Trung Quốc rơi vào khủng hoảng năng lượng, nhà đầu tư sẽ 'ồ ạt' vào Việt Nam?
Báo cáo VnDirect nhận định, những bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế, và Việt Nam được cho là một lựa chọn sáng giá.
- 16-10-2021Đề xuất chuyển 38,2 ha đất lúa sang đất xây dựng cảng hàng không Quảng Trị
- 16-10-2021Giãi mã nguyên nhân có quận, huyện Hà Nội đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 100%, có nơi lại 0%
- 15-10-2021Lộ diện top 10 địa phương đứng đầu về thu ngân sách 9 tháng đầu năm
Bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam
Giai đoạn 2010-2019, sản lượng điện của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2020, tốc độ này đã giảm chỉ còn 2,4% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khiến tiêu thụ điện giảm sút.
Trong 7 tháng năm 2021, mặc dù Việt Nam vẫn phải hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch và phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong nhiều tháng, nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đã phục hồi ở mức cao hơn 6,4%. Song, con số này vẫn thấp hơn mức 8,1% dự kiến theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8.
Nguồn: Bộ Công Thương, VNDIRECT
Trong báo cáo ngành điện mới đây, VnDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện năng sẽ phục hồi từ 2022 khi Covid-19 được kiểm soát. Theo Bộ Công thương, tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép 8,1% trong giai đoạn 2021-2030.
Thiếu điện ở Trung Quốc và châu Âu tạo cơ hội cho Việt Nam. VnDirect nhận định, giá điện khí và điện than tăng mạnh gần đây được coi như là một vấn đề toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và các nước châu Âu do nguồn cung tăng không đủ nhanh để theo kịp với sự phục hồi nhu cầu dự kiến.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng điện có vẻ còn tồi tệ hơn ở Trung Quốc khi Chính phủ nước này định hướng cắt giảm điện than vì mục tiêu giảm khí thải carbon. Điều này hiện nay đã gây áp lực ngày càng lớn cho các doanh nghiệp. Thậm chí, một số công ty buộc phải ngừng hoạt động trong giờ cao điểm hoặc tạm ngừng hoạt động 2-3 ngày/tuần.
Những bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế, và Việt Nam được cho là một lựa chọn sáng giá.
VnDirect cho hay, sự ổn định trong hệ thống điện hiện tại của Việt Nam có thể là lợi thế, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và hơn nữa, có thể làm tăng mức tiêu thụ điện trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc giảm công suất của một số nhà máy tại Trung Quốc có thể cho phép hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, do nhiều lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc ghi nhận sản lượng sụt giảm. Điều này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tăng sản lượng xuất khẩu và gián tiếp giúp tăng tiêu thụ điện năng khi các nhà máy hoạt động với công suất lớn.
Thời điểm thích hợp để Việt Nam bắt đầu phát triển điện khí
Đặc biệt, từ năm 2022, sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại nhờ các hoạt động phục hồi hậu Covid-19. Cùng với năng lượng tái tạo, Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của điện khí đối với quy hoạch phát triển công suất nguồn điện của Việt Nam trong giai đoạn 2020-45.
Hiện tại, nguồn khí đầu vào trong nước đang dần cạn kiệt, trong khi các mỏ khí mới cần điều kiện khai thác phức tạp. VnDirect nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bắt đầu phát triển điện khí sử dụng LNG nhập khẩu - một nguồn nguyên liệu ổn định hơn và dự kiến sẽ rẻ hơn trong dài hạn.
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8, tổng công suất điện khí trong nước sẽ tăng từ 7GW lên 9,1GW trong giai đoạn 2020-2025, nhưng giảm xuống 10,6GW vào năm 2030 và bắt đầu chuyển sang các nhà máy điện khí sử dụng LNG. Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện khí sử dụng LNG sẽ tăng mạnh từ khoảng 4,4GW vào năm 2025 lên 22,8GW vào năm 2030 và tiếp tục tăng lên 78GW vào năm 2045.
Nguồn: QHĐ8, VNDIRECT
Hiện tại, một loạt các siêu dự án trong chuỗi giá trị điện khí LNG đang được công bố, giúp loại hình điện này trở thành một phân khúc hứa hẹn trong tương lai. Do đó, báo cáo nhấn mạnh, các nhà phát triển hạ tầng điện khí sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
Điển hình như dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 nằm tại Khu công nghiệp Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, là trung tâm phụ tải của miền Nam với 3 khu vực phụ tải lớn là TP. HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng công suất là 1.500 MW, với POW là chủ đầu tư dự án.
Dự án Sơn Mỹ 2 tại Bình Thuận với tổng công suất 2.200 MW, tổng mức đầu tư là 4 tỷ USD, với chủ đầu tư là AES group. Đây là dự án sử dụng LNG nhập khẩu từ cảng Sơn Mỹ, hợp đồng BOT ký 20 năm.
Dự án Bạc Liêu CCGT tại tỉnh Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD, chủ đầu tư là Delta Offshore Energy. Giai đoạn 1 đạt 800MW và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Dự án Long Sơn (GĐ1) tại Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng công suất 2.100 MW, tổng mức đầu tư 3.780 triệu USD, chủ đầu tư gồm Mitsubitshi Corp, General Electric, GTPP.
Dự án Cà Ná để làm điện LNG tại Ninh Thuận do Trung Nam Group làm chủ đầu tư, công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 3.850 triệu USD.
Dự án LNG Long An 1&2 tại Long An có công suất 3.000 MW, tổng mức đầu tư 3.130 triệu USD, với chủ đầu tư là Vinacapital GS Energy.
Dự án LNG Hải Lăng tại Quảng Trị có công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 2.300 triệu USD, chủ đầu tư là Tập đoàn T&T(VN), Hanwha, Kospo, Kogas (Hàn Quốc).