Trung Quốc sở hữu 'cỗ máy chiến thần' khủng nhất thế giới: Không khác gì toà nhà khổng lồ, nâng tàu 3.000 tấn lên cao 113 m 'ngon ơ' trong 40 phút
Đây là máy nâng tàu thuộc loại lớn nhất thế giới, có hình dáng giống một toà nhà khổng lồ hơn là một chiếc máy nâng. Thang nâng tàu này đang được vận hành ở đập Tam Hiệp, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Làm thế nào để nâng một con tàu nặng 3.000 tấn lên độ cao 113 mét so với mặt đất? Cỗ máy “thần kỳ” ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, có thể làm được việc này chỉ trong 40 phút.
Đây là máy nâng tàu thuộc loại lớn nhất thế giới, có hình dáng giống một toà nhà khổng lồ hơn là một chiếc thang nâng. Theo Global Times, thang nâng tàu thuỷ khổng lồ này là một “phép màu về công nghệ, thể hiện tiềm lực trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.”
Quy mô, chiều cao nâng và sức nâng của thang này đã có thành tích vượt trội hơn so với những loại máy tương tự ở nước ngoài khoảng 1,5 - 3 lần. Theo đó, đây là thang máy nâng tàu thuỷ lớn nhất và có công nghệ hiện đại nhất thế giới, Huang Xing, giám đốc điều hành cấp cao của Wuchang Shipbuiding Industry Group, nhà sản xuất thang nâng này, cho biết.
Ông Huang nói: “Ví dụ, thang nâng tàu Strépy-Thieu ở Bỉ có sức tải 1.000 tấn và chiều cao nâng 70 mét. Trong khi đó, thang nâng Luneburg Elbe-Seitenkanal của Đức có sức nâng 1.350 tấn và chiều cao 38 mét.”
Ngoài ra, tính năng vượt trội nhất của thang nâng tàu Tam Hiệp đó là sự an toàn. Ông Huang chỉ ra 4 bộ truyền động được bố trí đối xứng, sử dụng bánh răng và giá đỡ, buồng tàu được hỗ trợ vững chắc tại 4 điểm. Điều này giúp ngăn chặn hiệu quả hiệu ứng khuếch đại do nước làm nghiêng hoặc lắc lư bên trong buồng, giảm thiểu nguy cơ buồng bị lật.
Huang cho biết thêm: “Chúng tôi còn triển khai các cơ chế đệm và giảm chấn trong khoang tàu, nhằm ‘hấp thụ’ các tác động cũng như rung động. Điều này có nghĩa là, ngay cả trong trường hợp xảy ra động đất trong quá trình nâng tàu, lực địa chấn sẽ truyền đến các cột tháp, thay vì khoang, để khiến cả khoang không bị rơi hay xảy ra bất kỳ tai nạn lớn nào.”
Ông nói thêm, các biện pháp này được lắp đặt nhằm đảm bảo an toàn cho thang nâng tàu, ngăn các sự cố nghiêm trọng xảy ra và giúp thang hoạt động ổn định, an toàn ngay cả trong những điều kiện khó khăn.
Thang nâng tàu này là một trong những phương tiện điều hướng tại Đập Tam Hiệp. Mục đích sử dụng chính của nó là tạo lối đi nhanh chóng cho hành khách và các tàu chở hàng, cũng như các tàu chuyên dụng khi đi qua đập.
Thời gian đi qua đập với thang nâng là khoảng 40 phút, ngắn hơn nhiều so với 150 phút nếu đi qua âu tàu như thông thường. Theo một nhân viên ở đập, điều này đã giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển qua đập. Tuy nhiên, một số tàu lớn hơn vẫn phải vận chuyển qua 5 tầng âu tàu.
Thang nâng tàu đã giúp nâng cao hiệu quả một cách đáng kể trong việc vận chuyển và đảm bảo hoạt động giao thông được thông suốt trên sông Dương Tử.
Trong nửa đầu năm nay, đập Tam Hiệp đã chứng kiến sản lượng vận chuyển đạt 84,15 triệu tấn, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức kỷ lục. 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 20 năm hoạt động của đập Tam Hiệp. Tổng sản lượng hàng hoá thông qua âu tàu tại đập này - dự án thuỷ điện lớn nhất thế giới, đã vượt 1,91 tỷ tấn, theo Cơ quan Hàng hải Tam Hiệp.
Trong 2 thập kỷ qua, hơn 993.000 con tàu với khoảng 12,24 triệu hành khánh đã đi qua âu tàu nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc.
Dự án Tam Hiệp là hệ thống trị thuỷ đa chức năng, bao gồm một con đập dài 2.309 mét và cao 185 mét, âu tàu 5 tầng ở phía bắc và phía nam, với 34 máy phát điện tuabin với công suất 22,5 triệu kilowwatt.
Tham khảo Global Times
Nhịp sống thị trường