Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu sắn từ Việt Nam
Tại cửa khẩu Nà Nưa (Lạng Sơn), Trung Quốc đã điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu tinh bột sắn từ mức 180 Nhân dân tệ (NDT)/tấn lên 280 NDT/tấn.
- 08-12-2019Kim ngạch xuất khẩu sắn tăng hơn 118% trong tháng 11/2019
- 08-11-2019Nông dân gặp khó thu hoạch sắn ngã đổ sau mưa bão
- 06-10-2019Xuất khẩu sắn giảm mạnh trong tháng 9/2019
Bộ Công thương cho biết từ đầu tháng 12/2019, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Nà Nưa (Lạng Sơn).
Theo đó, mức thuế được điều chỉnh tăng với tất cả các mặt hàng, trong đó riêng với tinh bột sắn được điều chỉnh tăng từ mức 180 Nhân dân tệ (NDT)/tấn lên 280 NDT/tấn.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này khu vực cửa khẩu Na Hình và Bảo Lâm (Lạng Sơn) vẫn chưa có văn bản tăng thuế.
Xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc tại bến Ka Long TP. Móng Cái, Quảng Ninh.
Tương tự tại khu vực cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phía Trung Quốc cũng chưa áp dụng chính sách tăng thuế biên mậu đối với sản phẩm sắn nhập khẩu từ Việt Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, dự báo nhiều khả năng, phía Trung Quốc sẽ áp dụng việc tăng thuế đối với các sản phẩm sắn trong thời gian tới.
Bộ Công thương đánh giá: Những động thái của Trung Quốc liên quan tới các hoạt động của đường biên, lối mở trong năm 2019 cho thấy nước này sẽ tiếp tục giảm tỷ trọng giao dịch biên mậu và tăng giao dịch chính ngạch.
Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế VAT với tinh bột sắn nhập khẩu chính ngạch từ 13% xuống còn 10% trong năm 2020 nhằm tăng lượng nhập khẩu chính ngạch. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn có thể sẽ trầm lắng cho tới đầu tháng 2/2020.
Xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam trong tháng 1/2020 dự báo sẽ vẫn trầm lắng do kỳ nghỉ tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau, nhu cầu nhập hàng từ phía Trung Quốc yếu trong bối cảnh tồn kho tại Trung Quốc còn khá nhiều. Giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có khả năng giữ ổn định hoặc thậm chí giảm nhẹ trong vòng 1 tháng tới.
Năm 2019, xuất khẩu tinh bột sắn của nước ta ước đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 870 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 6% về trị giá so với năm 2018.
Trong đó 11 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 763,86 triệu USD, tăng 0,6% về lượng, nhưng giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, giá xuất khẩu bình quân đạt 387,5 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu, giá sắn nguyên liệu trong nước dự báo sẽ giảm thời gian tới. |
Về chủng loại sản phẩm, 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc chiếm 92,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của nước ta với 1,73 triệu tấn, trị giá 720,38 triệu USD (tăng 23,2% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018). Với sắn lát, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần 65% lượng xuất khẩu của nước ta.
Ở thị trường trong nước, tháng 12/2019, giá sắn nguyên liệu tại các vùng trên cả nước không có nhiều biến động. Giá sắn củ tại Tây Nguyên cuối tháng 12/2019 giảm nhẹ so với đầu tháng do lượng sắn về nhà máy nhiều hơn.
Do thời tiết tại Tây Nguyên đang bước vào mùa hanh khô, trữ độ bột của sắn tốt hơn, đồng thời cận Tết nên người dân thu hoạch sắn rộ hơn. Nguồn cung nguyên liệu đưa về các nhà máy có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 12/2019.
Theo đó, giá mua vào của các nhà máy chế biến tinh bột sắn khu vực Tây Nguyên được điều chỉnh giảm trở lại. Dự báo trong giai đoạn từ nay tới Tết Nguyên đán năm 2020, giá sắn nguyên liệu tại khu vực Phú Yên và Tây Nguyên sẽ duy trì xu hướng giảm do người dân thu hoạch sắn nhiều hơn.
Hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 435-440 USD/tấn, FOB cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh do nguồn nguyên liệu không dồi dào.
Nông nghiệp Việt Nam