MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Người dân đổ xô rút tiền khỏi một số ngân hàng vì tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội

15-07-2020 - 12:36 PM | Tài chính quốc tế

Niềm tin của hơn 1 tỷ chủ tài khoản vào hệ thống ngân hàng quy mô 43.000 tỷ USD của Trung Quốc đang bị suy suyển, đe dọa "viên gạch nền móng" có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình trỗi dậy thành cường quốc kinh tế.

Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc đã xuất hiện những tin đồn về chuyện các ngân hàng sụp đổ, làm dấy lên làn sóng người dân đi rút tiền ồ ạt và buộc các nhà quản lý, thậm chí là cả cảnh sát phải vào cuộc để trấn an người gửi tiền.

Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện từ tháng trước, khi những người gửi tiền đổ xô tới 3 ngân hàng để rút sạch tiền giữa tin đồn thất thiệt rằng ngân hàng đang thiếu tiền mặt. Cuối tuần trước, các khách hàng của 1 ngân hàng ở tỉnh Hà Bắc cũng đổ xô đi rút tiền.

Theo Bloomberg, niềm tin của hơn 1 tỷ chủ tài khoản vào hệ thống ngân hàng quy mô 43.000 tỷ USD của Trung Quốc đang bị bào mòn, đe dọa "viên gạch nền móng" có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình trỗi dậy thành cường quốc kinh tế. Sau một vài vụ giải cứu và sau sự kiện quốc hữu hóa 1 ngân hàng lần đầu tiên trong hơn 20 năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới lại phải hứng chịu những hệ lụy từ đại dịch Covid-19 và kinh tế suy giảm.

Zhang Shuaishuai, chuyên gia phân tích tại CICC, nhận xét: "Từ trước đến nay người gửi tiền ở Trung Quốc vẫn nghĩ rằng các ngân hàng không hề có bất cứ rủi ro nào, nhưng giờ suy nghĩ đó đã thay đổi dù gần như trong mọi vụ việc vừa qua tiền gửi của họ vẫn được bảo vệ. Khi những tin đồn thất thiệt phát tán nhanh chóng như vậy, ngân hàng ngay lập tức đối mặt với rủi ro thanh khoản nghiêm trọng".

Suốt mấy chục năm nay, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã cung cấp cho thị trường tài chính Trung Quốc nguồn vốn ổn định và giá rẻ, tạo tiền đề để nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ. Các hộ gia đình Trung Quốc gửi khoảng 90 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 13 nghìn tỷ USD) tại các ngân hàng, con số cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Trước tình hình hiện nay, các nhà quản lý Trung Quốc không chỉ tìm cách trấn an tâm lý người gửi tiền mà còn đưa ra những biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thanh khoản. Thực tế là ngân hàng ở Hà Bắc bị rút tiền ồ ạt sau khi giới chức triển khai chương trình thí điểm nhằm hạn chế các giao dịch lớn bằng tiền mặt.

Theo quy định của chương trình thí điểm áp dụng trong 2 năm (tới tháng 10 sẽ được mở rộng ra Chiết Giang và Thượng Hải, tức 70 triệu dân bị tác động), các khách hàng cá nhân muốn rút hoặc gửi số tiền từ 100.000 tệ (14.000 USD) đến 300.000 tệ sẽ phải báo cáo trước.

Hi sinh lợi nhuận

Hôm chủ nhật Ủy ban giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc đã cảnh báo các ngân hàng đang đối mặt với làn sóng nợ xấu dâng cao do nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp nhất 4 thập kỷ. Mặc dù những biện pháp tạm thời như đảo nợ và giãn nợ giúp cải thiện tình hình nhưng đó chỉ là giải pháp ngắn hạn. Những vấn đề căn bản của các ngân hàng được quản lý yếu kém cũng như khả năng trả nợ của các công ty và hộ gia đình sụt giảm vẫn là những rủi ro khó giải quyết.

Cơ quan này phải quản lý hơn 3.000 ngân hàng, mà phần lớn là những ngân hàng nhỏ ở nông thôn khó tiếp cận nguồn vốn. Trong 1 động thái khác cũng là chưa từng có tiền lệ, Trung Quốc đang có kế hoạch cho phép các chính quyền địa phương sử dụng khoảng 200 tỷ nhân dân tệ huy động được từ trái phiếu để giúp các ngân hàng nhỏ tăng vốn.

S&P Global ước tính nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể tăng thêm 8.000 tỷ nhân dân tệ trong năm nay. Trong khi UBS cho rằng các ngân hàng nhỏ còn thiếu hụt số vốn lên tới 349 tỷ USD. Còn cơ quan quản lý Trung Quốc nhận định con số thiếu hụt chỉ là 50 tỷ USD và điều đó đồng nghĩa một số ngân hàng sẽ bị giảm tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí giảm lợi nhuận.

Trung tuần tháng 6, theo tuyên bố của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, chính phủ nước này còn yêu cầu ngành tài chính hy sinh 1,5 nghìn tỷ CNY (211 tỷ USD) trong năm nay bằng cách đưa ra mức lãi suất thấp hơn, cắt giảm chi phí, hoãn thời gian trả nợ và cấp thêm các khoản vay không đảm bảo cho doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận dưới 10% trong năm nay.

Các ngân hàng Trung Quốc còn phải chịu áp lực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tổng số trái phiếu vỡ nợ từ đầu năm đến nay vào khoảng 80 tỷ nhân dân tệ, cao nhất trong ít nhất 3 năm trở lại đây.

Từ năm ngoái Trung Quốc đã triển khai kế hoạch sáp nhập các ngân hàng nhỏ để tăng sức mạnh cho hệ thống, nhưng đến nay nỗ lực đó vẫn chưa đem đến thành quả đáng kể. Theo Zhang, Trung Quốc có quá nhiều ngân hàng mà không ít trong số đó yếu kém về khả năng quản trị doanh nghiệp cũng như kiếm lợi nhuận. Do đó giải pháp sáng sủa hơn là cần 1 cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để cải tổ toàn bộ hệ thống.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên