Trung Quốc làm chủ công nghệ siêu độc: "Biến được cả tên lửa thành máy bay" - Sức mạnh lên tầm cao mới
Nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã sáng chế ra tấm màn ngụy trang có thể "biến tên lửa hành trình thành máy bay chở khách" trên màn hình radar.
- 09-01-2024Cha đỡ đầu một chỉ báo suy thoái lên tiếng cảnh báo về nền kinh tế 2024, chỉ mong lần này ông đã sai
- 08-01-2024Công ty xe điện của ‘chúa chổm’ Evergrande tiếp tục lận đận, cổ phiếu giảm 23% vì rộ tin sếp lớn bị bắt giữ
- 08-01-2024CNBC: Việt Nam xếp chung với Nhật Bản, Ấn Độ trong nhóm thị trường đầu tư hấp dẫn nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2024
Tấm màn che vô hình
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã sáng chế ra tấm màn ngụy trang mạ vàng có thể "biến tên lửa hành trình thành máy bay chở khách" trên màn hình radar, một phát kiến mà các chuyên gia cho rằng có thể "thay đổi cục diện chiến trường".
Công nghệ chi phí thấp này sẽ gây ra sự nhiễu loạn cho các hệ thống phòng không đắt tiền và khiến chỉ huy đối phương không có nhiều thời gian phản ứng, theo SCMP.
Dự án là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng thêm các cách thức xâm nhập hệ thống phòng không ở khoảng cách xa.
Theo một số chuyên gia quân sự Trung Quốc, trong khi định hướng quân sự tổng thể của Trung Quốc vẫn mang tính phòng thủ, khả năng mới sẽ đóng vai trò ngăn chặn hiệu quả trước sự can thiệp của các thế lực nước ngoài.
Trong bài viết đăng trên trên Tạp chí Khoa học Vô tuyến Trung Quốc vào tháng trước, Zong Yali và các đồng nghiệp cho biết tấm màn che được làm từ những sợi kim loại mịn được mạ vàng. Các sợi vàng sau đó tạo thành một mạng lưới hình học phức tạp để phản xạ tín hiệu radar.
Zong, phó giáo sư ngành khoa học radar tại Đại học Bách khoa Tây Bắc ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cho biết thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy thiết bị này có thể tăng tiết diện radar của mục tiêu bay từ dưới 1 lên hơn 30 decibel/m2.
Chỉ số này tương tự với tín hiệu radar được tạo ra bởi một chiếc máy bay lớn như Boeing 737 hoặc Airbus A320 khi xem xét ở một số tình huống nhất định.
Các tấm phản xạ radar vốn không phải xa lạ khi đã được Mỹ sử dụng trên một số tên lửa của nước này, chẳng hạn như ADM-160 MALD, giúp chúng được xác định dưới dạng máy bay trên màn hình radar.
Các máy bay quân sự tàng hình như F-22 và máy bay ném bom B2 cũng mang theo các tấm phản xạ có thể tháo rời được gọi là thấu kính Luneburg trong phạm vi bị kiểm soát không lưu dân sự phát hiện và che giấu tín hiệu radar thực sự.
"Chiến tranh điện tử đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các thiết bị và công cụ đối phó điện tử mới đang được đưa vào sử dụng với tốc độ chưa từng có", Zong cho biết trong bài báo. "Những thứ này đang thay đổi bộ mặt của chiến tranh".
Rẻ, gọn nhẹ, linh hoạt
Theo nhóm nghiên cứu, điều làm cho tấm màn che Trung Quốc khác biệt với công nghệ phản xạ radar hiện tại đến từ tính linh hoạt.
Tấm màn có thể được triển khai hoặc gấp lại nhiều lần giống như một chiếc ô, do đó tên lửa hoặc máy bay có thể chuyển đổi giữa chế độ hiện diện và tàng hình theo ý muốn trong suốt hành trình.
Các nhà nghiên cứu cho biết cấu trúc gấp và vật liệu sợi carbon trên tấm màn có đủ khả năng phục vụ cho các mục đích quân sự.
Tấm màn che cũng có thể thay đổi hình dạng và kích thước một cách ngẫu nhiên, tạo ra một số họa tiết lạ khiến radar đối phương bối rối.
Một ưu điểm quan trọng khác của tấm màn che là chi phí rẻ và trọng lượng tương đối nhẹ.
Mặc dù có những dạng thiết bị phát thông minh có thể tạo ra tín hiệu gây nhầm lẫn cho radar của đối phương nhưng công nghệ này rất phức tạp và giá thành cao.
Ngược lại, tấm màn che của Trung Quốc hầu hết được làm bằng vật liệu giá rẻ được cung cấp rộng rãi trong chuỗi sản xuất công nghiệp của nước này.
Theo các nhà nghiên cứu, toàn bộ thiết bị chỉ nặng khoảng 1kg, nhẹ hơn rất nhiều so với hầu hết các tấm phản xạ hiện đang được sử dụng hoặc đang được phát triển.
Trọng lượng nhẹ cũng giúp tên lửa có thể bay quãng đường xa hơn hoặc mang đầu đạn lớn hơn. Tấm màn che cũng có thể được gắn trên tàu chiến hoặc phương tiện trên bộ.
Với các đặc trưng như chi phí thấp, gọn nhẹ và tính linh hoạt, thiết bị dự kiến sẽ tạo nên nhu cầu lớn trong tương lai.
Nhưng nhóm của Zong cho biết thách thức là đưa tấm màn che vào sản xuất hàng loạt. Việc đạt được hiệu suất đồng đều ở một số lượng lớn sản phẩm sẽ khó khăn, trừ khi quy trình sản xuất có thể được thực hiện chủ yếu bằng máy móc.
Truyền thông Trung Quốc tháng trước đã công bố những thước phim về một nhà máy sản xuất tự động chuyên về tên lửa hành trình.
Ở phương Tây, vũ khí này thường được lắp ráp thủ công do tính chất phức tạp. Nhưng ở nhà máy Trung Quốc, có vẻ như hầu hết công việc đã được thay thế bằng máy móc.
Theo báo cáo, nhà máy này có thể hoạt động 24 giờ một ngày và sản xuất số lượng lớn vũ khí với chi phí thấp và tiêu chuẩn chất lượng cao.
Theo SCMP, Trung Quốc tin rằng một cuộc chạy đua vũ trang mới với các loại vũ khí công nghệ cao, chi phí thấp, bao gồm tên lửa hành trình và máy bay không người lái, sẽ không chỉ tăng cường sức mạnh chiến đấu mà còn có thể khiến đối thủ "phá sản".
Đời sống và Pháp luật