Trung Quốc "thắng đậm" nhờ giúp các nước tránh cấm vận của Mỹ, EU: Hé lộ con số không ngờ
Hãng tin Reuters đánh giá, Trung Quốc đã tiết kiệm được gần 10 tỷ USD trong năm nay do mua dầu từ Nga, Iran và Venezuela.
- 12-10-2023Trung Quốc có hành động mới khi đồng nhân dân tệ liên tục giảm giá
- 12-10-2023Chỉ trong 2 năm, công trình hơn 700 nghìn tỷ của Trung Quốc đã tạo ra được 100 tỷ kWh điện, không hổ danh con đập khủng thứ 2 thế giới
- 12-10-2023Trung Quốc 'khởi động' kế hoạch 'hiếm có': Sắp bơm 140 tỷ USD vào nền kinh tế, quỹ đầu tư quốc gia mua 65 triệu USD cổ phiếu của loạt ngân hàng lớn
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, theo tính toán dựa trên các thương nhân và các công ty vận tải, Trung Quốc đã tiết kiệm được gần 10 tỷ USD trong năm nay thông qua việc mua lượng dầu lớn từ các nước đang nhận trừng phạt của phương Tây.
Hiệu ứng ngược của cấm vận
Reuters nhận định, Mỹ có lẽ không lường trước được việc các lệnh trừng phạt áp đặt với Nga, Iran và Venezuela lại mang tới lợi ích kinh tế cho Bắc Kinh: chúng giúp làm giảm chi phí nhập khẩu cho các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc.
Reuters phân tích khoản tiết kiệm của Trung Quốc khi mua dầu từ 3 quốc gia bị Mỹ trừng phạt so với số tiền mà các nhà nhập khẩu nước này sẽ phải trả nếu mua dầu từ các nước khác.
Đối với Trung Quốc - một trong những quốc gia lọc và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - việc nhập khẩu dầu với giá thấp hơn là một lợi thế khi nước này có thể gia tăng sản lượng và lợi nhuận. Lợi thế này đặc biệt dành cho các nhà khai thác nhỏ.
Đồng thời, việc nhập khẩu năng lượng với mức giá thấp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước khi Bắc Kinh phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế.
Trung Quốc trở thành cứu tinh
Mặt khác, Trung Quốc cũng là cứu tinh của Nga, Iran và Venezuala khi mua dầu từ các nước này. Reuters nhận định, nền kinh tế của 3 nước trên đang bị ảnh hưởng bởi những lệnh cấm của phương Tây khiến đầu tư giảm sút.
Reuters trích dữ liệu từ các công ty theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler cho thấy Trung Quốc nhập khẩu một lượng kỷ lục 2,765 triệu thùng dầu thô mỗi ngày bằng đường biển từ Iran, Nga và Venezuela trong 9 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, 3 quốc gia trên chiếm 1/4 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9, tăng từ khoảng 21% vào năm 2022 (gần gấp đôi so với chỉ số năm 2020). Trước đó, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu dầu từ Trung Đông, Tây Phi và Nam Phi.
Kang Wu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nhu cầu toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights cho biết, dù khoản tiết kiệm được chỉ là một phần trong chi phí nhập khẩu dầu của Trung Quốc, nhưng lợi ích này rất quan trọng đối với các nhà lọc dầu nhỏ.
Nhập khẩu từ Nga
Từ tháng 1 đến tháng 9/2023, dựa trên số liệu do Vortexa và Kpler cung cấp, Nga xuất khẩu khoảng 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày thông qua đường biển tới Trung Quốc. Ngoài ra, theo các nguồn tin thương mại Trung Quốc, nước này nhập khẩu khoảng 800.000 thùng dầu thô ESPO mỗi ngày qua đường ống.
Theo Vortexa, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xuất khẩu của Nga tăng hơn 400.000 thùng/ngày so với cùng kỳ, trong đó chiếm lượng lớn là dầu Urals. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt lên Moscow đã làm chuyển hướng dòng dầu của nước này từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Khoản tiết kiệm 10 tỷ USD
Năm nay, Trung Quốc tiết kiệm được 4,34 tỷ USD bằng cách nhập khẩu dầu của Nga, dựa trên so sánh của Reuters về chênh lệch giá hàng tháng giữa dầu thô ESPO (Nga) và dầu từ Brazil; dầu Urals (Nga) so với dầu từ Oman (Reuters sử dụng thông tin về giá do các thương nhân cung cấp).
Với việc nhập khẩu dầu từ Venezuela, Trung Quốc tiết kiệm trung bình 10 USD/thùng so với dầu thô Castilla của Colombia. Nước này cũng tiết kiệm được khoảng 15 USD/thùng khi mua dầu thô Iran so với dầu Oman.
Như vậy, Trung Quốc tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD bằng cách nhập khẩu kỷ lục 1 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ từ Iran và tiết kiệm được 1,17 tỷ USD khi nhập khoảng 430.000 thùng/ngày dầu của Venezuela.
Trang Live Trading News đánh giá, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu từ các nước bị phương Tây trừng phạt tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nếu Nga, Iran và Venezuela có thể bán dầu của họ với giá chiết khấu cho Trung Quốc, thì các nhà sản xuất dầu khác cũng buộc phải giảm giá. Điều này có thể dẫn đến giá toàn cầu giảm, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Nhịp sống thị trường