MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc siết tiêu chuẩn, hàng Việt lao đao

30-06-2019 - 10:52 AM | Thị trường

Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho thêm nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

“Chưa năm nào mà trên thế giới, tất cả loại nông sản đều giảm 5%-15% và dự báo còn giảm trong thời gian dài dẫn tới thị trường chao đảo như năm nay”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu như trên tại hội nghị sơ kết sáu tháng ngành nông nghiệp diễn ra ngày 28-6.

Theo Bộ trưởng Cường, trong sáu tháng đầu năm nay, thị trường diễn biến quá nhanh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc (TQ). Ví dụ, nước này đang từ nhập hơn 3 triệu tấn gạo, nay không nhập hoặc nhập rất ít. “Thậm chí thị trường này còn thay đổi nhanh đến mức đang từ nhập tiểu ngạch quay sang nhập khẩu theo đường chính ngạch 100%. Không chỉ gạo mà các mặt hàng nông sản khác cũng vậy” - ông Cường nói.

Sáu tháng đầu năm nay, giá hàng loạt mặt hàng như cà phê, gạo, hạt điều, tôm, cá tra... giảm sâu. Ví dụ, giá hạt tiêu xuất khẩu giảm 26,5%, cao su giảm 5,9%, hạt điều giảm 21,6%, cà phê giảm 11,8%, gạo giảm 16,7%... Do vậy mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng nhưng không đủ bù đắp được sự sụt giảm về giá, khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.

Trung Quốc siết tiêu chuẩn, hàng Việt lao đao - Ảnh 1.

Tiêu thụ lúa gạo đang gặp khó khăn. Giá gạo xuất khẩu trung bình mà các doanh nghiệp VN ký với đối tác trong năm tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 427,5 USD/tấn, giảm 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: GIA TUỆ

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phân tích: Thương mại và đầu tư toàn cầu có dấu hiệu suy giảm. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu cùng với đồng nhân dân tệ mất giá cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Một điểm đáng chú ý khác là những thay đổi về chính sách nhập khẩu. “Nhiều thị trường nhập khẩu nông sản như TQ siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật. Trong đó, đặc biệt thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đưa ra yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, thanh tra, kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu…” - ông Toản nói.

Để tháo gỡ tình trạng khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải gấp rút xử lý vấn đề thị trường mà đầu tiên là thị trường TQ. Bởi dù thời gian qua, Việt Nam (VN) rất tích cực, nhanh chóng ký được nghị định thư về xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của VN; nghị định thư về xuất khẩu trái măng cụt VN xuất khẩu sang TQ… nhưng vẫn chưa ăn thua. Do vậy Bộ sẽ tiếp tục đề nghị phía TQ thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho thêm nhiều nông, lâm , thủy sản của VN; cùng với đó là sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp của VN được phép xuất khẩu hơn.

“Cần phải thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm trên sang thị trường TQ càng nhanh càng tốt. Cùng với đó là nhanh chóng tổ chức các buổi tập huấn cho lãnh đạo các ngành hàng ở quy mô biên giới” - ông Cường nói.

Cùng với thị trường TQ, vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh thời gian tới cần tiếp tục xúc tiến xuất khẩu thịt gà sang Hà Lan, các sản phẩm thịt chế biến sang Hungary; chuẩn bị hồ sơ đề nghị xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm trái cây như bưởi, bơ, sầu riêng và các sản phẩm trái cây khác. Xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm trái cây tươi như vải, nhãn, bưởi, chôm chôm, vú sữa. Thúc đẩy phía Hàn Quốc cấp phép nhập khẩu vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, chanh leo của VN…

Lúa gạo khó tiêu thụ, nông dân lỗ

Một số công ty xuất khẩu gạo cho biết hiện nay giá lúa đang thấp hơn giá thành. Mỗi ký lúa ướt bán tại ruộng, nông dân chỉ thu được khoảng 3.700-3.800 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân đang lỗ vì giá thành sản xuất đã hơn 4.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, nói nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đầu ra xuất khẩu đang gặp khó, các thị trường nhập khẩu gạo của VN như Indonesia, Bangladesh… đều giảm nhập khẩu vì họ tự cung tự cấp được nguồn lương thực. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang thị trường TQ cũng gặp khó vì nước này đang quay sang nhập gạo Thái Lan, Campuchia.

"Doanh nghiệp khó xuất khẩu, không mua vào thì chắc chắn giá lúa trong nước sẽ giảm." - ông Long chia sẻ.

QUANG HUY

Theo Mai Hiền

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên