Vakulenko, cựu trưởng nhóm chiến lược tại công ty năng lượng Gazprom Neft.

Trung Quốc, Ấn Độ kiếm lợi tỷ USD từ dầu đại hạ giá của Nga vẫn thua xa các công ty này: Đã kinh doanh một vốn mười lời lại được xem là cứu tinh cho dầu Nga - Ảnh 1.

Kho chứa dầu của một nhà máy lọc dầu Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Các lệnh trừng phạt đối với Nga được đánh giá là lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất dành cho một quốc gia riêng lẻ. Lệnh này cấm hoàn toàn việc Mỹ, EU mua năng lượng của Nga, cũng như cấm vận chuyển dầu thô của Nga tới bất kỳ đâu trên thế giới trừ khi nó được bán với mức giá thấp hơn 60 USD/thùng.

Nga đã chuyển hướng hầu hết sản phẩm dầu thô và sản phẩm tinh chế của mình sang châu Á bằng cách giảm giá mạnh cho người mua ở Trung Quốc, Ấn Độ. Lệnh cấm vận chuyển và trần giá đã khiến người mua cảnh giác, buộc Nga phải trả tiền vận chuyển dầu thô vì họ không có đủ tàu chở dầu để vận chuyển tất cả hàng hóa của mình.

Tính đến cuối tháng 1, các công ty dầu mỏ của Nga đã giảm giá dầu thô ở mức 15-20 USD/thùng cho người mua tại Ấn Độ, Trung Quốc - theo ít nhất 10 thương nhân giấu tên tham gia vào các hoạt động mua bán này.

Ngoài ra, Nga cũng trả 15-20 USD/thùng cho các công ty vận chuyển để đưa dầu thô của họ đến Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Do đó, các công ty Nga chỉ nhận được 49,48 USD/thùng dầu Urals tại các cảng thời điểm tháng 1, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng 60% so với giá chuẩn Brent của châu Âu.

Để so sánh, một nhà xuất khẩu dầu thô Mars của Mỹ - loại dầu tương tự dầu Urals – trả khoảng 5-7 USD/thùng để vận chuyển dầu đến Ấn Độ. Mức chiết khấu của họ cũng chỉ là 1,6 USD/thùng so với giá dầu WTI chuẩn Mỹ. Do đó, nhà xuất khẩu này có thể thu 66 USD/thùng dầu tại cảng, bằng 90% giá chuẩn.

Với sản lượng 10,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2022 và xuất khẩu 7 triệu thùng cả dầu thô và tinh chế, việc chiết khấu lớn cũng như chi trả phí vận chuyển khiến doanh thu của các nhà sản xuất dầu Nga giảm hàng chục tỷ USD vào năm 2023.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol cho biết mức giá trần đã khiến doanh thu của Moscow giảm 8 tỷ USD chỉ trong tháng 1. Tuy nhiên, một phần doanh thu bị mất này lại được chính các công ty Nga hấp thụ nên rất khó định lượng chính xác tác động đến thu nhập của các nhà sản xuất và Nhà nước Nga. Một điều phức tạp nữa là một số loại dầu của Nga, chẳng hạn dầu ESPO, cũng có giá trị cao hơn so với dầu Urals.

Lợi nhuận “điên rồ” cho các công ty vận chuyển

Các chuyên gia, gồm cả Vakulenko và các nhà kinh doanh dầu mỏ của Nga cho biết các đơn vị trung gian trong chuỗi kinh doanh dầu thô Nga đang kiếm được lợi nhuận cao hơn.

Sau nhiều thập kỷ chứng kiến biên lợi nhuận không đáng kể, ngành vận tải biển toàn cầu đang tận hưởng doanh thu bùng nổ từ việc vận chuyển dầu của Nga. Những công ty này bao gồm công ty vận tải Nhà nước Nga Sovcomflot, công ty vận tải biển Hy Lạp TMS Tanker Management, Stealth Martime, Kyklades Maritime, Dynacom, Delta Tankers, NGM Energy và New Shipping.

Một số chủ tàu chở dầu ở Hy Lạp và Na Uy đã bán những con tàu cũ với giá kỷ lục cho các công ty vận chuyển như Fractal Shipping, có chủ sở hữu tại Dubai.

Trung Quốc, Ấn Độ kiếm lợi tỷ USD từ dầu đại hạ giá của Nga vẫn thua xa các công ty này: Đã kinh doanh một vốn mười lời lại được xem là cứu tinh cho dầu Nga - Ảnh 2.

Tàu chở dầu Shun Tai tiếp cận trạm Kozmino thuộc vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) hôm 4/12.

Reuters cho biết họ đã xem được hóa đơn mà một chủ hàng đã tính phí gần 10,5 triệu USD cho một chuyến đi dùng tàu Aframax cỡ trung với 700.000 thùng dầu từ cảng Baltic đến một nhà máy lọc dầu của Ấn Độ hồi tháng 1. Một năm trước, hành trình tương tự chỉ tiêu tốn của người bán khoảng 0,5-1 triệu USD, tùy thuộc vào giá vận chuyển.

Đối với các công ty vận chuyển, chi phí vận hành của một chuyến đi như vậy mất khoảng 0,5-1 triệu USD, đồng nghĩa lợi nhuận ròng cho một chuyến đi là 10 triệu USD . Một nhà kinh doanh dầu thô của Nga mô tả hoạt động kinh doanh tàu chở dầu là “tốt điên rồ”.

Trong khi các chủ tàu chở dầu tính mức giá cao kỷ lục đối với các lô hàng dầu thô của Nga, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ, Trung Quốc cũng hưởng lợi từ các khoản chiết khấu lớn.

Nhập khẩu dầu từ Nga của Ấn Độ đạt mức cao nhất mọi thời đại: 1,25 triệu thùng/ngày trong những tuần gần đây, đồng nghĩa nước này tiết kiệm được hơn 500 triệu USD/tháng cho hóa đơn mua dầu của mình – trong trường hợp dầu Nga được chiết khấu 15 USD/thùng.

Các nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Ấn Độ gồm IOC, HPCL, BPCL, Nayara và Reliance từ chối bình luận về vấn đề chiết khấu và lợi nhuận.

Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023, theo Emma Li – nhà phân tích của Vortaxa Analytics tại Trung Quốc.

Dựa trên mức chiết khấu ước tính khoảng 10 USD cho một thùng dầu đối với cả dầu ESPO và Urals, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tiết kiệm khoảng 5,5 tỷ USD trong khoảng 10 tháng, theo tính toán của Reuters.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên