MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc giảm mua, 
người nuôi cá tra điêu đứng

18-07-2016 - 07:30 AM | Thị trường

Sau khi đổ xô vào nuôi cá tra để xuất bán cho thị trường Trung Quốc, nhiều người dân và doanh nghiệp tại ĐBSCL hiện đang điêu đứng do thị trường này giảm mua, 
nợ tiền cá kéo dài.

Hơn một tháng nay, giá cá tra tại ĐBSCL liên tục giảm mạnh và hiện chỉ còn 16.000-17.000 
đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng năm năm qua, nhưng muốn bán cá cũng không có người mua do thương lái lặn mất tăm.

Bán đổ bán tháo

Vừa bán xong một ao 100 tấn cá, bà Trần Thị Lan (Thuận An, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết gia đình bà bị lỗ hơn 600 triệu đồng nhưng vẫn còn may mắn, bởi nhiều người khác vẫn để cá quá lứa thu hoạch nằm trong ao do thương lái lặn mất tăm.

“Doanh nghiệp không mua nên tui bán cho bạn hàng mỗi ngày vài tấn cá, giá bán chỉ 16.000-17.000 
đồng/kg nên cá bị hao hụt nhiều và lỗ nặng” - bà Lan cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dẫn, trưởng Phòng kinh tế Q.Thốt Nốt, cho biết diện tích nuôi cá tra tại địa phương này khoảng 400ha. Hơn hai tháng nay do không tiêu thụ được, nhiều ao nuôi đã quá lứa thu hoạch nên nhiều người tìm cách bán đổ bán tháo với hi vọng không bị lỗ nhiều.

“Với giá bán chỉ còn 16.000-17.000 đồng/kg, người nuôi lỗ hàng trăm triệu đến bạc tỉ” - ông Dẫn nói.

Trong khi đó, vùng chuyên nuôi cá tra xuất khẩu ven sông Hậu thuộc huyện Châu Phú (An Giang) thời gian gần đây rơi vào không khí ảm đạm, nhiều ao nuôi đã tới lứa thu hoạch nhưng vắng người mua.

“Cá lớn chật cứng cả ao đã mấy tháng nay mà kêu bán hoài không được, ao bỏ hoang luôn. Chưa bao giờ cá tra bị ứ đọng nhiều và kéo dài như vậy” - ông Nguyễn Hữu Nguyên (HTX thủy sản Châu Phú, An Giang) than thở.

Ông Tâm, một hộ nuôi cá tra tại đây, cho biết nhiều người kêu bán cá nhưng chẳng có doanh nghiệp nào đoái hoài tới, còn cánh thương lái cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

“Cá chưa bán được, hằng ngày vẫn phải chạy vạy hỏi vay tiền mua thức ăn, thuốc men phòng trị bệnh khiến nợ nần cứ thêm chất chồng” - ông Tâm cho biết.

Theo ông Tâm, do càng để nuôi kéo dài càng thêm lỗ, lại không chạy được tiền lo cho đàn cá nên nhiều hộ chọn... giải pháp cắt lỗ bằng cách bán đổ bán tháo cho cánh thương lái mua làm khô phồng hoặc đem bỏ mối cho tiểu thương bán lẻ ở các chợ dân sinh.

Một số hộ chuyển qua sử dụng loại thức ăn tự chế được nấu bằng cám, bắp nhằm giảm chi phí, cuối cùng cũng không kham nổi đành bỏ mặc đàn cá rồi hằng ngày đi làm thuê kiếm sống lây lất.

“Chết” do tự hại nhau

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang - cho biết nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá trên địa bàn thời gian qua đã đầu tư vùng nguyên liệu riêng.

Tại một số địa phương, diện tích nuôi của doanh nghiệp chiếm hơn 50% tổng diện tích nuôi. Theo ông Bình, chắc chắn những doanh nghiệp này sẽ ưu tiên giải quyết đầu ra cho số cá tự nuôi thay vì mua cá trong dân, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu cá tra gặp khó như hiện nay.

“Thậm chí cá nuôi của một số doanh nghiệp cũng bị ứ đọng và quá lứa, phải đem bán nội địa nên cá tra do dân nuôi tự phát bị rớt giá và khó tiêu thụ là điều không thể tránh khỏi. Đây là hậu quả của việc mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy nuôi, thiếu quy hoạch và liên kết với nhau. Khi cung vượt cầu thì cá khó tiêu thụ” - ông Bình nói.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết sức mua của một số thị trường lớn như châu Âu và Mỹ sụt giảm mạnh, xuất khẩu cá tra VN đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Trong khi đó, sau một thời gian nhập nhiều cá tra VN, thị trường Trung Quốc cũng bất ngờ giảm mua cách nay vài tháng khiến đầu ra của cá tra càng bị thu hẹp. Ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, cho biết Trung Quốc từng được kỳ vọng là thị trường tiêu thụ mạnh cá tra VN, thay thế cho châu Âu và Mỹ.

Thực tế cũng cho thấy trong những tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc đã “ăn” cá tra rất mạnh, tạo ra hiện tượng khan hiếm nguyên liệu giả tạo, đẩy giá cá lên tới 22.000 đồng/kg và thậm chí rộ tin đồn giá cá có thể lên tới 27.000 đồng/kg.

Do đó, không chỉ doanh nghiệp mà cả nông dân đều mạnh tay đầu tư nuôi trở lại. “Những tháng đầu năm, Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch loại cá tra xẻ bướm (cắt bỏ đầu, xương), cá nguyên con với số lượng lớn. Thế nhưng gần đây Trung Quốc hạn chế nhập, thương lái cũng vắng bóng nên hiện nay cá tra ứ đọng, rớt giá mạnh” - ông Quốc nói.

Ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An, cho biết không chỉ thương lái mà cả các doanh nghiệp cũng xuất cá tra sang thị trường này qua đường tiểu ngạch theo hình thức thanh toán gối đầu, mua trước trả sau.

Do đó, nhiều nhà nhập khẩu phía Trung Quốc lợi dụng bằng cách để nợ kéo dài, hoặc chuyển qua mua hàng của doanh nghiệp khác... “Cùng với việc thị trường Trung Quốc giảm mua, không ít doanh nghiệp bị dính nợ khó đòi nên ngưng làm ăn, dẫn tới việc giảm lượng cá xuất bán qua Trung Quốc” - ông Sơn cho biết.

Ông Phan Kim Sa, phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, thừa nhận nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng tham gia xuất bán cá tra sang thị trường Trung Quốc. Và sau một thời gian, nhiều đơn vị hạ giá bán, cạnh tranh theo kiểu tự giết nhau như với bao thị trường khác lâu nay.

“Cũng có thông tin thương nhân Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp của mình, núp bóng doanh nghiệp và thương lái của mình thu mua cá rồi thuê những nhà máy nhỏ lẻ gia công sản phẩm không được kiểm soát về chất lượng sau đó đem về bán giá thấp hơn, buộc doanh nghiệp khác phải hạ giá theo. Giá bán thấp thì giá cá nguyên liệu rớt xuống, cũng có khả năng bị thương nhân họ thao túng ép giá” - ông Sa nhận định.

Tiềm năng nhưng nhiều rủi ro

Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP, thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Hàng chuyển tới biên giới được tháo ra để kiểm tra trước khi được đóng lại và vận chuyển sang Trung Quốc nên khó đảm bảo khâu bảo quản.

Đặc biệt, các thương nhân Trung Quốc mua trực tiếp hoặc thuê một số nhà máy nhỏ lẻ gia công trước khi đưa sang Trung Quốc khiến chất lượng bị thả nổi, không kiểm soát được có thể làm mất uy tín con cá tra.

Để hạn chế những rủi ro khi xuất sang thị trường nhiều tiềm năng nhưng không ít rủi ro như Trung Quốc, một số doanh nghiệp cho rằng ngoài việc thành lập một trung tâm kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu, các cơ quan chức năng cần tham gia hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, kết nối với hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu thanh toán, thuận lợi trong xuất khẩu chính ngạch thay vì để mạnh ai nấy làm như thời gian qua.

Theo Đức Vịnh

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên