Trung Quốc biến 1 làng chài nhỏ bé thành đặc khu kinh tế có GDP đạt 294 tỷ USD, thu nhập đầu người tương đương OECD như thế nào?
Năm 2016, tổng GDP của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD, cao hơn Bồ Đào Nha, Ireland và thậm chí là Việt Nam. Con số GDP này khiến Thâm Quyến đứng thứ 4 trong tổng số 659 thành phố tại Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Nhắc đến nền kinh tế Trung Quốc, không thể không nhắc đến những đặc khu kinh tế (SEZ) của quốc gia này, nơi đi tiên phong cho những cải cách, đổi mới và là đầu tàu cho sự phát triển của đất nước.
Những đặc khu kinh tế là các khu vực có giao thương, quy định luật pháp khác với những nơi còn lại trên đất nước với mục đích thúc đẩy kinh tế, gia tăng đầu tư, tạo công ăn việc làm và thử nghiệm những cải cách, đổi mới trong điều hành kinh tế.
Tại Trung Quốc, các đặc khu kinh tế được lập nên giúp cho các công ty trong và ngoài nước hay nhà đầu tư quốc tế có thể giao dịch, kinh doanh mà không chịu sự kiểm soát hoặc những quy định được đưa ra bởi chính quyền Bắc Kinh. Điều này khác so với các địa phương khác khi họ phải tuân theo các chính sách từ trung ương.
Điều khá thú vị là nhiều người vẫn nhầm tưởng Hồng Kông là một trong những đặc khu kinh tế của Trung Quốc, trong khi thực tế đây chỉ là đặc khu hành chính và chỉ được Anh trao trả lại chính quyền Bắc Kinh vào năm 1997. Nói về đặc khu kinh tế, Thâm Quyến (Shenzhen) mới là đặc khu đầu tiên và cũng là thành công nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên tại Trung Quốc, những SEZ này có sự khác biệt nhỏ so với các khu thương mại tự do (FTZ) như Thượng Hải. Khu thương mại tự do là bước tiến tiếp theo của SEZ với những quy định được nới lỏng hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ví dụ, các công ty nước ngoài ở FTZ không cần một chủ thể đối tác người Trung Quốc để có thể hoạt động kinh doanh như các địa phương khác.
Trước đây, Thượng Hải và Thâm Quyến đã từng cạnh tranh nhau nhằm trở thành FTZ đầu tiên của Trung Quốc. Cuối cùng, Thượng Hải cũng chiến thắng khi thành phố này chính thức được phép thí điểm FTZ tại quận Phố Đông vào tháng 9/2013.
Theo đó, nhiều quy định kinh tế tại đây sẽ được nới lỏng như các quy định về trao đổi tiền tệ. Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng động thái này sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư nước ngoài thay vì sự tập trung thái quá vào Hồng Kông, nơi chính quyền Bắc Kinh không hoàn toàn kiểm soát được.
Thẩm Quyến năm 1964 và...
... năm 2015
Sự đột phá về kinh tế
Trên thực tế, những khu vực mậu dịch thương mại tự do đã được thành lập ở nhiều khu vực trên thế giới từ hàng thế kỷ nhằm thúc đẩy giao thương cũng như dự trữ hàng hóa khi kỹ thuật còn kém phát triển và việc vận tải còn khó khăn.
Đến cuối thập niên 1950, các mô hình SEZ hiện đại mới được thành lập ở các nền kinh tế công nghiệp và cảng hàng không Shannon Airport tại Ireland là SEZ đầu tiên trên thế giới. Kể từ thập niên 1970 trở đi, hàng loạt các SEZ được thành lập tại Châu Mỹ Latinh và Đông Á. Tại Trung Quốc, Thâm Quyến là đặc khu kinh tế đầu tiên được Cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình thành lập vào năm 1979.
Hiện nay, Trung Quốc có 6 SEZ là Thâm Quyến, Châu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Kashgar và đảo Hải Nam. Trong khi đó, FTZ có 4 khu vực là Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến.
Tính đến năm 2014, thế giới có khoảng 4.300 SEZ và con số này vẫn còn tăng. Trung bình mỗi 4 quốc gia thì có 3 nước có SEZ.
Tổng số SEZ (nghìn)
Tại Trung Quốc, các SEZ thường bao gồm nhiều loại, một số được hưởng những chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy kinh tế, số khác lại là FTZ hay là một tổ hợp nhiều khu công nghiệp.
Khởi điểm của các SEZ tại Trung Quốc bắt đầu từ thập niên 80 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và củng cố vị thế kinh tế của mình trên thị trường quốc tế. Nhờ những SEZ này mà kinh tế Trung Quốc thu hút thêm được các nguồn vốn nước ngoài, công nghệ hiện đại và thúc đẩy được các ngành công nghiệp.
Hơn nữa, những kết quả tích cực từ SEZ đã thúc đẩy nhiều cơ quan, ban ngành của Trung Quốc cải cách và đổi mới thủ tục hành chính nhằm đáp ứng được với xu thế mở cửa thị trường. Trong những năm gần đây, các SEZ đã đóng góp khoảng 22% GDP của Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 60% kim ngạch xuất khẩu.
Không dừng lại đó, những SEZ Trung Quốc cũng đã tạo thêm khoảng 30 triệu việc làm và tăng thêm 30% thu nhập cho những người nông dân.
Đối với những FTZ, các số liệu thống kê hiện nay không cho ra những con số chính xác nên chưa thể xác định các FTZ đóng góp như thế nào cho nền kinh tế.
Khái niệm FTZ được xây dựng từ ít nhất cách đây 2.000 năm. Riêng tại Mỹ, khu vực FTZ chính thức đầu tiên được thành lập vào năm 1934.
Mặc dù vậy, khu FTZ theo tiêu chuẩn hiện đại ngày nay chỉ được thành lập vào thập niên 50 tại Ireland khi chính phủ nơi đây cấp quyền tự do kinh doanh sản xuất cho khu công nghiệp thuộc cảng Shannon-Ireland.
Tại Trung Quốc, trong 4 khu vực FTZ thì Thượng Hải là lớn nhất cả về diện tích (29 km2) lẫn tổng GDP. Năm 2011, tổng GDP của khu vực này đạt 297 tỷ USD và là một trong những thành phố tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 20 năm qua.
Sự thành công của SEZ và FTZ tại Trung Quốc có ảnh hưởng đến mức hiện rất nhiều quốc gia Châu Phi có hợp tác thương mại với nước này đã thí điểm những mô hình đặc khu kinh tế, học hỏi từ các thành phố của Trung Quốc.
Thẩm Quyến, Hồng Kông, Ma Cao, Quảng Châu năm 1979...
...và năm 2000
Thâm Quyến - từ thị trấn nhỏ...
Thành phố Thâm Quyến nằm ở miền Nam Trung Quốc và gần biên giới với Hồng Kông. Đây là 1 trong 4 khu vực đầu tiên được Trung Quốc thí điểm mô hình SEZ vào thập niên 80.
Với mô hình SEZ, Thâm Quyến từ một làng chài nghèo với khoảng 30.000 dân đã trở thành trung tâm thương mại, kinh tế lớn với 12 triệu người và là một trong những thành phố chủ chốt của Trung Quốc. Hiện nay, Thâm Quyến là bến cảng có số lượng lưu thông lớn thứ 3 thế giới trong khi sàn chứng khoán tại đây lớn thứ 22 toàn cầu về tổng mức vốn hóa.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng Thâm Quyến đã gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng thu hút nhà đầu tư nước ngoài với vị thế là một SEZ. Tính đến cuối năm 1981, có đến 91% các dự án đầu tư tại đây đến từ “người hàng xóm” Hồng Kông mà không phải từ các tập đoàn đa quốc gia.
Nguyên nhân chính là các cơ quan chức năng không thay đổi kịp theo sự mở cửa của cơ chế thị trường. Hay nói cách khác, cơ chế quan liêu, cửa quyền vẫn còn tồn tại trong thời gian đó và rất nhiều tập đoàn quốc tế không muốn nhận rủi ro khi tham gia thị trường SEZ này.
Hậu quả là chỉ những doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông là dám mở văn phòng tại Thâm Quyến, do họ có hiểu biết tốt hơn về văn hóa kinh doanh cũng như cách làm việc của các cơ quan hành chính Trung Quốc. Thêm vào đó, rất nhiều doanh nghiệp Hồng Kông có mối quan hệ họ hàng tại Thâm Quyến.
May mắn thay, chính quyền Bắc Kinh đã bước đầu ban hành một vài biện pháp nhằm đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm 1982, qua đó thu hút thêm các nguồn vốn quốc tế vào những khu SEZ.
Một vấn đề nữa mà Thâm Quyến phải đối mặt là sự thiếu đa dạng trong lĩnh vực đầu tư. Có đến 71% các khoản đầu tư tập trung vào bất động sản tại Thâm Quyến, một phần do giá nhà đất quá cao tại Hồng Kông. Điều này dẫn đến rủi ro bong bóng nhà đất cũng như gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đặt trụ sở và xây dựng nhà máy. Hơn nữa, nền kinh tế Thâm Quyến có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng nóng ngắn hạn khi các nhà đầu tư thiếu hào hứng với những mảng kinh tế dài hạn như sản xuất.
...đến siêu đô thị của Trung Quốc
Bất chấp những khó khăn trên, việc SEZ Thẩm Quyến ban hành mức thuế thu nhập cố định 15%, thấp hơn rất nhiều so với mức 33% ở các vùng khác và 17% tại Hồng Kông đã thu hút rất mạnh nhiều nhà đầu tư quốc tế. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tại đây còn được miễn nhiều loại thuế địa phương và miến thuế xuất khẩu.
Trong 2 năm đầu tiên, các doanh nghiệp đầu tư vào đây sẽ được miễn thuế, trong khi 3 năm tiếp theo được giảm thuế. Hệ thống hành chính, pháp luật ở đây cũng được xây dựng nhằm tạo điều kiện ưu đãi nhất cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của thành phố này cũng được chú trọng phát triển. Trong số 11 triệu dân, chỉ có 1/4 số người là có hộ khẩu còn 9 triệu lao động là từ nơi khác đến. Rõ ràng, sự phát triển của Thâm Quyến đã thu hút rất nhiều tài năng từ khắp đất nước.
Kể từ năm 1982, Thâm Quyến đã tăng trưởng một cách thần tốc nhờ các chính sách mở cửa thu hút nhà đầu tư quốc tế. Năm 1992, khu vực này thu hút 4,3 tỷ USD vốn FDI, tương đương 14% tổng vốn FDI vào Trung Quốc.
Trong giai đoạn 1981-1993, tốc độ tăng trưởng của Thâm Quyến đạt 40%, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 9,8% của cả nước. Đến giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng GDP của Thâm Quyến đạt trung bình 16,3% và đến sau năm 2012 duy trì khoảng 10% mỗi năm.
Vào thập niên 1990, Thâm Quyến được miêu tả là thành phố “Mỗi ngày xây một cao tốc, 3 ngày làm một đại lộ”.
Năm 2016, tổng GDP của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD, cao hơn Bồ Đào Nha, Ireland. Con số GDP này khiến Thâm Quyến đứng thứ 4 trong tổng số 659 thành phố tại Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
GDP bình quân đầu người tại đây năm 2014 là 25.038 USD/người, tương đương với các nước phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Sàn chứng khoán Thâm Quyến hiện là 1 trong 3 sàn chứng khoán lớn nhất hiện nay tại Trung Quốc, sau sàn Thượng Hải và Hồng Kông.
Thâm Quyến cũng là một trong những nơi có nhiều tòa nhà cao tầng nhất thế giới với 59 tòa cao hơn 200m, bao gồm Kingkey 100 (đứng thứ 14 trên thế giới về độ cao) và Shun Hing Square (đứng thứ 19).
Bên cạnh đó, kinh tế phát triển khiến đời sống người dân nâng cao, kéo theo nhu cầu tiêu dùng và hàng loạt dịch vụ khác. Thống kê gần đây cho thấy tiêu dùng tại Thâm Quyến và vùng Đồng bằng sông Châu Giang thậm chí đã vượt qua Thượng Hải hay Bắc Kinh, qua đó thúc đẩy nhiều ngành nghề phát triển khác trong vùng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Thâm Quyến cũng vô cùng tốt khi sân bay Thâm Quyến chỉ cách trung tâm thành phố 35km và có các chuyến bay đến mọi nơi trên thế giới. Đường sắt, đường bộ và tàu thủy cao tốc tại đây cũng nối liền các thành phố lớn như Hồng Kông, Ma Cao…
Một yếu tố nữa giúp kinh tế Thâm Quyến phát triển mạnh mẽ là hệ thống đa dạng các ngành nghề làm điểm tựa vững chắc phát triển cho toàn vùng, tránh tình trạng thiên hướng quá về 1 ngành nào đó. Trong khi Hồng Kông là trung tâm tài chính thì những ngành nghề như da dày, may mặc đã được phát triển ở Thâm Quyến và Quảng Châu thập niên 80.
Sau đó là ngành xe hơi, hóa dầu thập niên 2000 rồi đến các ngành công nghệ cao giai đoạn gần đây. Tất cả tổng hòa tạo thành một mạng lưới cung ứng đầy đủ cho bất kỳ nhà đầu tư nào muốn xây dựng nhà máy nơi đây.
Ngày nay, trong khi Hồng Kông đang gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, đầu tư tài chính thì Thâm Quyến lại trở thành điểm sáng của Trung Quốc khi hướng tới đầu tư công nghệ cao. Đây cũng là khu vực có nhiều trụ sở của các công ty nổi tiếng như Tencent, Huawei và là nơi đặt nhiều nhà máy của các tập đoàn như Hon Hai, ZTE, Konka...
Học tập theo mô hình cải cách kinh tế của Đức nhưng với tiến độ nhanh chóng hơn, Thâm Quyến chuyển đổi mô hình sang các ngành công nghệ cao, như sản xuất điện thoại di động, đồng thời xuất khẩu công nghệ, kỹ thuật và vốn của các ngành sản xuất kỹ thuật thấp sang các nền kinh tế mới nổi khác.
Chính quyền Thâm Quyến và tỉnh Quảng Đông đã đưa ra kế hoạch đầu tư 943 tỷ Nhân dân tệ nhằm tự động hóa các ngành nghề sản xuất và dự kiến 80% nhà máy sẽ tự động hóa vào năm 2020. Năm 2014, Thâm Quyến và tỉnh Quảng Đông đã chi 672 tỷ Nhân dân tệ nhằm phát triển các vùng nông thôn, chuyển dần các nhà máy tốn lao động ra ngoại thành nhằm tạo không gian cho công nghiệp công nghệ cao.
Năm 2013, Thâm Quyến đã chi 4% GDP, tương đương 50 tỷ Nhân dân tệ cho nghiên cứu phát triển công nghệ, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc. Kết quả là mảng công nghệ của thành phố này đã tăng trưởng 9,3% so với năm trước và chiếm tới 50,4% tổng sản lượng của toàn ngành công nghiệp nói chung tại đây.
Nhận thức được tầm quan trọng của nền kinh tế Thâm Quyến cũng như tỉnh Quảng Châu, chính quyền Bắc Kinh đã thay thế dần người nước ngoài để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại đây, tập trung chủ yếu vào các mảng bất động sản và phát triển doanh nghiệp địa phương.
Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp địa phương cũng bắt đầu xuất khẩu sang các thị trường mới nổi và tiềm năng, qua đó đóng góp thêm cho kinh tế trong vùng. Dần dần, vai trò của các công ty nước ngoài tại đây bị thay thế bởi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương.
Trước những thành công rực rỡ của Thâm Quyến, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định thành lập thêm các khu kinh tế mở như Thượng Hải, Thiên Tân, Đại Liên... vào năm 1984.
Trớ trêu thay, dù được mở cửa sau nhưng Thượng Hải lại trở thành FTZ trước Thâm Quyến vào năm 2013.
Khi mới được thành lập, khu vực SEZ chỉ rộng 396 km2 nằm trong thành phố Thâm Quyến và có khu vực hàng rào bao quanh. Những người Trung Quốc không có hộ khẩu Thâm Quyến muốn vào khu vực này cần có giấy phép đặc biệt.
Tuy nhiên, dần dần những quy định bảo hộ chặt chẽ này được nới lỏng và các loại giấy phép đặc biệt dần bị dỡ bỏ. Đến ngày 1/7/2010, khu vực SEZ được chính thức được mở rộng ra toàn thành phố Thâm Quyến với tổng diện tích 1.953 km2.
Thời Đại