MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc phóng thành công tên lửa tư nhân đầu tiên

19-05-2018 - 08:31 AM | Tài chính quốc tế

Startup OneSpace của Trung Quốc - thường được so sánh với công ty vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk, vừa phóng thành công tên lửa tư nhân đầu tiên...

Ngày 17/5, startup OneSpace, có trụ sở tại Bắc Kinh, đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên của Trung Quốc phóng thành công tên lửa vào quỹ đạo.

OneSpace cho biết đã phóng thành công tên lửa OS-X cao 9m từ một cơ sở ở phía tây bắc Trung Quốc với mục đích thu thập dữ liệu cho một dự án nghiên cứu mà startup này đang triển khai với Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc – thuộc sở hữu của chính phủ.

Được thành lập vào năm 2015, OneSpace thường được so sánh với công ty vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

"Tình hình của OneSpace hiện giờ rất giống với những năm đầu hoạt động của SpaceX. SpaceX là công ty đầu tiên của Mỹ, còn chúng tôi là đầu tiên của Trung Quốc", Shu Chang, người sáng lập, giám đốc điều hành (CEO) của OneSpace, nói với CNNMoney.

"Đây là tên lửa đầu tiên được phát triển và chế tạo sử dụng hoàn toàn công nghệ trong nước", Shu – người từng làm cho một công ty hàng không vũ trụ nhà nước và một hãng đầu tư, cho biết.

Dù vậy, OneSpace vẫn còn chặng đường khá dài để đuổi kịp SpaceX – công ty đã nhiều lần phóng thành công các tên lửa lớn mang theo vệ tinh vào quỹ đạo rồi quay trở lại trái đất. Tên lửa OS-X của OneSpace được thiết kế để tiến hành các cuộc thử nghiệm và nghiên cứu trong các chuyến bay vòng quanh quỹ đạo.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi với những tuyên bố của OneSpace. Xin Zhang, giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết ông nghi ngờ tên lửa này là sản phẩm do OneSpace phát triển hoàn toàn.

Hôm 17/5, OneSpace cho biết chỉ mất 1 năm để phát triển và chế tạo OS-X, dù trước đó Shu dự tính phải mất tới 3 năm.

"Đó là tốc độ siêu nhanh", ông Zhang nhận xét và cho biết các công ty cần mất tới 10 năm để làm được điều đó.

OneSpace cho biết đến nay đã huy động được 500 triệu Nhân dân tệ (78 triệu USD) – khoản tiền mà ông Zhang cho là khá ít ỏi trong ngành công nghiệp mà thường tiêu tốn hàng tỷ USD.

Shu cho biết cũng giống như SpaceX thời kỳ đầu, OneSpace đã quen đối mặt với những hoài nghi.

"Khi OneSpace được thành lập vào năm 2015, chúng tôi đã 'gõ cửa' rất nhiều chuyên gia và tất cả họ đều nói đây là điều bất khả thi", Shu cho biết.

OneSpace cho biết đã tiết kiệm tiền bằng việc "đặt ra những mục tiêu với chi phí thấp ngay từ lúc bắt đầu", bao gồm việc sử dụng hệ thống điện thiết kế đặc biệt nhẹ hơn 10 lần so với những hệ thống được sử dụng trên các tên lửa khác.

Dù hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân, OneSpace vẫn có vài liên hệ với cơ quan chính phủ Trung Quốc. Công ty này cho biết đang hợp tác với một số cơ quan quân sự Trung Quốc cho việc nghiên cứu, phát triển và dịch vụ kỹ thuật. Startup này cũng có một nhà máy sản xuất ở thành phố Trùng Khánh - thuộc sở hữu một phần của chính quyền địa phương.

Cũng giống như nhiều startup, OneSpace muốn dùng tên lửa để giúp các công ty phóng vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo với nhiều mục đích, trong dó có việc tăng khả năng tiếp cận Internet trên máy bay và tàu hỏa.

Công ty này dự định sẽ phóng một loạt tên lửa trong năm nay và cho biết có thể giúp giảm một nửa chi phí phóng vệ tinh. Hiện OneSpace phải đối mặt cạnh tranh từ các startup hàng không vũ trụ khác của Trung Quốc như LandSpace và LinkSpace.

Yang Feng, CEO của Spacety – một startup vệ tinh được thành lập năm 2016, cho biết nhu cầu dịch vụ phóng vệ tinh tại Trung Quốc đang ngày càng lớn. Chỉ trong vài năm qua, hơn 20 công ty phát triển vệ tinh cỡ nhỏ đã mọc lên tại nước này, theo ước tính của Yang.

"Vệ tinh là xương sống của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ thương mại", Yang nói CNNMoney. "Nếu không có vệ tinh thì sự tồn tại của các nhà sản xuất tên lửa thương mại trở nên vô nghĩa".

Mục đích cuối cùng của OneSpace là giúp những người bình thường có khả năng tiếp cận với vũ trụ. Theo CEO Shu, một ngày nào đó OneSpace có thể phóng tên lửa đưa con người vào vũ trụ, nhưng ở thời điểm này, công ty cần phải "thực tế".

Theo Đức Anh

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên