Trung Quốc thừa nhận rất khó để tăng trưởng kinh tế 6%
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nền kinh tế của Trung Quốc rất khó để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% trở lên do nền tảng tăng trưởng cao và bối cảnh quốc tế phức tạp.
- 15-09-2019Tương lai mờ mịt của giới trung lưu Trung Quốc vì kinh tế giảm tốc
- 15-09-2019Chính phủ Trung Quốc hối thúc 100 doanh nghiệp nhà nước đổ tiền thâu tóm Hồng Kông
- 14-09-2019Trung Quốc tuyên bố miễn thuế trừng phạt đậu tương, thịt lợn Mỹ
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt với áp lực suy giảm nhất định do tăng trưởng toàn cầu chậm cũng như sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, Thủ tướng Lý nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga được công bố trên website của chính phủ Trung Quốc.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 6,3% trong nửa đầu năm. Ông Lý cho biết nền kinh tế nhìn chung là ổn định trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, việc duy trì tăng trưởng từ 6% trở lên là rất khó khăn trước bối cảnh quốc tế phức tạp và nền tảng tăng trưởng tương đối cao, với tỷ lệ luôn đi đầu trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong quý này sau khi chạm đáy thấp nhất gần 30 năm qua là 6,2% trong quý II. Morgan Stanley dự đoán mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ thấp hơn mục tiêu cả năm 6 - 6,5% do chính phủ nước này đặt ra.
Trong tháng 8, sản lượng công nghiệp suy giảm hơn dự kiến. Sản lượng công nghiệp tăng 4,4% so với một năm trước đó, so với ước tính trung bình là 5,2%. Doanh số bán lẻ tăng 7,5%, so với mức tăng 7,9% dự kiến. Đầu tư tài sản cố định tăng chậm ở mức 5,5% trong 8 tháng đầu năm, so với dự báo 5,7%.
Sản lượng công nghiệp ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Những dẫn chứng đáng lo ngại này cho thấy cần có những chính sách kích thích hiệu quả hơn để ổn định tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động xấu của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Peiqian Liu tại Natwest Markets Plc, Singapore cho biết, tốc độ của suy thoái kinh tế nhanh hơn dự kiến, khả năng sẽ có nhiều biện pháp nới lỏng hơn bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ của ngân hàng và lãi suất cho vay trung hạn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC.
Ngày 6/9 vừa qua, Chính phủ đã tăng cường hỗ trợ với thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) lần thứ ba trong năm nay xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, giải phóng 900 tỷ NDT (126,35 tỷ USD) thanh khoản, mặc dù vậy vẫn đang trì hoãn việc cắt giảm chi phí vay.
Các nhà đàm phán từ Trung Quốc và Mỹ dự kiến có hai vòng đàm phán trực tiếp trong vài tuần tới. Cả hai bên đã thực hiện các bước để thể hiện thiện chí và các quan chức Mỹ đang xem xét một thỏa thuận tạm thời để trì hoãn thuế quan với Trung Quốc.