Trung Quốc: Người dân bất chấp rủi ro mua những ngôi nhà được mang đi cầm cố có giá giảm 20-30%
"Nhà thế chấp" đang là một vấn đề gây tranh cãi trong giới bất động sản tại Trung Quốc.
- 10-11-2021Jeff Bezos mua biệt thự 78 triệu USD ở Hawaii, người dân địa phương lo lắng giá nhà ở tăng lên
- 18-06-2021Thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới: Giá nhà chỉ tăng, không giảm, 88 người tranh nhau mua 1 căn hộ
- 12-09-2020Tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm giá bán nhà 30%
Gần đây, bất động sản Trung Quốc rộ lên thông tin về việc rớt giá, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh hạn chế đà giảm. Nhiều công ty bất động sản bắt đầu lấy danh nghĩa là "nhà thế chấp" để giảm giá trá hình, thúc đẩy quá trình hoàn vốn một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, trước hiện tượng nhà thế chấp đang lan nhanh một cách chóng mặt, truyền thông Trung Quốc kêu gọi các ban ngành liên quan nên thiết lập các chính sách và phương thức quản lý rõ ràng nhằm ngăn chặn sự phát triển bất thường của các giao dịch bất động sản không minh bạch, biến thành tranh chấp, gây hại đến quyền và lợi ích của người mua nhà.
Theo bài báo của China News, những từ khóa như "nhà thế chấp" và "nhà nội bộ" đã được giới môi giới bất động sản quan tâm. Nhà thế chấp không chỉ xuất hiện trên video của các thành phố hạng 2 và 3, mà còn xuất hiện ở các thành phố hạng nhất. Hầu hết những ngôi nhà được rao bán này là một kế sách tạm thời sau khi "lệnh hạn chế" được ban hành để cấm các nhà xây dựng giảm giá, đồng thời chúng được bán với giá thấp hơn với danh nghĩa là "nhà thế chấp" nhằm tăng tốc độ thu hồi vốn.
Theo bài báo, thủ đoạn mới của các công ty bất động sản được gọi là "giảm giá". Các thành phố hạng 2 có thể được giảm giá 20-30% đối với nhà ở thương mại thông thường. Một số căn nhà ở các thành phố hạng 3 và 4 sẽ có giá mềm hơn, giá giảm một nửa cũng không phải là số lượng ít.
Do nguồn vốn lưu động không đủ, các chủ đầu tư Trung Quốc đã sử dụng bất động sản để thế chấp cho các công ty dự án. Sau khi có được căn nhà thế chấp, công ty dự án thường chọn cách chiết khấu và giảm giá để bán căn nhà thế chấp và nhanh chóng hoàn vốn, đây đều là những cách bán nguội trên thị trường bất động sản.
Phương pháp này giải quyết được vấn đề chủ đầu tư không thể trả tiền dự án, cũng không phải tuân theo "lệnh hạn chế" và người mua có thể mua bất động sản với giá thấp hơn. Đây dường như là một giải pháp có lợi cho nhiều bên.
Tuy nhiên, "The Paper" chỉ ra rằng, phương pháp này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, ví dụ như người mua một căn nhà đã được thế chấp và họ phải đối mặt với các vấn đề như không thể ký hợp đồng, xin giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản và các khoản vay.
Ngoài ra, cũng có thể xảy ra một số những rủi ro như không thể chuyển quyền sở hữu do nhà không được kiểm định, bên dự án và chủ đầu tư không lập hồ sơ mua nhà, không đúng chủ thể hợp đồng,… Điều này có thể gây thiệt hại cho người mua nhà giá rẻ. Một khi xảy ra tranh chấp nhà đất sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nhà thế chấp có thể là nhà có kỳ hạn hoặc nhà hiện hữu, hợp đồng mua bán cần chú ý các chi tiết chính, nếu không sẽ xảy ra vấn đề như không giao nhà đúng thời hạn, hoặc nhà không đúng như những gì đã quảng cáo và người mua sẽ gặp khó khăn khi trả lại nhà. Hơn nữa, do giá nhà thế chấp thấp, có thể liên quan đến "lệnh hạn chế" của bộ phận quản lý địa phương, yêu cầu ngừng mua bán nhà thế chấp, hoặc yêu cầu người mua phải bù giá chênh lệch, như vậy người mua sẽ trở thành người "coi tiền như rác".
Bài báo cho rằng, khi trật tự giao dịch trên thị trường thay đổi, để tránh xảy ra các vấn đề trên, không thể chỉ dựa vào ý thức tự giác của chủ đầu tư và bên dự án, mà điều quan trọng hơn là nâng cao ý thức tự bảo vệ của người mua nhà. Chính quyền địa phương cần phải quan tâm và kịp thời can thiệp vào hiện tượng mua bán nhà thế chấp đang ngày một gia tăng, có thái độ và phương pháp quản lý rõ ràng hơn để tránh tình trạng mua bán nhà thế chấp không minh bạch, cuối cùng tạo thành một thị trường bất thường, gây nguy hiểm đến quyền và lợi ích của người mua nhà và gây ra sự hỗn loạn cho xã hội.
Theo Chinatimes