MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đổ tỷ USD đào kho "vàng xanh" cả thế giới mơ ước: Cư dân 1 nước ĐNÁ chứng kiến hậu quả nhãn tiền

21-08-2023 - 21:41 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đổ tỷ USD đào kho "vàng xanh" cả thế giới mơ ước: Cư dân 1 nước ĐNÁ chứng kiến hậu quả nhãn tiền

Theo The New York Times, người dân địa phương chịu ảnh hưởng bất lợi khi dự án khởi động.

Dự án 1,2 tỷ USD

Trong gần 57 năm sống trên đảo Sulawesi, ông Jamal đã quen với sự khan hiếm, kỳ vọng thấp và tình trạng thiếu việc làm trầm trọng. Cư dân địa phương kiếm thu nhập từ hoạt động khai thác cát, đánh bắt cá và trồng trọt.

Giống như nhiều người Indonesia khác, ông Jamal thường xuyên đi xe máy đến các công trình xây dựng ở thành phố Kendari cách đó nửa giờ di chuyển, để tìm việc làm.

Sáu năm trước, một lò luyện kim cao chót vót được xây dựng gần nhà ông. Nhà máy do công ty khai thác mỏ khổng lồ Jiangsu Delong Nickel của Trung Quốc đầu tư.

Indonesia gần đây đã cấm xuất khẩu niken thô - được mệnh danh là vàng xanh - để thu hút đầu tư vào các nhà máy chế biến.

Một số lượng lớn các doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất hiện và xây dựng hàng chục nhà máy luyện kim, phục vụ nhu cầu sản xuất pin trong cuộc đua xe điện gay cấn trên thế giới.

Do người lao động từ các vùng khác đổ về Sulawesi ngày càng đông, ông Jamal nắm bắt cơ hội, kiếm thêm thu nhập bằng cách xây phòng trọ cho thuê tại chính khu đất của mình. Con rể ông thì làm việc cho nhà máy luyện kim.

Bên trong nhà ông Jamal, một máy điều hòa không khí mới làm giảm bớt không khí oi ả của miền nhiệt đới. Những sàn bê tông trơ trụi trước đây giờ được lát gạch men sáng bóng.

Trung Quốc đổ tỷ USD đào kho "vàng xanh" cả thế giới mơ ước: Cư dân 1 nước ĐNÁ chứng kiến hậu quả nhãn tiền - Ảnh 1.

Mỏ niken ở Sulawesi. Ảnh: NYT

Tuy vậy, gia đình ông phải đối mặt với một vấn đề mới: Bụi bặm từ những đống chất thải, những ống khói của nhà máy và những chiếc xe tải chở quặng chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm. Tồi tệ nhất, cư dân ở đây dù đeo khẩu trang nhưng vẫn cảm thấy khó thở. Mọi người đến phòng khám nhiều hơn với các vấn đề về phổi.

" Chúng tôi có thể làm gì chứ ", ông Jamal nói với NYT. " Không khí xấu đi nhưng mức sống của chúng tôi đã được cải thiện ".

Vào một buổi sáng gần đây tại mỏ Cinta Jaya trên bờ biển phía đông nam của Sulawesi, hàng chục máy xúc xới tung lớp đất đỏ, chất đất lên xe tải chở và vận chuyển đến bờ biển Banda. Ở đó, nhà sản xuất đưa quặng lên sà lan để vận chuyển đến các lò luyện trên đảo.

Phần lớn niken được vận chuyển về phía bắc đến Khu công nghiệp Morowali, một khu tổ hợp gồm 50 nhà máy có diện tích gần 4.000 ha hoạt động giống như một thành phố khép kín, với sân bay tư nhân, cảng biển chuyên dụng và nhà bếp trung tâm có thể nấu 70.000 bữa ăn mỗi ngày.

Khuôn viên được thành lập vào năm 2013. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cung cấp khoản vay hơn 1,2 tỷ USD cho dự án.

Năm triệu tấn quặng niken trải dài trên sườn đồi phía trên cảng - một trữ lượng khổng lồ. Trong một tòa nhà có kích thước bằng vài kho chứa máy bay, một lượng lớn than được chất thành đống, chờ được đưa đến nhà máy điện trong khuôn viên để phát điện.

Một số sà lan rời mỏ niken di chuyển về phía nam, đến huyện Morosi, nơi ông Jamal sống, cũng là nơi đặt hai nhà máy luyện kim do Trung Quốc đầu tư.

Việc làm và ô nhiễm

Nhà máy Thép không gỉ Obsidian, một công ty con của tập đoàn Delong, sừng sững trên cánh đồng lúa xung quanh. Gần đây, khi ca chiều kết thúc, công nhân rời nhà máy trên những chiếc xe máy, hướng về các khu ký túc xá xung quanh.

Trung Quốc đổ tỷ USD đào kho "vàng xanh" cả thế giới mơ ước: Cư dân 1 nước ĐNÁ chứng kiến hậu quả nhãn tiền - Ảnh 2.

Chất thải từ nhà máy sản xuất niken bên cạnh ruộng lúa. Ảnh: NYT

Nhiều lao động từ Trung Quốc đại lục dừng lại trước dãy cửa hàng, nhà hàng có biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc.

Đứng canh lò nướng than ở lối vào cửa hàng, Wang Lidan vừa nướng mực xiên vừa bán nhiều món ăn truyền thống Trung Quốc.

Lớn lên ở thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến, Wang đã ở Indonesia gần 30 năm, bán đồ trang sức nhập khẩu từ Trung Quốc cho khách du lịch trên đảo nghỉ dưỡng Bali và điều hành một nhà hàng khiêm tốn ở thủ đô Jakarta.

Cô đến Sulawesi mở cửa hàng ăn cách đây 5 năm sau khi nghe tin hàng nghìn lao động Trung Quốc sẽ đến làm việc trong một nhà máy luyện kim mới được xây dựng.

Cô thuê một đầu bếp địa phương, Eno Priyanto, chuyên chế biến hải sản và sa tế.

" Nơi này từng là một đầm lầy hiu quạnh ", anh nói. " Bây giờ nó khác nhiều rồi ".

Dù vậy, người nông dân sống phía sau lò luyện than phiền rằng họ ngày càng thấy ít hy vọng hơn.

Rosmini Bado, 43 tuổi, một bà mẹ 4 con, sống trong một ngôi nhà sàn nhìn ra cánh đồng lúa.

Khung cửa sổ nhà cô giờ đây chỉ nhìn thấy những ống khói và một bức tường bê tông bám dính xuống cánh đồng.

Ngay sau vụ cấy hồi đầu năm nay, một cơn bão lớn đã khiến mảnh ruộng nhà cô bị ngập nước. Trước đây khi chưa có nhà máy, ruộng vẫn có lối thoát nước nhưng nay bức tường bê tông đã chặn đứng dòng nước khiến cô bị thiệt hại hoảng 18 triệu rupiah (gần 28 triệu VNĐ) trong vụ lúa này.

Thậm chí, theo New York Times, cá nuôi trong ao của gia đình Bado cũng không thể lớn với suy đoán là do chất thải độc hại từ nhà máy ngấm vào dòng nước ngầm.

Ở vành đai niken Sulawesi, công nhân địa phương cũng cho biết họ kiếm được ít tiền hơn đáng kể so với các đồng nghiệp Trung Quốc.

Theo An An

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên