MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc lần đầu giảm dân số trong 60 năm: Chưa giàu đã già, bị đẩy vào khủng hoảng

19-01-2023 - 09:24 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc lần đầu giảm dân số trong 60 năm: Chưa giàu đã già, bị đẩy vào khủng hoảng

Các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm đã cố gắng làm chậm lại thời điểm này nhưng không hiệu quả.

Giờ đây, đối mặt với tình trạng suy giảm dân số và việc kéo dài tuổi thọ, đất nước này đang bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học được cho sẽ gây ra những hậu quả không chỉ đối với nền kinh tế của nước này, mà còn đối với cả thế giới.

Đối mặt tình trạng không còn đủ người lao động

Quốc gia đông dân nhất thế giới đã bước đến dấu mốc quan trọng: dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm sau khi tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm, xu hướng mà các chuyên gia cho là không thể đảo ngược.

Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết 9,56 triệu người được sinh ra vào năm ngoái, trong khi 10,41 triệu người mất đi. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vượt hơn số ca sinh ở Trung Quốc kể từ sau thời kỳ Đại nhảy vọt vào những năm 1960.

Các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm đã cố gắng làm chậm lại thời điểm này, bao gồm việc nới lỏng chính sách một con và đưa ra các biện pháp khuyến khích các gia đình sinh con nhưng không hiệu quả.

Trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc kinh tế và là công xưởng của thế giới. Quá trình phát triển của đất nước từ tình trạng nghèo đói lan rộng thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giúp gia tăng tuổi thọ, góp phần vào sự suy giảm dân số hiện nay, nhiều người sống lâu hơn trong khi có ít trẻ em được sinh ra hơn.

Xu hướng đó đã đẩy nhanh một sự kiện đáng lo ngại khác: ngày mà Trung Quốc sẽ không có đủ người trong độ tuổi lao động để thúc đẩy tăng trưởng.

“Về lâu dài, chúng ta sẽ thấy một Trung Quốc mà thế giới chưa từng thấy,” Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California ở Irvine, chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học của Trung Quốc, cho biết.

“Đó sẽ không còn là một đất nước với dân số trẻ, năng động và không ngừng tăng trưởng. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn nhận Trung Quốc như một quốc gia đang già đi và dân số thì giảm dần.”

Áp lực của người trẻ Trung Quốc

Các khoản hỗ trợ của chính phủ như tiền mặt cho trẻ sơ sinh và cắt giảm thuế đã không thay đổi được thực tế cơ bản là nhiều người trẻ Trung Quốc đơn giản là không muốn có con.

“Tôi không thể gánh nổi trách nhiệm sinh ra và nuôi dạy một đứa trẻ”, Luna Zhu, 28 tuổi, sống cùng chồng ở Bắc Kinh, nói. Bố mẹ của cả hai đều sẵn sàng chăm sóc cháu, và cô cũng đang làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước có chế độ nghỉ thai sản tốt. Dù vậy, Zhu không hứng thú với việc làm mẹ.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, số ca sinh đã giảm từ 10,6 triệu vào năm 2021, năm thứ 6 liên tiếp con số này giảm. Tổng dân số của Trung Quốc hiện ở mức 1,41 tỷ người. Đến năm 2035, 400 triệu người ở Trung Quốc dự kiến sẽ trên 60 tuổi, chiếm gần 1/3 dân số nước này.

Tình trạng thiếu lao động đi kèm với dân số già đi nhanh chóng của Trung Quốc cũng sẽ làm giảm doanh thu thuế và nguồn thu đóng góp cho hệ thống lương hưu vốn đang chịu áp lực rất lớn.

Thông tin về sự suy giảm dân số của Trung Quốc xuất hiện khi nước này đang mở cửa trở lại.

Trung Quốc hôm thứ Ba cũng công bố dữ liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của những thách thức kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc chỉ tăng 2,9% trong 3 tháng cuối năm sau các đợt phong tỏa trên diện rộng và số ca nhiễm Covid gia tăng gần đây. Trong cả năm, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%, tốc độ chậm nhất trong gần 4 thập kỷ.

Thời điểm đánh dấu bước ngoặt lịch sử về nhân khẩu học của Trung Quốc không nằm ngoài dự kiến. Các quan chức Trung Quốc năm ngoái thừa nhận rằng đất nước đang trên bờ vực suy giảm dân số, có thể sẽ bắt đầu trước năm 2025.

Nhưng thời điểm này đã đến sớm hơn dự đoán của các nhà nhân khẩu học, chuyên gia thống kê và giới chức cầm quyền.

Các quan chức đã thực hiện một số bước đi trong những năm gần đây để cố gắng làm chậm sự suy giảm số ca sinh. Năm 2016, họ nới lỏng chính sách “một con” đã tồn tại suốt 3 thập kỷ.

Vào năm 2021, các cặp vợ chồng được phép có 3 con. Kể từ đó, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các cặp vợ chồng và gia đình nhỏ để khuyến khích họ sinh con, bao gồm hỗ trợ tiền mặt hay cắt giảm thuế.

Zheng Mu, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết những biện pháp này không đủ toàn diện để ổn định tỷ lệ sinh đang giảm.

Nhưng trên thực tế, các chuyên gia cho biết, số liệu sinh giảm mạnh của Trung Quốc cho thấy một xu hướng không thể đảo ngược.

Cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, dưới mức mà các nhà nhân khẩu học gọi là tỷ lệ sinh thay thế cần thiết để dân số tăng trưởng. Con số đó đòi hỏi trung bình mỗi cặp vợ chồng phải có 2 con.

Trong khi đó, tổng dân số của Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào cuối năm nay, theo một ước tính gần đây của Liên hợp quốc.

Ông O’Keefe của Đại học California, Irvine, cho biết sự suy giảm dân số của Trung Quốc sẽ rất khó đảo ngược trong giai đoạn này.

“Tôi không nghĩ có một quốc gia nào có tỷ lệ sinh thấp như Trung Quốc và sau đó chứng kiến tỉ lệ sinh đẻ thay thế tăng mạnh.”

Nhiều người trẻ tuổi đã chỉ ra rằng chi phí nuôi dạy con ngày càng tăng - bao gồm cả việc chăm sóc con cái - vào thời điểm nền kinh tế đang ở trong tình trạng bấp bênh.

Rachel Zhang, một nhiếp ảnh gia 33 tuổi ở Bắc Kinh, trước khi kết hôn đã quyết định rằng họ sẽ không có con.

“Tôi chưa bao giờ có mong muốn có con trong suốt thời gian qua", Zhang nói. Chi phí nuôi con ngày càng tăng và những khó khăn trong việc tìm kiếm căn hộ ở khu vực có trường tốt khiến quyết tâm của cô càng được củng cố.

Các yếu tố khác góp phần khiến họ miễn cưỡng sinh thêm con, trong đó có gánh nặng mà nhiều người trẻ tuổi phải đối mặt trong việc chăm sóc cha mẹ và ông bà già yếu.

Đối với cô Zhu, người đã kết hôn cách đây 5 năm, đại dịch đã củng cố quyết định không sinh con của cô.

“Đặc biệt là trong 3 năm qua của dịch bệnh,” cô Zhu nói, “Tôi cảm thấy có nhiều thứ thật khó khăn.”

Minh Khôi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên