Trung Quốc “ngư ông đắc lợi” khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran?
“Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là quốc gia hưởng lợi từ lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp trở lại đối với Iran”...
- 08-05-2018Có 870 triệu khách hàng, thanh toán di động đạt 2.400 tỷ USD mỗi quý, cỗ máy tài chính của Jack Ma bị Chính phủ Trung Quốc để mắt vì quá bành trướng
- 05-05-2018Mỹ: 717 tỉ USD nhắm vào Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ
Ảnh hưởng đối với thị trường dầu lửa từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Tehran sẽ được quyết định bởi cách phản ứng của Trung Quốc đối với động thái này - hãng tin CNN nhận định.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn vì nước này là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran. Năm nay, khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Iran có đích đến là Trung Quốc, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Genscape.
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh mấy tuần trở lại đây, từ trước khi ông Trump công bố quyết định của ông về thỏa thuận hạt nhân Iran. Các nhà giao dịch dầu lửa đã đặt cược rằng lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Tehran sẽ làm giảm mạnh dòng dầu từ Iran, giữa lúc thế giới có vẻ như đã ra khỏi tình trạng thừa cung dầu kéo dài mấy năm qua.
1 triệu thùng dầu trong tổng số 2,6 triệu thùng dầu mà Iran xuất khẩu mỗi ngày đang bị đặt vào thế rủi ro bởi quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ.
Nhưng Mỹ không nhập khẩu dầu thô trực tiếp từ Iran. Và cũng không có gì đảm bảo rằng các khách hàng lớn của Iran sẽ tuân thủ lệnh trừng phạt mà Mỹ áp trở lại đối với quốc gia vùng Vịnh này. Ngay cả những đồng minh thân cận của Mỹ trong Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ bất bình với hành động của ông chủ Nhà Trắng.
Bắc Kinh thậm chí còn ít khả năng tôn trọng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran hơn.
Không chỉ bởi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đang rất "khát" dầu, mà còn bởi Bắc Kinh và Washington đang mâu thuẫn gay gắt về thương mại. Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì trong việc ủng hộ ông Trump trừng phạt Iran, cho dù Mỹ có dọa có biện pháp đối với các quốc gia giao thương với Tehran.
"Xét đến mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, có lẽ Trung Quốc sẽ không tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran", ông Michael Tran, chiến lược gia năng lượng toàn cầu của RBC Capital Markets, phát biểu.
"Mỹ khó có thể thuyết phục Trung Quốc giảm mua dầu của Iran, bởi ông Trump đang có mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh", chuyên gia kinh tế học về hàng hóa cơ bản Thomas Pugh thuộc Capital Economics nhận định.
Các chuyên gia năng lượng kỳ vọng các khách hàng lớn khác của Iran, gồm hai đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ tuân thủ chặt chẽ lệnh trừng phạt mới của Washington đối với Tehran.
Nếu lệnh trừng phạt này khiến các nước châu Âu cắt giảm hoặc thậm chí dừng mua dầu của Iran, Trung Quốc sẽ càng có nhiều dầu để mua hơn, thậm chí với giá mềm hơn.
"Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là quốc gia hưởng lợi từ lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp trở lại đối với Iran", ông Matt Smith, người phụ trách nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, phát biểu.
Trung Quốc thường xuyên mua dầu từ Iran, ngay càng khi Tehran bị trừng phạt. Dữ liệu của ClipperData cho thấy Trung Quốc nhập khẩu trung bình 420.000 thùng dầu mỗi ngày từ Iran trong năm 2014 và 481.000 thùng/ngày trong năm 2015.
Dù giảm nhập khẩu dầu từ Iran trong năm 2017, Trung Quốc lại nhập nhiều hơn trong năm nay khi ông Trump chuẩn bị ra quyết định về thỏa thuận hạt nhân. Theo ClipperData, Iran đã giao hàng 766.000 thùng dầu cho Trung Quốc trong tháng 3 và gần 700.000 thùng trong tháng 4.
Ông Smith cho rằng việc Iran đẩy mạnh xuất khẩu dầu mấy tháng qua có thể là một "nỗ lực nhằm đi trước lệnh trừng phạt của Mỹ".
Nếu không có sự ủng hộ của Trung Quốc, những nỗ lực của Mỹ nhằm trừng phạt Iran có thể không phát huy tác dụng. Và ảnh hưởng đối với thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ không nghiêm trọng như lo ngại của một số người.
Xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực vào đầu năm 2016. Sự gia tăng nguồn cung này diễn ra đúng thời điểm tồi tệ của thị trường dầu lửa toàn cầu: khi đó, tình trạng thừa cung dầu đã khiến giá "vàng đen" sụt sâu.
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi nhờ nỗ lực kiềm chế sản lượng của OPEC và Nga, cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu mạnh lên do tăng trưởng kinh tế khởi sắc tại Mỹ và nhiều khu vực khác trên thế giới.
VnEconomy