MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đau đầu vì người dân không chịu chi tiêu: Mua cà phê cũng phải chọn hãng nào giá rẻ, chấp nhận sắm đồ trên Pinduoduo dù chất lượng kém hơn

20-12-2023 - 20:14 PM | Thị trường

Nỗi bất an đeo bám người tiêu dùng Trung Quốc.

Phóng viên Bloomberg mới đây có bài phỏng vấn với 20 người trình độ đại học tại 5 thành phố lớn hàng đầu Trung Quốc. Kết quả cho thấy tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại đại lục đang hạn chế chi tiêu cho những thứ không thiết yếu, trì hoãn kế hoạch mua nhà, mua xe và chuyển nhiều tiền hơn vào các tài khoản tiết kiệm. Dự định đưa con ra nước ngoài du học cũng phải hoãn hủy vì triển vọng kinh tế kém khả quan.

Tại khu Zhangjiang, thành phố Thượng Hải, Zhang Mei, kỹ sư phần mềm 40 tuổi đang quay cuồng trong cuộc đàn áp chống tham nhũng sâu rộng của Bắc Kinh. Động thái giám sát chặt chẽ khiến nhiều công ty cắt giảm việc làm, thậm chí giảm cả thu nhập của người lao động.

Kiếm được khoảng 1,2 triệu nhân dân tệ (170.000 USD) mỗi năm; chồng cũng có thu nhập ổn định, song Zhang giờ đây không dám chi tiêu ngẫu hứng như trước. Bà mẹ hai con này đã ngừng mua những bộ váy đắt tiền, cũng không còn thúc giục chồng thực hiện các chuyến du lịch xa hoa.

“10 năm nữa, rất có thể tôi sẽ nằm trong danh sách bị sa thải”, Zhang Mei lo lắng.

McKinsey & Co, trong một báo cáo tiêu dùng gần đây, đã tuyên bố kỷ nguyên tăng trưởng bán lẻ hai con số “đã kết thúc”. Daniel Zipser, người đứng đầu mảng tiêu dùng và bán lẻ của công ty tại châu Á, cho biết tâm lý thị trường đang “ở mức thấp nhất mọi thời đại, kèm theo những lo ngại đáng kể về triển vọng kinh tế”.

Cũng tại Thượng Hải, Amanda Lin, 34 tuổi, đang chuẩn bị cho sự kiện cắt giảm tiền thưởng trong năm 2023. Cô gái này đã phải chịu một “cú sốc tâm lý” trước đó khi danh mục đầu tư sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, Tracy Mao, nhân viên nhân sự 32 tuổi tại một công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, đang phải thắt chặt chi tiêu vì cảm giác bất an. Cô và chồng đều muốn tiết kiệm nhiều hơn, thậm chí trì hoãn kế hoạch mua iPhone đời mới dù trước đó mấy tháng trước còn mạnh tay chi hàng trăm nghìn nhân dân tệ sắm nội thất và thực hiện chuyến đi tuần trăng mật tại Nhật Bản.

Đối với những người tiêu dùng như Chen Xixi, 33 tuổi, quản trị viên đại học ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có nhiều lý do để thận trọng trong việc chi tiêu. Cô đang giảm chi tiêu sau khi thu nhập của chồng bị giảm 2/3 sau đại dịch.

Thay vì mua cà phê ở Starbucks, Chen chọn giữa Luckin và Cotti dựa trên tiêu chí “cái nào rẻ hơn”. Cô từng sử dụng loại toner dưỡng da đắt tiền của Nhật Bản nhưng gần đây đã chuyển sang các sản phẩm nội địa Trung để hưởng nhiều ưu đãi. Thay vì mua đồ lót của Victoria's Secret, Chen cũng chọn sang một thương hiệu không có tên tuổi chỉ với giá 3 USD/chiếc.

“Động lực kinh tế rõ ràng đã yếu dần. Tôi không biết mình tiết kiệm tiền để làm gì. Tuy nhiên, tôi cảm thấy an toàn khi có chút tiền dự phòng”, Chen tâm sự.

Dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố vào tháng trước cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc đã tiết kiệm thêm 13,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,89 nghìn tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm, tăng 8,5% so với một năm trước đó.

Wang Chao, 29 tuổi, thì phải cắt giảm đáng kể chi tiêu sau khi thất nghiệp. Hiện tại, anh chủ yếu mua sắm trên các trang web giảm giá như Pinduoduo thay vì Alibaba - nền tảng bán các mặt hàng chất lượng hơn song lại đắt tiền.

“Tất cả những gì tôi có thể làm là giảm mức chi tiêu để tồn tại”, anh Wang tâm sự.

Đại lý bán bảo hiểm Manna Wang sở hữu 3 bất động sản. Với tình hình hiện tại, người phụ nữ này cân nhắc bỏ thêm tiền vào ngân hàng, đồng thời bán 2 bất động sản đầu tư để dồn tiền mặt.

“Tôi không thể chịu được khi nghĩ đến cảnh chất lượng cuộc sống của mình sẽ tồi tệ hơn khi nghỉ hưu”, Wang nói.

Jason Wang, 39 tuổi sống ở Bắc Kinh, lại đang thất nghiệp. Anh than thở vì mất công việc lương 140.000 USD/năm tại một công ty khởi nghiệp, thu nhập gia đình giảm hơn một nửa trong khi lại sắp đón đứa con đầu lòng.

“Tôi cảm thấy lo lắng”, anh nói. “Tôi vừa mua một ngôi nhà và nâng cấp lên chiếc BMW chứ. Tôi sẽ cho mình thêm 3 tháng nữa để tìm một công việc có mức lương tốt như trước đây”, Jason Wang kể.

Trong khi nhiều người cố gắng cắt giảm chi tiêu, số khác vẫn duy trì ngân sách cho các thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Dong Sihao, sống tại Hàng Châu, là ví dụ điển hình.

“Covid-19 khiến tôi sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho một lối sống lành mạnh. Ăn uống tốt hơn cũng là một cách để tận hưởng cuộc sống”, Dong Sihao nói.

Mai Mai, 34 tuổi, cũng có quan điểm tương tự. Tài chính eo hẹp hơn song vợ chồng chủ phòng thiền này vẫn tăng ngân sách cho các loại thực phẩm sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong tủ lạnh luôn đầy đủ nhiều mặt hàng mua tại Hema Xiansheng, thương hiệu tạp hóa thuộc chuỗi siêu thị Freshippo.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang khiến nhiều người từ bỏ ý định đi du học.

Số lượng sinh viên theo học tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ vẫn chỉ dao động ở mức khoảng 290.000 trong năm học 2022-2023 dù cho giới chức Bắc Kinh không ngừng khuyến khích.

Tina Li, một nhiếp ảnh gia tự do 37 tuổi sinh sống tại Thượng Hải, cho biết cô không hề có ý định cho con đi du học nước ngoài. “Du học sinh trở về nước cũng có kiếm được việc đâu”, cô phàn nàn.

Tuy nhiên, vẫn có những người sẵn sàng chi tiền để đi du lịch. Họ gọi đây là một hình thức ‘mua hạnh phúc’ trong khoảng thời gian kinh tế khó khăn.

Anna Liu, huấn luyện viên thể hình 33 tuổi sống tại Thâm Quyến, đã chi khoảng 7.000 USD tiền vé và khách sạn để tham dự các buổi biểu diễn ở Trung Quốc trong 12 tháng. Bên ngoài Trung Quốc, các điểm du lịch hấp dẫn cũng đang chờ du khách Trung Quốc quay trở lại.

Hiện tại rất khó để có được thước đo chính xác về niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc. Đối mặt với viễn cảnh kinh tế không khả quan, họ cố gắng tiết kiệm nhiều hơn trước đây và đặt niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Theo: Bloomberg, The New York Times


Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên