MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đối mặt nguy cơ không tăng trưởng lần đầu tiên trong 44 năm

05-04-2020 - 08:40 AM | Tài chính quốc tế

Lần đầu tiên trong vòng 44 năm, Trung Quốc có thể sẽ không có tăng trưởng.

Nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi sau khi bị tàn phá nặng nền bởi dịch Covid-19 nhưng con đường phía trước được dự đoán là khá gian nan và quốc gia đông dân nhất thế giới này có thể sẽ không có tăng trưởng trong năm 2020, khiến cho hàng triệu người lao động có nguy cơ mất việc làm.

Tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2020 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể giảm xuống chỉ còn 1% hoặc 2%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 là 6,1%, theo một tính toán gần đây của các chuyên gia phân tích. Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế có giá trị 14.000 tỷ USD này có thể sẽ không có tăng trưởng trong năm nay, World Bank cảnh báo.

Nếu trở thành sự thật, 2020 sẽ là năm tồi tệ nhất của kinh tế Trung Quốc trong vòng 44 năm, thậm chí còn xấu hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Các chuyên gia phân tích đến từ UBS và Goldman Sachs gần đây đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 xuống lần lượt là 1,5% và 3%.

Ngay cả các quan chức Trung Quốc, những người tham gia xây dựng mục tiêu tăng trưởng hàng năm cho nền kinh tế kể từ năm 1985, cũng khá thận trọng khi đưa ra dự báo cho năm 2020. Một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết chính phủ không nên đặt ra một mục tiêu cụ thể cho năm 2020.

“Thật khó để có thể đạt được mức tăng trưởng từ 4% đến 5%. Nhiều người thậm chí còn dự đoán tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ chỉ còn 1% hoặc 2%. Những con số trên là hoàn toàn có cơ sở”, Ma Jun, một thành viên của Hội đồng chính sách tiền tệ tại PBOC, chia sẻ.

Trong bối cảnh tương lai còn nhiều trắc trở, chính phủ Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quyết định giá trị các gói hỗ trợ tài khóa cũng như tiền tệ, Ma cho biết. Nếu như đặt ra một mục tiêu “không thực tế” về tốc độ tăng trưởng, chính quyền các địa phương sẽ chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng hơn là việc kiểm soát tình trạng thất nghiệp và cải thiện sinh kế cho người dân trong ngắn hạn.

Trung Quốc đối mặt nguy cơ không tăng trưởng lần đầu tiên trong 44 năm - Ảnh 1.

Trung Quốc đang phải đối mặt với hai “chướng ngại vật” lớn trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh: lực cầu yếu từ các thị trường nước ngoài do dịch bệnh đã lan rộng và một làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2 có thể sẽ “ập đến” trong tương lai. Ảnh: CNN.

Cần nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ

Một cuộc khảo sát trong tuần cho thấy những tín hiệu phục hồi trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất của Trung Quốc sau một quá trình dài bị đình trệ trong suốt tháng 2, theo đó là một loạt các thông tin liên quan đến các biện pháp hỗ trợ từ phía chính phủ.Nội các Trung Quốc ngày 31/3 công bố khoản hỗ trợ tài chính lên tới 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 423 tỷ USD) dành cho đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ.

PBOC cũng bơm thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 141 tỷ USD) cho các ngân hàng vừa và nhỏ trong hệ thống, hạ tỷ lệ tiền mặt dự trữ bắt buộc. Cả hai biện pháp trên được đặt ra nhằm tăng cường các khoản cho vay ưu đã đến các đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước đó, PBOC bơm thêm tiền vào nền kinh tế, đồng thời tăng cường các khoản vay ưu đãi có giá trị lên đến hơn 1.650 tỷ nhân dân tệ (tương đương 232 tỷ USD). Chính phủ Trung Quốc quyết định sử dụng một gói hỗ trợ tài chính có giá trị lên đến 116,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 16,4 tỷ USD) nhằm mục tiêu chống lại dịch bệnh Covid-19.

