Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản
Sau khi cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn xuống mức thấp lịch sử hôm 16/4 vừa qua, đến hôm nay 20/4 Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất cho vay cơ bản.
- 20-04-2020Các ngân hàng đang thừa nhân lực vì covid-19, tính chuyện cắt giảm
- 20-04-2020Đầu tuần, USD ngân hàng tăng giá trở lại
- 19-04-2020Ngành nào cũng muốn gói tín dụng ưu đãi, thậm chí lãi suất 0%, ngân hàng lấy tiền ở đâu để cho vay?
Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản như dự kiến bắt đầu từ hôm nay 20/4 để giảm chi phí vay cho các công ty và thúc đẩy nền kinh tế bị virus tấn công, sau khi dữ liệu tăng trưởng kinh tế lần đầu tiên sụt giảm mạnh sau nhiều thập kỷ.
Cụ thể, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm đã giảm 20 điểm cơ bản xuống còn 3,85%/năm từ 4,05%/năm trước đó, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm có mức cắt giảm khiêm tốn hơn với 10 điểm cơ bản từ 4,75%/năm xuống còn 4,65%/năm.
Động thái này là lần cắt giảm thứ hai đối với lãi suất cho vay trong năm nay và là mức giảm mới nhất đối với một trong những lãi suất cho vay quan trọng nhất của Trung Quốc. Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ đều dựa trên LPR kỳ hạn 1 năm, trong khi lãi suất 5 năm ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá các khoản thế chấp.
Trước đó, tất cả các chuyên gia trong một cuộc khảo sát của Reuters hôm 17/4 đều đã dự kiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm lãi suất LPR trong đợt ấn định hàng tháng. Một số chuyên gia đã đặc biệt chú ý hơn đến LPR 5 năm để xem liệu Bắc Kinh có thể giảm bớt sự kiềm chế trong lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay không.
"Một sự sụt giảm nhỏ trong chi phí đi vay là không đáng kể đối với các công ty đang gặp khó khăn. Nhưng PBOC đã giảm bớt các điều kiện vay vốn thông qua một loạt các công cụ khác gần đây", Martin Rasmussen, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.
Việc cắt giảm lãi suất mới nhất này được giới chuyên gia đánh giá là một dấu hiệu khác cho thấy các nhà chức trách vẫn rất thận trọng đối với việc nới lỏng tiền tệ. Khi điều kiện việc làm vẫn còn yếu và việc xuất khẩu hàng hóa bị kìm hãm, nhiều dự đoán cho rằng PBOC sẽ thực hiện các bước tiếp theo để thúc đẩy kinh tế.
Dữ liệu được công bố hôm 17/4 vừa qua cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên đã sụt giảm mạnh, ở mức -6,8%, do việc đóng cửa các nhà máy và cửa hàng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc giảm sút như vậy, ít ra là kể từ năm 1992. Tỷ lệ tăng trưởng thậm chí còn bị sụt giảm mạnh hơn so với dự báo là - 6,5%. Trong quý 4 năm ngoái, tăng trưởng của nước này đạt 6%.
Trung Quốc cũng đang khởi động lại nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng có thể sẽ phải mất vài tháng để tất cả trở về mức trước khủng hoảng, đặc biệt suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ càng gây sức ép lên nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc.
LPR là tỷ lệ tham chiếu cho vay được thiết lập hàng tháng bởi 18 ngân hàng. Tháng 8/2019, PBOC đã thay đổi cơ chế định giá LPR, gắn nó với lãi suất cho vay trung hạn (MLF).
Trước đó, hôm 15/4, PBOC cũng đã tuyên bố cắt giảm 20 điểm cơ bản trong lãi suất cho vay trung hạn một năm (MLF) đối với các tổ chức tài chính, từ 3,15% xuống còn 2,95%, mức thấp nhất kể từ khi công cụ thanh khoản này được giới thiệu vào tháng 9/2014. Việc hạ lãi suất cho vay trung hạn một năm của PBOC đã giúp khơi thông 100 tỷ nhân dân tệ (14,19 tỷ USD) vào thị trường tài chính.
Tham khảo: South China Morning Post