MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc mở tour du lịch Việt Nam: Tin vui, nhưng còn một số thắc mắc...

Giám đốc công ty AZA travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa du lịch với Việt Nam là tin vui, tuy nhiên còn một số thắc mắc: "Tôi chỉ nhận được thông tin đã mở cửa và mở cửa đối với khách đoàn thông qua các công ty du lịch. Vậy còn khách lẻ từ Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc, chính sách visa ra sao?".

Khẩn trương

Ngày 8/3, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023). Đây là kết quả từ nỗ lực làm việc của các cấp, ngành giữa hai bên, mang lại tin vui cho những người làm du lịch.

Trao đổi với Tiền Phong , bà Ngô Thị Lan Phương - Giám đốc CTCP Lữ hành quốc tế Kim Liên, đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc - cho biết, khoảng một tuần trước đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi thông tin này và bàn phương án đón khách. “Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị đón khách”, bà Phương nói.

Các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ sẵn sàng các phương án đón khách Trung Quốc từ sớm, tuy nhiên trong tháng 2/2023 bị dừng lại vì chính sách thí điểm mở cửa du lịch của Trung Quốc. Theo đó, trong đợt thí điểm đầu tiên Trung Quốc chỉ đưa khách đoàn tới 20 quốc gia , không có Việt Nam.

Đại diện Flamingo Redtours khẳng định, trong suốt ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, đơn vị này vẫn duy trì các hoạt động trao đổi với các đối tác Trung Quốc.

“Những ngày gần đây không khí làm việc khẩn trương hơn. Chúng tôi chuẩn bị từ hàng không, nhà hàng, khách sạn.... với mong muốn mang đến những sản phẩm đa dạng hấp dẫn hơn đối với khách Trung Quốc”, đại diện Flamingo Redtours cho biết.

Trung Quốc mở tour du lịch Việt Nam: Tin vui, nhưng còn một số thắc mắc... - Ảnh 1.

Khách Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Việt Nam.

Giám đốc công ty AZA travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa du lịch với Việt Nam là tin vui, tuy nhiên còn một số thắc mắc: "Tôi chỉ nhận được thông tin đã mở cửa và mở cửa đối với khách đoàn thông qua các công ty du lịch. Vậy còn khách lẻ từ Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc, chính sách visa ra sao?".

Nhìn kinh nghiệm từ các nước khác khi mở cửa đón khách Trung Quốc, ông Nguyễn Tiến Đạt nhận định sau khi mở, cửa lượng khách Trung Quốc sẽ không ồ ạt đổ bộ sang Việt Nam. Đó là do thói quen du lịch của khách Trung Quốc thay đổi và người dân cũng cần thời gian để ổn định cuộc sống, đặc biệt là kinh tế.

Không phân biệt đối xử

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) - nhận định, không riêng Việt Nam mà các nước trong khu vực, thậm chí các nước trên thế giới đều mong chờ khách Trung Quốc, do lượng khách khổng lồ từ thị trường này tỏa đi khắp nơi.

Đối với Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, khách Trung Quốc chiếm thị phần tới 32%. Khách Trung Quốc đặc biệt chiếm tỷ lệ cao ở một số địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)...

“Với ý nghĩa như vậy, đây là thời điểm tương đối thuận lợi cho Việt Nam trong việc khôi phục lượng khách quốc tế. Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội này, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 có thể trở thành hiện thực, thậm chí có thể vượt con số này”, ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.

Trung Quốc mở tour du lịch Việt Nam: Tin vui, nhưng còn một số thắc mắc... - Ảnh 2.

Đoàn khách Trung Quốc tới Nha Trang tháng 1/2023.

Doanh nghiệp lữ hành, du lịch từ trước đó sẵn sàng kế hoạch đón khách Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính lưu ý các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần phải có khảo sát, nghiên cứu xu hướng và hành vi của khách. Sau đại dịch, nhu cầu du lịch của khách nói chung và khách Trung Quốc nói riêng cũng có những thay đổi nhất định. Trước đại dịch, khách Trung Quốc có xu hướng thích các điểm du lịch biển, du lịch thành phố, danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam.

“Việt Nam cần tăng cường quản lý điểm đến để nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, văn hóa để các bên cùng hưởng lợi từ du lịch và đảm bảo du lịch phát triển bền vững. Hơn nữa, chúng ta nên tăng cường tuyên truyền người dân ở các địa phương không phân biệt đối xử với khách du lịch. Tất cả du khách đều đáng quý. Họ đến Việt Nam đều đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương”, ông Hoàng Nhân Chính nêu.

Theo Nguyên Khánh - Gia Linh

Tiền phong

Trở lên trên