Trung Quốc xây thần tốc giàn khoan nặng nhất thế giới cho ‘ông lớn’ dầu mỏ thuộc BRICS: Cao 24 tầng, nặng 17.000 tấn, sàn rộng bằng 15 sân bóng rổ, vận chuyển 24 triệu tấn dầu và 7,4 tỷ m3 khí đốt
Cái bắt tay cho thấy mục tiêu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng của hai quốc gia lớn thuộc BRICS.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, giàn khoan dầu khí ngoài khơi nặng nhất thế giới của nước này dành cho thị trường quốc tế đã hoàn thiện và được bàn giao.
Theo đài CCTV, giàn khoan này cao 24 tầng và nặng hơn 17.000 tấn. Sàn của giàn có kích thước rộng tương đương 15 sân bóng rổ.
Đây là một trong những giàn khoan lớn nhất thế giới. Cỗ máy khổng lồ nổi trên mặt biển này có khả năng vận chuyển 24 triệu tấn dầu thô và 7,4 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm khi đi vào hoạt động hết công suất.
Công ty Kỹ thuật Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (COOEC) thuộc sở hữu nhà nước là đơn vị xây dựng giàn khoan này tại khu vực cảng phía đông Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Giàn khoan chính thức được bàn giao sau 3 năm xây dựng và sẽ ra khơi trên một tàu vận tải lớn đến khu vực lắp đặt được chỉ định cách đó khoảng 6.400 hải lý vào cuối tháng 8.
Cụ thể, giàn khoan sẽ được đặt tại mỏ dầu Marjan, ngoài khơi bờ biển phía đông của Ả Rập Xê Út – quốc gia thành viên mới của khối BRICS. Mỏ dầu này do công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco sở hữu và điều hành.
Theo thông tin từ Offshore Technology, giàn khoan này là một phần của chương trình tăng sản lượng dầu thô Marjan trị giá 12 tỷ USD nhằm bổ sung công suất của mỏ thêm 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Giàn khoan khổng lồ cũng sẽ xử lý hơn 70 triệu mét khối mỗi ngày để tạo ra 360.000 thùng etan và khí tự nhiên lỏng.
CCTV cho biết: “Việc hoàn thành giàn khoan dầu khí Marjan đánh dấu bước đột phá trong công nghệ xây dựng thiết bị dầu khí ngoài khơi quy mô lớn của Trung Quốc”.
Giàn khoan Marjan là một hệ thống phức hợp được hình thành thông qua mạng lưới đường ống cũng như hệ thống xử lý hóa chất và kiểm soát hoạt động. Giàn khoan được thiết kế để thu nạp và vận chuyển dầu khí ngoài biển vào đất liền, đóng vai trò như nhà ga chính cho các mỏ dầu ngoài khơi.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường sức mạnh sản xuất tiên tiến như một phần trong nỗ lực nâng cao chuỗi công nghiệp. CNOOC xác nhận rằng quy mô, chiều dài đường ống và độ phức tạp của hệ thống của giàn khoan đều đã lập kỷ lục thế giới.
Thông qua những dự án như giàn khoan Marjan, các chuyên gia nhìn nhận Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đang tăng cường hợp tác và đào sâu mối quan hệ theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
CEO Amin Nasser của Aramco cho biết công ty đang tìm cách đầu tư vào nhiều nhà máy hoá chất Trung Quốc hơn trong thời gian tới. Công ty xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này đang nhắm đến các cơ sở bổ sung có thể chuyển đổi dầu thành hoá chất để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng từ các ngành công nghiệp xanh mới nổi của Trung Quốc.
Theo cổng thông tin tài chính Trung Quốc caijing.com, hợp tác năng lượng của Trung Quốc với Ả Rập Xê Út trước đây tập trung vào các nguồn năng lượng truyền thống, nhưng gần đây đã phát triển sang cả lĩnh vực năng lượng mới.
Năm 2023, Saudi Aramco đã ký kết các thỏa thuận trị giá tổng cộng 8 tỷ USD với các đối tác Trung Quốc trong các lĩnh vực trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí.
Nhà kinh tế học Jim O’Neil – cựu chủ tịch của Goldman Sachs Asset Management và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh – là người đặt tên cho nhóm BRIC vào năm 2001, bao gồm các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau này, BRIC đổi tên thành BRICS khi Nam Phi gia nhập vào năm 2010. Đến ngày 1/1/2024, năm thành viên mới chính thức gia nhập BRICS bao gồm Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út và Ethiopia.
Theo CCTV, SCMP, Global Times
Nhịp sống thị trường