MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc thống trị ngành pin mặt trời: Chi phối cách thế giới sản xuất từ nay đến 2025, tự động hóa toàn bộ dây chuyền, nhà máy chỉ có 45 công nhân lúc cao điểm

16-07-2024 - 17:40 PM | Tài chính quốc tế

Các công ty Trung Quốc kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các tấm pin mặt trời silicon.

Bên trong một nhà máy tại khu công nghiệp Nam Thông, máy móc đang hoạt động hết công suất dưới sự giám sát của nhân viên để tạo ra những tấm pin mặt trời hoàn hảo nhất. Quá trình sản xuất hầu hết được tự động hóa, song dĩ nhiên, không thể thiếu công đoạn rà soát cuối cùng của các công nhân. Thông thường, dây chuyền của Eco Green Energy chỉ có khoảng 30 công nhân. Thời điểm cao điểm sản xuất, con số này sẽ tăng lên 45.

Nhà máy này chỉ là một trong số vô vàn các cơ sở sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hiện nay. Chúng chủ yếu được thực hiện ở Trung Quốc và theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2021, 3/4 việc làm trong ngành đều tập trung ở khu vực này. Hiện các công ty Trung Quốc đang chuyển một phần chuỗi sản xuất sang Đông Nam Á để tránh các rào cản do Mỹ đặt ra.

Hiện tăng trưởng điện mặt trời tại Trung Quốc không hề có dấu hiệu chậm lại, nhất là trong bối cảnh chính phủ nước này đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Động lực chủ yếu đến từ việc Trung Quốc có hầu hết mọi thứ cần thiết để sản xuất polysilicon một cách nhanh nhất và rẻ nhất, từ hầm mỏ, nhà máy đến nhân công.

Hồi năm 2019, các công ty Trung Quốc sản xuất tổng cộng 66% lượng polysilicon trên toàn cầu. 72 % tấm pin PV tiêu thụ cũng được tạo ra tại đại lục – nơi thu hút 5 trên tổng số 10 dự án năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Huanghe Hydropower Hainan Solar Park - nhà máy điện mặt trời với công suất đứng thứ hai thế giới là một trong số đó. Đi vào hoạt động hồi cuối năm 2020, nhà máy này đặt mục tiêu tạo thành tổ hợp điện tái tạo với công suất 16.000 MW, trong đó 11.000 MW là điện mặt trời và 5.000 MW là điện gió. Ngoài ra, Tengger Desert Solar Park, nơi từng giữ ngôi vị nhà máy điện mặt trời mang công suất lớn nhất thế giới cho đến năm 2018, cũng được đặt tại Trung Quốc.

Để nhanh chóng ổn định công suất, nhiều dự án mới liên quan đến polysilicon - chìa khóa của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, đang được triển khai bên ngoài khu tự trị Tân Cương – nơi vốn đóng góp tới gần 50% sản lượng polysilicon trên toàn cầu.

Sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là không thể chối cãi. Hàng nhập khẩu giá rẻ từ đại lục thậm chí còn khiến một số doanh nghiệp EU rơi vào khủng hoảng. Thông báo đóng cửa sản xuất chồng chất. Ngành thiết bị điện mặt trời châu Âu cảnh báo một nửa công suất sản xuất có thể biến mất trừ khi chính phủ vào cuộc.

“Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã được trợ cấp chiến lược hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm”, Gunter Erfurt, CEO Meyer Burger, nhà sản xuất thiết bị của Thụy Sĩ, nói và cáo buộc một số doanh nghiệp Trung Quốc đang bán hàng với giá thấp hơn cả chi phí sản xuất.

Được biết, các công ty Trung Quốc kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các tấm pin mặt trời silicon. Thị phần polysilicon của Trung Quốc, vật liệu cốt lõi trong quá trình sản xuất các tấm pin, thậm chí còn cao hơn.

“Thế giới gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất tấm pin mặt trời cho đến năm 2025”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.

Trong năm 2022, ngành năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc đã tuyển dụng 2,76 triệu lao động, trong đó, khu vực sản xuất sử dụng khoảng 1,8 triệu lao động còn các lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì sử dụng 918.000 lao động. Để so sánh, ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời của EU chỉ sử dụng 648.000 lao động.

Trung Quốc thống trị ngành pin mặt trời: Chi phối cách thế giới sản xuất từ nay đến 2025, tự động hóa toàn bộ dây chuyền, nhà máy chỉ có 45 công nhân lúc cao điểm- Ảnh 1.

Ngoài ra, tính đến năm 2022, tổng công suất lắp đặt tấm pin năng lượng Mặt Trời (PV) của Trung Quốc là 393 GW, gần gấp đôi so với mức 205 GW của EU và gấp 3 tổng công suất 113 GW của Mỹ. Kể từ năm 2017, nước này cũng ghi nhận tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 25% về công suất lắp đặt PV, trong khi Mỹ có tốc độ CAGR là 21%.

Bất chấp việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp quốc gia, việc triển khai điện Mặt Trời ở Trung Quốc vẫn đang tăng tốc. Quốc gia này dự kiến đạt mục tiêu quốc gia năm 2030 về lắp đặt điện gió và năng lượng Mặt Trời vào năm 2024, sớm hơn 6 năm so với kế hoạch.

Dẫu vậy, nghịch lý ở chỗ hầu hết các tấm pin mặt trời tại Trung Quốc đều được sản xuất bằng năng lượng hóa thạch – tác nhân gây ra lượng khí thải khổng lồ. Do đó, nếu Trung Quốc mở rộng quy mô sản xuất polysilicon, công nghiệp năng lượng mặt trời sẽ trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm nặng nề nhất thế giới.

Theo Fengqi You, giáo sư thuộc Đại học Cornell, ngành sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc đang tạo ra lượng CO2 cao gấp đôi châu Âu. “Đúng là chúng ta đang tạo ra điện sạch, nhưng trước đó, quá trình sản xuất những tấm pin này tại Trung Quốc hoặc một số quốc gia khác đang tạo ra rất nhiều khí thải”, ông You nói.

Chính vì vậy, một số nước phương Tây đang cố gắng dịch chuyển ngành công nghiệp này ra khỏi than đá. Chẳng hạn như tại Liên minh châu Âu EU, giới chức đang xem xét điều chỉnh hàm lượng CO2 tối đa của các tấm pin mặt trời. Đây được xem như một cách để các quốc gia phương Tây xây dựng lại ngành công nghiệp năng lượng vốn đang được thống trị bởi Trung Quốc đại lục.

Dẫu vậy, theo một số nhà khoa học, kể cả khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất pin mặt trời, kết quả cuối cùng luôn là lượng khí thải CO2 giảm dần theo thời gian vì những tấm pin này có thể thay thế điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch. Khi đó, lượng khí thải cắt giảm trong 30 năm tuổi thọ của pin mặt trời sẽ bù đắp được lượng CO2 thải ra trong suốt quá trình sản xuất.

“Nếu Trung Quốc không tiếp cận nguồn than đá, năng lượng mặt trời sẽ không thể rẻ như hiện tại”, Robbie Andrew, nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế Oslo, nói.

Theo: Le Monde, SCMP

Theo Vũ Anh

An Ninh Tiền Tệ

Trở lên trên