Thông báo hôm 31/3 còn bao gồm một cam kết từ phía chính phủ rằng họ sẽ tăng gấp đôi mức “trợ cấp tiền mặt tạm thời” cho những hộ gia đình có thu nhập thấp và các đối tượng đã mất việc làm trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ cụ thể tổng giá trị gói hỗ trợ này là bao nhiêu.. Họ chỉ cho biết rằng gói hỗ trợ này sẽ phần nào trợ giúp cuộc sống của 67 triệu người dân Trung Quốc.

“Chúng tôi tin rằng việc đẩy nhanh các gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 là các chính sách kinh tế và xã hội phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại”, theo Ting Lu, nhà kinh tế học trưởng về Trung Quốc tại Nomura.

Bắc Kinh đang nỗ lực nhằm phục hồi lại lĩnh vực công nghiệp sản xuất xe hơi sau khi tổng lượng xe bán ra thị trường đã giảm 42% trong tháng 1 và tháng 2. Bắc Kinh gia hạn các chính sách trợ cấp và miễn thuế đối với các sản phẩm xe điện trong vòng 2 năm tới, bên cạnh đó cũng hạ mức thuế đánh vào các sản phẩm ôtô từ tháng 5/2020 đến hết năm 2023.

Một cuộc khảo sát độc lập được công bố hôm 1/4 cho thấy các hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã có phần mở rộng hơn trong tháng 3, khi các nhà máy, xí nghiệp mở cửa trở lại sau khi chính quyền nới lỏng các biện pháp phong tỏa cũng như hạn chế đi lại.

Chỉ số Caixin/Markit PMI đã tăng lên 50,1 điểm trong tháng 3 sau khi đã rơi xuống mức thấp kỷ lục 40,3 điểm trong tháng 2. Nếu như chỉ số này ở mức trên 50 điểm, điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp sản xuất đang có dấu hiệu mở rộng ra, và ngược lại.

Các dữ liệu PMI cũng cho thấy sự thu hẹp của các hoạt động sản xuất đã kết thúc nhưng nền kinh tế thì vẫn chưa thể phục hồi ngay lập tức, các chuyên gia phân tích tại Capital Economics cho biết.

“Khảo sát của Caixin cho thấy rằng chỉ có trên 50% các doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất của họ đã có dấu hiệu cải thiện, tuy nhiên đó là so với tháng 2, còn nhìn chung, tốc độ phục hồi còn khá chậm”.

“Sự phục hồi chậm trên cho thấy Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một quãng thời gian dài trước khi có thể hoàn toàn thoát khỏi bóng đen dịch bệnh”, các chuyên gia cho biết.

10 triệu người có nguy cơ thất nghiệp

Capital Economics đưa ra một trong những dự báo “xấu” nhất cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Đơn vị này dự báo GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 16% trong quý I, và 3% trong cả năm 2020.

Trung Quốc đang phải đối mặt với hai “chướng ngại vật” lớn trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh: lực cầu yếu từ các thị trường nước ngoài do dịch bệnh đã lan rộng và một làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2 có thể sẽ “ập đến” trong tương lai.

Nomura ước tính nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2020, khiến cho hàng triệu người mất việc làm. “Chúng tôi ước tính chỉ riêng việc xuất khẩu giảm cũng có thể khiến cho 18 triệu người mất việc trong quý II”, Lu cho biết.

Tao Wang, nhà kinh tế học trưởng Trung Quốc tại UBS, cho biết Bắc Kinh có thể sẽ công bố thêm nhiều các biện pháp hỗ trợ người dân, thị trường lao động và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó là các khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cắt giảm lãi suất.

“Hơn nữa. chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ giảm mạnh mục tiêu tăng trường GDP cho năm nay hoặc tập trung vào công tác kiểm soát dịch bệnh, sự phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ thị trường lao động”, bà cho biết.

Trung Quốc đối mặt nguy cơ không tăng trưởng lần đầu tiên trong 44 năm - Ảnh 2.

Theo Trọng Đại

NDH

Trở lên trên