Trung Quốc sẽ kéo thị trường smartphone toàn cầu đi xuống trong năm nay - Apple buộc phải tự cứu mình
Khi ngày càng nhiều công ty tìm cách đa dạng hóa sản xuất và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc như Apple, rất có thể quốc gia này sẽ đánh mất ngôi vị "công xưởng thế giới" và thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất.
- 09-06-2022Apple khẳng định vị trí quán quân trên thị trường đồng hồ thông minh
- 07-06-2022Đêm qua, Apple đã chính thức tuyên chiến với cả một ngành công nghiệp
- 24-05-2022Apple cân nhắc rời Trung Quốc chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ: Vì sao cứ mãi ‘dậm chân tại chỗ’?
Trung Quốc sẽ kéo thị trường smartphone toàn cầu đi xuống
Theo Bloomberg, thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc dự kiến sẽ thu hẹp 38 triệu chiếc, chiếm khoảng 4/5 lượng giảm trên toàn cầu, là mức sụt giảm lớn nhất trong năm 2022. Nguyên nhân là do tác động kép của việc phong tỏa dịch Covid-19, cùng với lạm phát gia tăng làm giảm tâm lý người tiêu dùng. Khu vực Trung và Đông Âu cũng được dự báo sẽ thu hẹp nhanh vì căng thẳng địa chính trị.
"Phong tỏa kéo dài ảnh hưởng đồng thời đến nhu cầu và nguồn cung toàn cầu, khi làm giảm nhu cầu tại thị trường lớn nhất thế giới và thắt chặt điểm tắc nghẽn đối với chuỗi cung ứng vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức", Giám đốc nghiên cứu của IDC Nabila Popal cho biết trong báo cáo.
Dự báo smartphone toàn cầu quý 1 năm 2022.
Dù gặp một số va vấp do tình hình phong tỏa ở Trung Quốc, nhưng nhìn chung Apple dường như là nhà cung cấp ít bị ảnh hưởng nhất do kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng của mình, và vì phần lớn khách hàng của công ty ở phân khúc giá cao ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc lại đang rơi vào tình trạng sụt giảm lô hàng tồi tệ nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Theo Bloomberg, Apple có kế hoạch cố gắng giữ ổn định sản lượng iPhone trong năm nay, dù trước đó được kỳ vọng sẽ tăng sản lượng khi tập trung vào dòng iPhone 14 được nâng cấp đáng kể.
Dự báo toàn cầu của IDC là sự đảo ngược so với dự đoán trước đó đối với mức tăng trưởng 1,6%. Tuy nhiên, IDC nhận thấy khó khăn đối với ngành công nghiệp điện thoại thông minh sẽ qua dần trong nửa cuối năm 2022, trừ trường hợp xuất hiện bất kỳ sự thất bại bổ sung nào.
Hãng nghiên cứu thị trường Mỹ dự báo mức tăng trưởng phục hồi lên 5% vào năm 2023. Các nhà nghiên cứu thị trường khác cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có sự tăng trưởng rộng lớn hơn, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản.
Những khó khăn tại thị trường tỷ dân
Apple tổ chức sự kiện nhà phát triển thường niên tại California, Mỹ vào ngày 6/6 với nhiều hứng khởi, song những 'drama' lớn nhất của hãng lại đang diễn ra ở phía bên kia của thế giới. Tại Thượng Hải và khu vực lân cận, Apple vấp phải khó khăn chuỗi cung ứng và nhiều vấn đề khác do phong tỏa Covid-19 gây ra. Thị trường Trung Quốc, cỗ máy tăng trưởng khổng lồ của Apple, cũng biến động.
Tới thời điểm hiện tại, thúc đẩy doanh số tại Trung Quốc là một trong những thành tựu quan trọng nhất dưới thời CEO Tim Cook. Ông là người có công lớn khi biến nước này thành địa bàn sản xuất khổng lồ, giúp cắt giảm chi phí. Dù vậy, ván bài sản xuất tập trung dần trở nên mạo hiểm.
Điểm yếu của Apple bộc lộ vào tháng trước, khi các vụ đụng độ xảy ra tại nhà máy của đối tác cung ứng tại Thượng Hải. Việc bị cách ly khỏi xã hội lâu ngày với không gian hạn chế đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của lao động.
Phần lớn công nhân ngoài giờ làm chỉ biết quanh quẩn một số hoạt động như chơi trò chơi điện tử, nói chuyện với đồng nghiệp, than vãn về áp lực… Mệt mỏi và thất vọng với chính sách này, nhiều người cố gắng trèo qua hàng rào nhà hoặc xông vào khu nhà ký túc xá của các đốc công.
Apple tìm lối đi khác
Apple cảnh báo gián đoạn do thiếu hụt chip và phong tỏa Covid-19 của Trung Quốc sẽ gây thiệt hại 8 tỷ USD doanh thu quý này.
Theo phóng viên Mark Gurman của Bloomberg, chính sách Zero Covid đã ảnh hưởng đến các lô hàng MacBook. Người tiêu dùng Mỹ phải đợi khoảng 2 tháng nếu đặt mua MacBook Pro 14 hoặc 16 inch. Do đó, không có gì bất ngờ nếu mẫu MacBook Air vừa ra mắt đầu tuần sẽ không kịp lên kệ vào tháng 7 như dự kiến.
Apple đang tìm cách giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong một cuộc điện đàm với nhà đầu tư gần đây, ông Cook khẳng định chuỗi cung ứng của mình "thực sự toàn cầu". Từ tháng 1/2021, Nikkei đã thông tin về việc Apple mở rộng các cơ sở sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, với điểm đến dự kiến là Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp vào năm ngoái đã khiến kế hoạch này phải hoãn lại.
Xây dựng các chuỗi cung ứng địa phương hóa không phải là nhiệm vụ có thể hoàn thành nhanh chóng. Foxconn mất hơn 3 thập kỷ để đạt tới quy mô như bây giờ, nhờ vào mạng lưới các nhà sản xuất linh kiện toàn diện, không ngừng bành trướng theo thời gian. Không quốc gia nào hội tụ đủ linh kiện cần thiết để tái tạo cơ sở lắp ráp iPhone của Foxconn tại Trung Quốc. Vào mùa cao điểm, Foxconn tuyển dụng vài trăm ngàn công nhân.
Cùng lúc này, Trung Quốc đang vật lộn nhằm đạt mục tiêu kinh tế đề ra năm nay. Các thị trường vẫn đang hứng chịu tác động từ chiến dịch Zero Covid. Một điểm tích cực đối với Apple là tình hình vẫn còn tốt hơn các đối thủ Android khi mục tiêu sản xuất iPhone năm 2022 không chênh lệch nhiều năm 2021.
Khi ngày càng nhiều công ty tìm cách đa dạng hóa sản xuất và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc như Apple, rất có thể quốc gia này cuối cùng sẽ đánh mất ngôi vị "công xưởng thế giới" và thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất. Dù vậy, để làm được điều đó, sẽ là một hành trình không hề dễ dàng.
Tham khảo: Bloomberg