MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc nắm giữ "vũ khí đáng gờm" khiến nhiều nước e dè: Mỹ phụ thuộc 80%, châu Âu còn khủng hơn với 98%

25-04-2023 - 12:59 PM | Tài chính quốc tế

Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), Trung Quốc trước đây từng sử dụng đất hiếm làm "vũ khí" khi đình chỉ xuất khẩu kim loại này sang Nhật Bản sau một vụ căng thẳng song phương vào năm 2010.

Trung Quốc nắm giữ "vũ khí đáng gờm" khiến nhiều nước e dè: Mỹ phụ thuộc 80%, châu Âu còn khủng hơn với 98% - Ảnh 1.

Khi thế giới mở rộng việc sử dụng các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thì vai trò của đất hiếm trong các ngành công nghiệp này ngày càng trở nên quan trọng.

Hãng tin Al Jazeera (Qatar) cho biết, Mỹ hiện phụ thuộc khoảng 80% nhu cầu đất hiếm từ Trung Quốc, trong khi châu Âu thậm chí còn lớn hơn. Theo báo cáo hồi tháng 9/2020 của Ủy ban châu Âu, châu lục này phụ thuộc đất hiếm từ Trung Quốc lên tới 98%.

Điều thú vị là theo Viện Nghiên cứu Đất hiếm và Khoáng sản có trụ sở tại Thụy Sĩ, Trung Quốc, Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu đất hiếm lớn nhất và Úc, Brazil, Ấn Độ, Kazakhstan, Malaysia, Nam Phi, Mỹ cũng khai thác và tinh chế số lượng lớn đất hiếm.

Đất hiếm là khoáng sản bao gồm khoảng 17 nguyên tố kim loại. Ví dụ: Công nghệ sản xuất iPhone cần  khoảng 7 nguyên tố trong đất hiếm.

Không giống như vàng, các nguyên tố này không hiếm về số lượng như mọi người tưởng tượng, nhưng tính khan hiếm của chúng nằm ở chỗ chúng không tồn tại tách biệt với các khoáng chất khác và rất khó phân tách.

Ngoài ra, tính khan hiếm của chúng còn nằm ở chỗ nguồn cung không đủ khi chỉ mới được phát hiện gần đây (thế kỷ 18) và những đặc điểm độc đáo của chúng.

Trung Quốc nắm giữ "vũ khí đáng gờm" khiến nhiều nước e dè: Mỹ phụ thuộc 80%, châu Âu còn khủng hơn với 98% - Ảnh 2.

Các bán thành phẩm đất hiếm. Ảnh: Getty

Vũ khí đáng gờm của Trung Quốc

Kể từ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của đất hiếm trong các ngành công nghiệp thông minh hiện đại, do đó đã đầu tư vào phát triển công nghệ khai thác đất hiếm.

Cho đến đầu những năm 2000, Trung Quốc thống trị 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu, nhờ giá nhân công rẻ và điều kiện môi trường khai thác không quá nghiêm ngặt. Điều này cho phép, đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu có giá cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, nhận thức của Washington về mức độ nghiêm trọng của việc phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm đã thúc đẩy nước này đẩy mạnh quá trình khai thác đất hiếm trong nước.

Khi nhu cầu tăng lên cùng với việc các đối thủ cạnh tranh mới gia nhập thị trường nên địa vị thống trị sản xuất đất hiếm của Trung Quốc đã giảm.

Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), Trung Quốc trước đây đã sử dụng đất hiếm làm "vũ khí" khi đình chỉ xuất khẩu kim loại này sang Nhật Bản sau một vụ căng thẳng song phương vào năm 2010.

Vào tháng 12/2022, Bộ Thương mại và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố, họ sẽ cấm hoặc hạn chế xuất khẩu công nghệ tinh chế và xử lý nguyên tố đất hiếm.

Lập trường của Trung Quốc được đưa ra khi Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc bằng cách hạn chế xuất khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất chip điện tử.

Trước tình hình quốc tế gia tăng căng thẳng, Washington không muốn làm gián đoạn chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các ngành công nghiệp đất hiếm, đặc biệt là quân sự.

