MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Trung Quốc hắt hơi, thế giới rùng mình": Thảm họa kinh hoàng hơn cả Evergrande đang khiến cả Á-Âu phải mở to mắt

04-10-2021 - 16:08 PM | Tài chính quốc tế

"Trung Quốc hắt hơi, thế giới rùng mình": Thảm họa kinh hoàng hơn cả Evergrande đang khiến cả Á-Âu phải mở to mắt

Khủng hoảng năng lượng đồng nghĩa với việc các nước châu Âu có thể không có điện sử dụng trong mùa đông, trong khi đó chuỗi cung ứng bị đứt đoạn tại nhiều quốc gia châu Á.

Oh Sang-hoon, giám đốc điều hành của một công ty Hàn Quốc chuyên sản xuất các bộ phận tivi, đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra.

Mặc dù hóa đơn tiền điện chỉ chiếm một phần nhỏ chi phí đối với công ty chuyên cung cấp linh kiện cho các công ty điện tử khổng lồ như Samsung và LG, nhưng ông Oh đã cảm nhận được tác động của giá dầu tăng chóng mặt, từ dầu mỏ, khí đốt tới than đá - hầu hết giá đã tăng từ 5% đến 10%.

Trung Quốc hắt hơi, thế giới rùng mình: Thảm họa kinh hoàng hơn cả Evergrande đang khiến cả Á-Âu phải mở to mắt - Ảnh 1.

Giá dầu thô đã tăng đột biến trong những tuần gần đây, một phần bởi sự bùng nổ hoạt động kinh tế khi các nước phục hồi sau đại dịch. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng toàn cầu

"Tôi khá lo lắng về việc chi phí nguyên vật liệu tăng", ông nói. "Chúng tôi dự định cắt giảm các chi phí khác và nâng cao năng suất để đối phó với giá dầu tăng".

Giá dầu thô đã tăng đột biến trong những tuần gần đây, một phần do sự bùng nổ hoạt động kinh tế khi các nước phục hồi sau đại dịch. Dầu Brent - tiêu chuẩn quốc tế - đạt 80 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua.

Việc giảm hoạt động khoan dầu của các nhà sản xuất và sự gián đoạn nguồn cung đã làm tăng giá khí đốt tự nhiên - vốn được sử dụng để sưởi ấm cho các ngôi nhà trong mùa đông và cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện.

Các chuyên gia cho rằng các quốc gia châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện trong những tháng mùa đông và các nhà máy của Trung Quốc có thể đóng cửa. Đây là kịch bản nguy hiểm với ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế hậu Covid-19 và gây ra lạm phát cao hơn.

Châu Á cũng sẽ không thoát khỏi thảm họa này. Howie Lee, một nhà kinh tế tại Ngân hàng OCBC của Singapore, cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng "sẽ có hiệu ứng lan tỏa trên toàn thế giới vì các quốc gia phải đối phó với chi phí nhiên liệu đầu vào cao hơn". Ông lưu ý rằng hầu hết các quốc gia trong khu vực này phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, khí đốt và các sản phẩm tinh chế khác.

Trung Quốc hắt hơi, thế giới rùng mình: Thảm họa kinh hoàng hơn cả Evergrande đang khiến cả Á-Âu phải mở to mắt - Ảnh 2.

Hầu hết các quốc gia ở châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, khí đốt và các sản phẩm tinh chế khác.

Ông Lee nhận định: "Việc đóng cửa ngành công nghiệp Trung Quốc, theo tôi, còn kinh khủng hơn cả vụ Evergrande. Sẽ có hiệu ứng lan tỏa tới cả châu Á, làm trì trệ tăng trưởng, tăng cao lạm phát vì những nút thắt cổ chai ở chuỗi cung ứng".

Xăng dầu và điện nước tăng giá

Cũng giống như Oh, nhiều người ở Hàn Quốc sẽ sớm cảm thấy vấn đề về giá điện. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco), công ty điện lực lớn nhất của nước này, tuần trước cho biết họ sẽ tăng giá lần đầu tiên sau gần 8 năm.

Cơ quan Thị trường Năng lượng của Singapore cho biết nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi thị trường năng lượng toàn cầu vì Singapore nhập khẩu gần như toàn bộ năng lượng.

Nếu các đối tác cung cấp năng lượng lớn - ví dụ như Trung Quốc - gặp khủng hoảng năng lượng, hiệu ứng lan tỏa sẽ trở nên rõ rệt hơn đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc đang trải qua tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong một thập kỷ - ảnh hưởng đến các khu dân cư cũng như các nhà máy công nghiệp. Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty năng lượng phải đảm bảo nhiên liệu bằng mọi giá để đảm bảo sinh kế cơ bản và giữ cho chuỗi cung ứng ổn định.

Lệnh của chính phủ trung ương Trung Quốc đã làm dấy lên dự đoán rằng thị trường năng lượng sẽ có nhiều biến động trong bối cảnh các nguồn cung cấp trở thành mục tiêu cạnh tranh quyết liệt - giữa lúc các chính phủ và người tiêu dùng châu Âu cũng phải đối phó với giá khí đốt và điện cao trong mùa đông năm nay.

Nhưng đối với các nhà phân tích châu Á, việc các nhà máy Trung Quốc tiết kiệm năng lượng - thông qua tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất sản xuất - là điều đáng lo ngại hơn cả.

Các công ty nhỏ hơn đã chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy dầu diesel. Sự gián đoạn sản lượng sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như nhôm và thép, tác động trực tiếp đến các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào vật liệu Trung Quốc cho các lĩnh vực kỹ thuật và xây dựng của họ.

Hôm 1/10, Việt Nam cho biết các công ty cho đến nay không gặp phải vấn đề về việc nhập nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu đầu vào khác do cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc - quốc gia cung cấp nguyên liệu chính cho ngành may mặc và giày dép tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cho biết nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ các nhà sản xuất đã giảm do phải tạm ngừng hoạt động trong các đợt giãn cách chống dịch COVID-19.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên