MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đạt bước tiến về dự án lò phản ứng hạt nhân nhỏ đầu tiên trên thế giới

15-07-2023 - 22:37 PM | Tài chính quốc tế

Linglong One là lò phản ứng áp lực nước mô-đun nhỏ đa chức năng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Linglong One là lò phản ứng áp lực nước mô-đun nhỏ đa chức năng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Linglong One tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) sẽ là lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) trên đất liền đầu tiên trên thế giới một khi hoàn thành xây dựng vào năm 2026.

Công nghệ này có thể đáp ứng nhiều nhu cầu và được sử dụng để khử muối, có khả năng cung cấp điện và nước ngọt cho các đảo nhỏ.

Theo Thời báo Hoàn cầu, mô-đun lõi của lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ đầu tiên trên thế giới (SMR) đã hoàn thành thử nghiệm nghiệm thu tại nhà máy vào ngày 13/7, đánh dấu một bước đột phá trong quá trình đổi mới công nghệ SMR ở Trung Quốc.

Lò phản ứng có tên gọi Linglong One là kiểu lò phản ứng áp lực nước mô-đun nhỏ đa chức năng được Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc phát triển. Mô-đun lõi là thiết bị chính của Linglong One, được Viện Điện hạt nhân Trung Quốc thiết kế, phát triển và mua độc lập.

Lò phản ứng SMR bao gồm bình chịu áp lực, máy tạo hơi nước và các thành phần khác. Theo ông Wu Qiong, một quan chức của Tập đoàn Hóa dầu Điện hạt nhân Đại Liên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp nặng số 1, các nhà nghiên cứu đã tạo ra những bước đột phá trong nhiều công nghệ then chốt, cho phép mô-đun lõi hiện thực hóa các ứng dụng kỹ thuật và vượt qua lần phê duyệt cuối cùng một cách suôn sẻ.

Năm 2016, Linglong One là lò phản ứng cỡ nhỏ đầu tiên trên thế giới vượt qua đánh giá an toàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Sản lượng điện hàng năm của Linglong One sẽ đạt 1 tỷ kWh sau khi hoàn thành việc xây dựng. Nó sẽ đáp ứng nhu cầu của khoảng 526.000 gia đình. Công nghệ này cũng được thiết kế để giúp sưởi ấm đô thị, làm mát đô thị, sản xuất hơi nước công nghiệp và khử mặn nước biển.

Việc nhân rộng lò phản ứng cỡ nhỏ có thể làm giúp Trung Quốc giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch, thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Theo Bloomberg, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới đầu tư vào điện hạt nhân "mạnh tay" hơn Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch chi 440 tỷ USD để xây dựng các nhà máy mới trong 15 năm tới với mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu.

Theo Bảo Hà

Báo Tin Tức

Trở lên trên