Do đó, Washington tìm cách khuyến khích các đối tác G7 tập hợp các nguồn lực bằng cách đưa ra một loạt các ưu đãi kinh doanh và thuế hào phóng cho các công ty đầu tư vào khai thác đất hiếm.

Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát vào tháng 8/2022 để mở rộng các ưu đãi thuế hiện có và khuyến khích đầu tư vào các dự án liên quan đến đất hiếm, như năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, theo một số ước tính, Mỹ vẫn đi sau Trung Quốc 15 năm về công nghệ khai thác và tinh chế đất hiếm.

Trong khi Trung Quốc đã phát triển công nghệ phân tách, hấp thụ và tinh chế đất hiếm trong nhiều thập kỷ thì Mỹ đã không phân bổ đầu tư đủ trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Washington và các đồng minh vào sản xuất đất hiếm cả trong và ngoài nước, như ở Úc và các nước châu Phi, sẽ thu hẹp khoảng cách về năng suất và công nghệ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Thụy Điển hồi tháng 1/2023 thông báo họ đã phát hiện ra mỏ đất hiếm quan trọng ở thành phố Kiruna. Thụy Điển tin rằng phát hiện này có thể "giúp EU độc lập hơn về đất hiếm và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh".

Trung Quốc nắm giữ "vũ khí đáng gờm" khiến nhiều nước e dè: Mỹ phụ thuộc 80%, châu Âu còn khủng hơn với 98% - Ảnh 3.

Trung Quốc đứng đầu thế giới về xuất khẩu đất hiếm. Ảnh: NYT

Nhưng phát hiện lớn nhất và quan trọng nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi hồi tháng 8/2022, nước này công bố đã phát hiện mỏ đất hiếm với trữ lượng ước tính khoảng 694 triệu tấn đủ để cung cấp cho thế giới trong một nghìn năm.

Phát hiện này đưa Thổ Nhĩ Kỳ lên vị trí thứ hai về trữ lượng đất hiếm sau Trung Quốc.

Các nước Ả Rập trong giai đoạn nghiên cứu và thăm dò

Mặc dù đất hiếm đã được phát hiện ở nhiều quốc gia Ả Rập nhưng vẫn chưa được khai thác thương mại do nhu cầu về công nghệ khai thác và tinh chế tiên tiến.

Chưa kể việc khai thác đất hiếm liên quan đến các biện pháp bảo vệ môi trường, do sử dụng hóa chất gây ô nhiễm, đó là một trong những lý do tại sao Mỹ và các nước châu Âu không mở rộng các dự án như vậy.

Chính điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc thống trị lĩnh vực sản xuất đất hiếm toàn cầu thời gian qua.

Algeria, Libya và Ả Rập Saudi đứng đầu danh sách các quốc gia Ả Rập có trữ lượng đất hiếm và không loại trừ khả năng các quốc gia Ả Rập khác đầu tư vào lĩnh vực này nếu họ thực sự quan tâm.

Algeria nắm giữ khoảng 20% trữ lượng đất hiếm của thế giới, theo ước tính của Văn phòng Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản của Cơ quan Thông tin Tài chính và Kinh tế Châu Phi.

Mặc dù Algeria có đất hiếm đáng kể được biết đến trong nhiều thập kỷ nhưng ngoài việc đầu tư hạn chế vào khai thác vàng, thì khai thác đất hiếm vẫn chưa được xem trọng.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2022, Algeria bắt đầu giai đoạn nghiên cứu thăm dò để ước tính trữ lượng thực tế và lập bản đồ địa chất, đồng thời tham vấn một số quốc gia, bao gồm Nga, Pháp và Nhật Bản, để thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực này.

Theo Al Jazeera, ngày nay, với sự mở rộng của thương mại đất hiếm toàn cầu, sự cạnh tranh tinh chế đất hiếm giữa Trung Quốc, Nga, Mỹ, Châu Âu... sẽ ngày càng trở nên gay gắt.

Theo An An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên