MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc - Thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam

18-03-2023 - 08:01 AM | Thị trường

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 2 tháng đầu năm sụt giảm 22%. Sức cầu từ thị trường Mỹ, châu Âu đi xuống. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc lại hồi phục ấn tượng.

Nghiêm túc đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc

Khi nhìn vào kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc nổi lên là điểm sáng đáng chú ý còn giữ được đà tăng trưởng, với nhu cầu vẫn tiếp tục tăng không suy yếu như phần lớn các thị trường lớn khác của nông sản Việt Nam.

Như mặt hàng rau quả, xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn tăng tới hơn 17%, đặc biệt tính riêng tháng 2 thuỷ sản xuất khẩu sang nước này cũng tăng tới 33%. Như vậy, sau khi nước bạn xoá bỏ chính sách Zero COVID, xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực.

Đón đầu cơ hội này và cũng thực hiện Nghị quyết số 31 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 về tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động, để sẵn sàng thích ứng với một loạt những quy định nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc.

Trung Quốc - Thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam - Ảnh 1.

Hiện Trung Quốc đã phê duyệt hơn 2.000 mã số vùng trồng, trên 1.400 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Tại Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thứ 4 hàng tuần, phía cơ quan Trung Quốc và Việt Nam sẽ có một buổi kiểm tra trực tuyến, để đảm bảo điều kiện về vùng trồng, cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn từ phía nước bạn. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một cơ sở đóng gói khoai lang tại tỉnh Long An đang phải chứng minh cho phía Trung Quốc rằng cơ sở của mình có khu nhập nguyên liệu, khu xuất hàng tách biệt, tuân thủ quy trình một chiều. Ngoài ra cơ sở này còn phải tuân thủ hàng chục quy định để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm khoai lang.

Hiện Trung Quốc đã phê duyệt hơn 2.000 mã số vùng trồng, trên 1.400 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng như các địa phương thời gian qua cơ bản tuân thủ khá tốt quy định của Trung Quốc. Mọi người có ý thức rất nhiều trong việc quản lý hồ sơ, ghi chép nhật ký, cơ sở đóng gói cải tiến sửa sang theo đúng quy định".

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, giám sát các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, theo đúng những quy định của Trung Quốc.

"Các sản phẩm phải đảm bảo theo Lệnh 248, 249 đó là có mã số đăng ký doanh nghiệp, đảm bảo cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng tránh tình trạng không minh bạch trong lĩnh vực này, phải đúng đối tượng, đúng vùng trồng. Vấn đề này chúng tôi đã triển khai rộng khắp ở cơ sở chức năng của Bộ", ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.

Cần chiến lược phát triển bền vững vào thị trường Trung Quốc

Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay Trung Quốc đang ngày càng hoàn thiện và tăng cường thực thi chính sách với nhiều quy định ngày càng nghiêm ngặt về công tác xuất, nhập khẩu hàng hoá khi hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và ban hành Lệnh 248, 249 (năm 2021) ban hành Lệnh 259 (năm 2022). Vì vậy, theo các chuyên gia Việt Nam, sẽ phải có chiến lược phát triển bền vững lâu dài cho nông sản từ chất lượng, đến thương hiệu tại thị trường Trung Quốc.

"Chú ý đến tính bền vững của việc đáp ứng quy định, không phải là chỉ làm tốt giai đoạn đầu là xong sau đó sẽ lơ là đi vì bản thân Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan của Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra định kỳ sau khi cấp mã", bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: "Cố gắng đi theo chính ngạch đảm bảo sự bền vững của xuất nhập khẩu nông sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hai bên".

Nỗ lực mở rộng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Doanh nghiệp xuất khẩu chính là những đơn vị hiện thực hoá định hướng chiến lược trên, tuy chưa nhiều những 2 năm trở lại đây đã có sự dịch chuyển đáng kể từ phía các doanh nghiệp. Họ nhìn nhận lại tiềm năng thị trường Trung Quốc, tự cái tiến, nâng cấp sản phẩm của mình để tiến sâu hơn vào thị trường tỷ dân này. Trước khi có một bản chiến lược mang tầm quốc gia, bản thân mỗi doanh nghiệp đã tự xác định chiến lược của họ.

Khoai lang là nông sản gần đây được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch vào nước họ. Đón đầu cơ hội, CTCP Sản xuất và Mậu dịch Quốc tế Việt Phúc Thái Hưng không ngần ngại hợp tác với đối tác phía Trung Quốc xây dựng thêm một cơ sở đóng gói mới theo đúng tiêu chuẩn hiện hành của nước bạn.

Được biết, với chiếc máy làm sạch khoai của doanh nghiệp bằng công nghệ bong bóng nước sẽ giúp khoai vừa sạch mà vỏ vẫn giữ nguyên được theo đứng yêu cầu của nước bạn. Với việc đầu tư máy móc và nhà xưởng như thế này, doanh nghiệp đã nhận được những đơn hàng 120 nghìn tấn trong năm nay.

Trung Quốc - Thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp đã tự cái tiến, nâng cấp sản phẩm của mình để tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Theo đại diện doanh nghiệp, để bán được sản phẩm có giá trị cao, phải làm đúng chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc.

"Muốn bán được nông sản có giá trị, thị trường ổn định và để xuất khẩu có chính ngạch, bắt buộc phải làm theo chuẩn hoá, canh tác phải theo tiêu chuẩn, có mã vùng trồng được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ các hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật", bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch HĐQT, CTCP Sản xuất và Mậu dịch Quốc tế Việt Phúc Thái Hưng cho hay.

Theo doanh nghiệp cái khó nhất là kiểm soát được vùng trồng, mà muốn làm được điều này cần hỗ trợ rất nhiều từ phía địa phương và liên kết chặt chẽ với bà con nông dân. Chiến lược bền vững phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy.

Để định lượng được thị trường Trung Quốc, theo các doanh nghiệp họ sẽ phải chủ động dành thời gian, nguồn lực để tìm hiểu, không có cơ quan hay đơn vị nào có thể làm thay họ việc này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực định vị thương hiệu các loại nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam trong năm nay khoảng từ 54 - 55 tỷ USD. Việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc có ý quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu trên.

Theo VTV Digital

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên