Trung Quốc đang ráo riết "lật đổ" vị trí độc tôn của đồng USD như thế nào?
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng được một số liên minh để có thể tự chủ hơn. Họ cũng có cơ sở hạ tầng riêng phục vụ hoạt động thanh toán có tên cips.
- 30-12-2019Trung Quốc vội vã phát hành nhân dân tệ phiên bản kỹ thuật số, đã đến lúc nói lời từ biệt với hệ thống ngân hàng và tiền tệ mà chúng ta từng biết?
- 14-11-2019Nghịch lý đồng USD vẫn là vua dù tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu đã giảm đi đáng kể, đã đến lúc thế giới vận hành theo một cơ chế khác?
- 31-10-2019“Một nhóm nước rất mạnh đang đe dọa địa vị của đồng USD”
Tổng thống Trump đã vạch ra điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc trong hệ thống tài chính lấy USD làm trung tâm: Mỹ có thể đưa các công ty công nghệ Trung Quốc (như Huawei) vào danh sách đen và làm họ khốn đốn, trừng phạt các nhà cung ứng và các bên có quan hệ làm ăn với họ thông qua hệ thống ngân hàng và thanh toán dựa trên đồng USD. Bên cạnh đó còn có một số cách khác: cấm các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên TTCK Mỹ và hay hạn chế các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần của các công ty Trung Quốc.
Trung Quốc từng nỗ lực lật đổ USD nhưng không thành công. Sau khủng hoảng tài chính 2007-09, Trung Quốc tăng cường thúc đẩy thế giới sử dụng nhân dân tệ và trở thành một phần của SDR (quyền rút vốn đặc biệt) – đơn vị tiền tệ của IMF, có được vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế. Nước này cũng đã có các hợp đồng hoán đổi với 35 NHTW trên khắp thế giới. Thậm chí thị trường từng bàn tán về việc nhân dân tệ sẽ thách thức USD vào năm 2020.
Nhưng sau đó TTCK Trung Quốc sụp đổ năm 2015 và chính phủ nước này siết chặt quản lý dòng vốn một cách vụng về. Tỷ trọng của nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu giữ nguyên ở mức 2% trong nhiều năm.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng được một số liên minh để có thể tự chủ hơn. Họ cũng có cơ sở hạ tầng riêng phục vụ hoạt động thanh toán có tên cips. Ra đời năm 2015, cips nhỏ hơn đáng kể so với SWIFTS, và số giao dịch hệ thống này xử lý trong cả năm 2018 nhỏ hơn cả lượng mà SWIFTS xử lý chỉ trong 1 ngày. Nhưng cips giúp đơn giản hóa các hoạt động thanh toán xuyên biên giới bằng nhân dân tệ. Có tin tức cho rằng Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác đang tìm cách tạo 1 liên minh thay thế SWIFTS.
Hơn nữa trong mảng tài chính tiêu dùng, các công ty Trung Quốc đã tiến được những bước rất xa so với các ngân hàng truyền thống. Hệ thống thanh toán của Alibaba (và công ty con Ant Financial) được chấp nhận bởi các thương nhân ở 56 nước. Ở một số nơi, logo của Alipay xuất hiện nhiều như của Visa. Trên thị trường vốn, năm 2018, Trung Quốc đã cho ra mắt hợp đồng dầu thô tương lai định danh bằng nhân dân tệ trên sàn Thượng Hải, với tham vọng đồng "petroyuan" này sẽ có thể cạnh tranh với USD trong việc định giá dầu mỏ.
Trung Quốc cũng khuyến khích các công ty quan trọng niêm yết cổ phiếu ở gần quê nhà hơn. Hôm 26/11/2019, Alibaba – tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc từng chọn sàn New York thay vì Hồng Kông hay Thượng Hải khi IPO năm 2014 – đã huy động thành công 13,4 tỷ USD ở Hồng Kông.
NHTW Trung Quốc được cho là đang phát triển 1 đồng tiền điện tử mới, mặc dù có rất ít thông tin chi tiết được công bố. Rất có thể Trung Quốc sẽ tạo ra 1 phiên bản bitoin mới với 1 "cú lật ngược": thay vì ẩn danh, tất cả các dữ liệu sẽ là có thể truy xuất nguồn gốc cũng như theo dõi và sẽ được lưu trữ tập trung.
Việc các đối thủ địa chính trị của Mỹ muốn trốn thoát khỏi sự thống trị của đồng USD không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Điều thú vị hơn là cả những đồng minh của Mỹ cũng nhắc đến chuyện này, ví dụ như một số lãnh đạo châu Âu muốn tăng cường vị trí của đồng euro, thậm chí trong sáng kiến chủ chốt của EU còn có cả Iran tham gia.
Đi tìm thứ đứng trên cả hầm trú ẩn an toàn
Bài kiểm tra thực sự đối với bất kỳ đồng tiền dự trữ nào sẽ là 1 cuộc khủng hoảng tài chính. Eswar Prasad, giáo sư ĐH Cornell và là tác giả của cuốn "The Dollar Trap", nhận xét rằng đồng bạc xanh luôn hưởng lợi trong thời kỳ hỗn loạn. Đặc biệt, khủng hoảng tài chính 2007-09, vốn bắt nguồn từ Mỹ, lại củng cố vị trí hầm trú ẩn an toàn của USD. Khi các hoạt động thương mại, tiết kiệm, đi vay và dự trữ trên toàn cầu chủ yếu tập trung vào 1 đồng tiền duy nhất là USD, sức mạnh của nó càng được củng cố. Không thị trường vốn nào có thể đuổi sát nút Mỹ về độ sâu và thanh khoản – yếu tố chủ chốt khi lựa chọn 1 đồng tiền để giao dịch thương mại.
Sức mạnh tài chính không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế mà còn vào lý tưởng và vị thế. Giáo sư Jeffrey Frankel của ĐH Harvard cho rằng cách tiếp cận hiện nay của Mỹ khiến vị thế của USD bị đe dọa, và đó cũng là quan điểm của 1 cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Năm 2016, khi vẫn còn đương chức, Jack Lew nói với 1 nhóm khán giả ở Washington rằng "sẽ là sai lầm nếu nghĩ là các lệnh trừng phạt sẽ có chi phí thấp, nếu chúng khiến môi trường kinh doanh trở nên quá phức tạp hay khó dự đoán hoặc ảnh hưởng quá lớn đến dòng chảy vốn trên toàn cầu, các giao dịch tài chính sẽ bắt đầu dịch chuyển ra khỏi nước Mỹ và sau đó là hoàn toàn rời khỏi Mỹ, đe dọa vị trí trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, chưa nói đến việc các lệnh cấm vận có hiệu quả hay không".
Có vẻ những nhận xét của ông là rất chính xác đối với tình cảnh hiện tại của nước Mỹ.