Trung Quốc: Các công ty xét nghiệm bị nợ hàng tỉ USD
Xét nghiệm là một phần quan trọng trong chiến lược chống Covid-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm ngày càng gặp khó khăn trong việc nhận được tiền thanh toán đúng hạn.
- 08-09-2022Nông dân châu Âu: 'Chẳng thấy mưa đâu'
- 08-09-2022Vốn ngoại đổ vào chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi châu Á cao nhất gần 2 năm
- 08-09-2022Ngày trở lại Nhà Trắng đầy cảm xúc của vợ chồng ông Obama
Theo Bloomberg ngày 8-9, các công ty chẩn đoán cho biết nỗ lực xét nghiệm đang khiến năng lực tài chính của họ hao hụt, nhất là khi khách hàng thanh toán ngày càng chậm trễ.
Hóa đơn xét nghiệm đang tăng nhanh. Tám trong số các công ty xét nghiệm lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo khoản phải thu tổng cộng 14,1 tỉ nhân dân tệ (2,2 tỉ USD) tính đến ngày 30-6, tăng 73% so với một năm trước đó. Trong số này, Phòng thí nghiệm lâm sàng Labway Thượng Hải ghi nhận mức tăng cao nhất với 189%.
Sự chậm trễ trong khâu thanh toán cho thấy tổn thất tài chính, kinh tế và xã hội gia tăng do chính sách không Covid-19 của Trung Quốc.
Trung Quốc gia tăng kết hợp xét nghiệm diện rộng và phong tỏa những nơi ghi nhận ca mắc Covid-19. Ngay cả ở các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải, những nơi không phong tỏa, người dân phải thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày/lần nếu muốn sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi làm.
Xét nghiệm là một phần quan trọng trong chính sách không Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh: EPA
Chịu trách nhiệm trang trải chi phí xét nghiệm diện rộng, các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn tài chính. Hoạt động kinh doanh sụt giảm đang làm tổn hại đến doanh thu tài chính, trong khi chi tiêu liên quan đến Covid-19 gia tăng.
Ngoài xét nghiệm, chi tiêu chống dịch còn bao gồm xây dựng trung tâm kiểm dịch và trợ cấp cho các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, chính quyền Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên nằm ở Tây Nam Trung Quốc, đã gia hạn phong tỏa ở hầu hết các huyện vào ngày 8-9 nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ở thành phố 21,2 triệu dân.
Lệnh phong tỏa được lên kế hoạch dỡ bỏ vào ngày 7-9 nhưng giới chức địa phương quyết định gia hạn để đề phòng.
Thành Đô ngày 8-9 thông báo thêm 116 ca nhiễm trong cộng đồng, giảm từ 121 của ngày trước đó. Cư dân tại những khu vực phong tỏa sẽ phải xét nghiệm mỗi ngày, giới chức Thành Đô cho biết trong một thông báo vào đêm 7-9 nhưng không nói về thời điểm gỡ bỏ phong tỏa.
Nhân viên chuẩn bị thực phẩm cho cư dân bị phong tỏa ở TP Thành Đô hôm 2-9. Ảnh: Reuters
Người Lao động