MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc thanh tẩy ngành tài chính

10-04-2023 - 09:33 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc thanh tẩy ngành tài chính

Tài chính là một trong những lĩnh vực sinh lợi nhiều nhất ở Trung Quốc. Tổng lợi nhuận của 6 ngân hàng nhà nước lớn nhất nước này trong năm 2022 đã tăng 6% so với một năm trước đó, lên mức 1.360 tỉ nhân dân tệ (khoảng 197,8 tỉ USD).

Tuy nhiên, lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro lớn, nhất là trong những hoạt động liên quan đến bất động sản và cho vay địa phương và đây là điều mà các cơ quan quản lý Trung Quốc muốn kiên quyết ngăn chặn.

Theo báo South China Morning Post, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc, hôm 27-3 thông báo mở chiến dịch trong ngành tài chính.

CCDI muốn tập trung "tháo ngòi nổ" các mối nguy tài chính trong nước, kìm hãm những tác động từ khủng hoảng bên ngoài và tạo cơ sở cho hồi phục kinh tế cũng như đổi mới công nghệ. Đích nhắm của chiến dịch truy quét tham nhũng lần này là các công ty nhà nước, bao gồm 5 tổ chức tài chính.

Trung Quốc thanh tẩy ngành tài chính - Ảnh 1.

Ông Li Xiaopeng (cựu chủ tịch Tập đoàn China Everbright) và Liu Liange (cựu chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc) Ảnh: CVG, TÂN HOA XÃ

Trong số 5 tổ chức tài chính bị điều tra có Công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC, tức quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc, với tổng tài sản lên đến 1.350 tỉ USD), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Tập đoàn China Everbright.

Kể từ khi chính phủ mới của Trung Quốc ra mắt hồi giữa tháng 3, đã có 12 lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp hoặc quan chức quản lý bị điều tra, theo thông tin trên trang web của CCDI. Những nhân vật bị điều tra gần đây nhất là Liu Liange (cựu chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc), Li Xiaopeng (cựu chủ tịch Tập đoàn China Everbright).

Đây là hai lãnh đạo doanh nghiệp tài chính cấp cao nhất bị điều tra kể từ khi Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Fan Yifei "ngã ngựa" vào tháng 11 năm ngoái, dẫn đến đồn đoán sẽ còn nhân vật cấp cao hơn bị "sờ gáy".

Đợt điều tra tham nhũng lần này trùng với đợt cải tổ hệ thống quy định tài chính của Trung Quốc, bao gồm việc mới thành lập Ủy ban Tài chính trung ương và Cơ quan Quản lý tài chính quốc gia hồi đầu tháng 3.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cũng kêu gọi đóng góp ý kiến cho các chính sách tài chính, với những vấn đề cụ thể như nợ xấu, thị trường bất động sản đóng băng, nợ công của địa phương… cũng như thiếu vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân.

Song song đó, cơ quan chức năng trấn áp mạnh tay hoạt động đầu cơ tài chính trái phép và hạn chế thu nhập trong ngành này. Năm qua, những người làm việc trong các tổ chức tài chính nhà nước Trung Quốc bị cắt giảm lương hàng loạt. 

Theo Hải Ngọc

Người Lao động

Trở lên trên