MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang bỏ ra hàng tỷ USD để "lấy lòng" thế giới nhưng tiền có mua được tất cả?

07-06-2018 - 12:40 PM | Tài chính quốc tế

Chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc quảng bá văn hóa và nỗ lực gây ấn tượng rằng dù là một nước lớn nhưng Trung Quốc lại có một chính sách ngoại giao ôn hòa.

Mười năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố một mục tiêu mới, đó là xây dựng "quyền lực mềm", như một "trợ thủ" cho sức mạnh quân sự và kinh tế đang gia tăng nhanh chóng của Bắc Kinh. Theo chuyên gia David Shambaugh của Đại học George Washington, Trung Quốc đang dành đến 10 tỷ USD mỗi năm cho dự án này, một trong những chương trình "marketing" của nhà nước hao tốn tiền của nhất mà nhân loại từng thấy. Trong khi đó, ông Shambaugh ước tính nước Mỹ chỉ dành chưa đến 670 triệu USD cho chương trình "ngoại giao công chúng" của mình vào năm 2014.

Đảng Cộng sản Trung Quốc vay mượn ý tưởng quyền lực mềm từ một học giả người Mỹ, ông Joseph Nye, người đã phát minh ra thuật ngữ này vào năm 1990. Ông Nye cho rằng chỉ quyền lực cứng không thôi là chưa đủ để thâu tóm được sức ảnh hưởng trên thế giới, mà điều đó còn phải đến từ "quyền lực mềm của sự thu hút". Và Trung Quốc đã quyết định rằng nước này cũng cần có thứ quyền lực như vậy.

Thắp lên những chiếc đèn lồng đỏ

Chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc quảng bá văn hóa và nỗ lực gây ấn tượng rằng dù là một nước lớn nhưng Trung Quốc lại có một chính sách ngoại giao ôn hòa.

Nét văn hóa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn để quảng bá với thế giới chủ yếu là những thứ đã được hình thành rất lâu trước khi chế độ cộng sản ra đời. Khổng Tử được ca ngợi như một thánh nhân với thông điệp về sự hòa hợp. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã thành lập khoảng 500 "Học viện Khổng Tử" do chính phủ "đỡ đầu" ở 140 quốc gia. Các học viện này cung cấp các lớp học ngôn ngữ, tổ chức các buổi biểu diễn ca kịch và dạy ẩm thực Trung Quốc. Bắc Kinh cũng liên kết để lập ra hơn 1.000 "lớp học Khổng Tử" ở các trường nước ngoài, cung cấp giảng viên, tài liệu và cả vốn để giúp cho trẻ em ở các nước này học tiếng Trung.

Trung Quốc kỳ vọng người nước ngoài sẽ dần quen và chấp nhận những phong tục tập quán của nước này. Tết âm lịch của Trung Quốc đã bắt đầu phổ biến như dịp lễ Giáng sinh ở phương Tây. Năm 2010, Bắc Kinh tổ chức chưa đến 100 sự kiện nhân dịp năm mới ở các nước khác, thế nhưng con số này của năm 2017 đã lên đến khoảng 2.000 sự kiện ở 140 quốc gia để đánh dấu năm con gà. 

Những chiếc đèn lồng đỏ theo phong cách Trung Quốc được treo lên ở khắp các con phố cách quê hương của chúng đến hàng ngàn dặm, với mong muốn muốn văn hóa của Trung Quốc lan tỏa đến mọi hang cùng ngõ hẻm. Mới đây, Trung Quốc còn tổ chức một buổi trình diễn thời trang ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia để quảng bá xường xám, một trang phục truyền thống phổ biến của phụ nữ Trung Quốc những năm 1920.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc thì vẫn đang nỗ lực không ngừng để thuyết phục các nước khác tin rằng sự nổi lên của Bắc Kinh không phải là một điều gì đó đáng sợ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói về những mối quan hệ cường quốc kiểu mới, theo đó Trung Quốc có thể chung sống với Mỹ mà không mảy may chút suy nghĩ đối đầu đã từng thổi bùng hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây. 

Thúc đẩy hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi và cả châu Âu, sáng kiến "Vành đai và Con đường" của ông hướng đến mục đích bồi đắp cho hình ảnh một quốc gia với mong muốn chia sẻ sự thịnh vượng của mình với thế giới.

Quả ngọt và trái đắng

Theo Nye, phần lớn quyền lực mềm của Mỹ xuất phát từ xã hội của nước này: đó là mọi thứ từ các trường đại học và các tổ chức phi lợi nhuận đến kinh đô điện ảnh Hollywood và văn hóa nhạc pop. Trong khi đó, Trung Quốc đã nỗ lực kết hợp các yếu tố quyền lực mềm với quyền lực cứng từ các chính sách can thiệp quyết liệt của Chính phủ. 

Những nỗ lực thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc đã gặt hái được một số thành tựu nhất định. Trong các cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu, những người được hỏi đến từ châu Phi thường có cái nhìn tích cực hơn về Trung Quốc so với người đến từ các khu vực khác, một phần là nhờ số tiền mà Bắc Kinh đã đổ vào "lục địa đen". Ở Angola, mỗi một trận đấu bóng đá chuyên nghiệp đều được tổ chức ở một trong bốn sân vận động do Trung Quốc xây dựng.

Tuy nhiên, con đường xây dựng quyền lực mềm vẫn còn nhiều chông gai. Nhiều nước ở châu Á dường như không bị thuyết phục bởi thông điệp hòa bình của Trung Quốc. Một số hành động  của Bắc Kinh ở Biển Đông đã khiến nhiều nước phẫn nộ. Sự mở rộng nhanh chóng lực lượng không quân và hải quân, cũng như việc tích lũy tên lửa của Trung Quốc cũng khiến cho Mỹ "đứng ngồi không yên".

Có vẻ như tiền không mua được cho Trung Quốc bất cứ thứ gì mà nước này muốn, ví dụ như cái nhìn thiện cảm của bạn bè quốc tế. Năm 2012, hơn một nửa người Mỹ có ấn tượng tốt về Trung Quốc, theo Trung tâm nghiên cứu Pew. Nhưng tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 38%. Pew còn nhận thấy xu hướng tương tự ở các nước khác, khi có đến 14 trong tổng số 19 quốc gia tham gia khảo sát từ năm 2011 đến 2013 đã không còn thiện cảm với Trung Quốc như trước đây.

Khánh Ly

Economist

Trở lên trên