MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc làm thế nào để xây cầu đường sắt cao tốc xuyên biển 15km chỉ trong hơn 2 năm?

08-11-2023 - 11:36 AM | Kinh tế số

Cỗ máy được sử dụng để xây công trình này đặc biệt "thông minh", và được ví von là “viên kim cương” của lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc.

Trung Quốc làm thế nào để xây cầu đường sắt cao tốc xuyên biển 15km chỉ trong hơn 2 năm? - Ảnh 1.

Tháng 6/2020, Kunlun - cỗ máy lắp dựng dầm cầu nặng 1.000 tấn đầu tiên trên thế giới đã được đưa vào hoạt động để xây dựng Meizhou - cây cầu đường sắt cao tốc xuyên biển đầu tiên của Trung Quốc.

Cầu Meizhou dài 15km và là một phần quan trọng của tuyến đường sắt cao tốc vượt biển dài 277km khởi hành từ Phúc Châu và kết thúc ở Chương Châu. Đây là dự án gặp nhiều thách thức trong thi công nhất do điều kiện địa chất phức tạp, gió và sóng biển mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm lớn.

Tuy nhiên, những khó khăn đó đã được khắc phục đáng kể nhờ cỗ máy Kunlun được ví von là “viên kim cương” của lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, đây là thiết bị xây dựng cầu đường sắt cao tốc hiện đại và toàn diện nhất quốc gia này.

Cỗ máy lắp dựng Kunlun dài 116m, cao 9,3m và được lắp ráp từ hơn 15.000 bộ phận khác nhau, do hai công ty đường sắt của Trung Quốc phối hợp phát triển. Cỗ máy tích hợp các chức năng như nâng, vận chuyển và lắp dựng dầm cầu. So với các thiết bị trước đây, cỗ máy này giúp tiết kiệm tới 20% chi phí đồng thời tăng tốc độ lắp dựng dầm cầu thêm 25%.

Được trang bị hệ thống cảm biến thông minh, cỗ máy có thể tự lái và hoạt động chính xác trong đường hầm tối cũng như tự động điều chỉnh sai lệch khi lắp đặt trong các hang động núi đá vôi khổng lồ.

Trung Quốc làm thế nào để xây cầu đường sắt cao tốc xuyên biển 15km chỉ trong hơn 2 năm? - Ảnh 2.

Cỗ máy Kunlun hiện là thiết bị xây dựng cầu đường sắt cao tốc hiện đại và toàn diện nhất Trung Quốc (Ảnh: China Daily).

Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ thi công của công trình, nhóm nghiên cứu và phát triển của hai công ty đường sắt đã phát triển hệ thống giám sát thông minh với khả năng theo dõi trạng thái vận hành và dữ liệu của cỗ máy trong toàn bộ quá trình xây dựng.

Ngoài ứng dụng nhiều loại công nghệ thông minh, cỗ máy còn có thể hoạt động linh hoạt trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và giúp tăng các khả năng lựa chọn vị trí xây dựng cầu. Một điểm đáng chú ý, cỗ máy được chế tạo bằng vật liệu bền hơn và nhẹ hơn, giúp quá trình vận chuyển đến công trình diễn ra thuận tiện hơn.

Sau khi hoàn thành cầu Meizhou, cỗ máy đã được nâng cấp với trọng lượng nhẹ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, phục vụ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Xích Châu - Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy (Trung Quốc). Việc ứng dụng thành công cỗ máy Kunlun đánh dấu một bước tiến đáng kể về công nghệ và thiết bị phục vụ xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc.

Cuối tháng 9 vừa qua, tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên của Trung Quốc với vận tốc tối đa lên tới 350km/h đã chính thức đi vào hoạt động. Giám đốc dự án cho biết việc xây dựng đoạn đường sắt qua biển đã vượt qua các thách thức tự nhiên như gió mạnh, sóng cao, nước sâu và tính chất ăn mòn của môi trường biển. Đồng thời, tuyến đường sắt đã được thiết kế để tăng cường khả năng chống lại động đất khi đi qua những khu vực có nguy cơ cao.

Tuyến đường sắt được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, thông minh như Internet vạn vật và hệ thống điện toán biên. Đáng chú ý, dự án này sử dụng robot thông minh để xây dựng đường ray được làm bằng thép chống ăn mòn.

Ngọc Hiệp

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên