MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngành tài chính

15-10-2019 - 14:42 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang thúc đẩy mở cửa ngành tài chính cho sở hữu nước ngoài trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước trì trệ và lo ngại quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ xấu đi do căng thẳng thương mại đang tiếp diễn.

Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc vào thứ Sáu tuần trước đã đưa ra khung thời gian để dỡ bỏ giới hạn đối với cổ phần nước ngoài trong các công ty hợp đồng kỳ hạn, quỹ tương hỗ và chứng khoán, cho phép các công ty nước ngoài sở hữu toàn bộ cổ phần.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính xây dựng đối với quản lý quỹ trong nước, một phát ngôn viên của Invesco cho biết. Tuyên bố mới nhất này giúp tăng cường cạnh tranh và cho phép bất cứ ai tham gia thị trường mang đến những giao dịch hấp dẫn cho thị trường Trung Quốc.

Mỹ "phàn nàn" rằng nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc đóng cửa đối với các công ty nước ngoài hoặc bị chi phối bởi các thực thể nhà nước, khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh.

Cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gia tăng áp lực lên hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, với việc áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD từ cả hai nước.

Mỹ cũng đưa một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc vào danh sách đen ngăn cản họ hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ.

Nhưng Trung Quốc muốn thu hút thêm vốn nước ngoài vào thị trường của mình và giúp ngành tài chính trong nước trưởng thành.

Mở cửa thị trường tài chính sẽ giúp thúc đẩy quốc tế hóa thị trường hợp đồng kỳ hạn, tăng ảnh hưởng quốc tế và giúp Trung Quốc trở thành trung tâm định giá hàng hóa quốc tế, theo ông Yang Cao, phó giám đốc Viện nghiên cứu hợp đồng kỳ hạn Nanhua có trụ sở tại Hàng Châu.

Ông Cao cũng chỉ ra rằng các thị trường quốc tế có nhiều kinh nghiệm hơn với các sản phẩm phái sinh và sự tham gia của những người chơi nước ngoài như vậy vào thị trường Trung Quốc sẽ làm tăng tính cạnh tranh trong nước.

Tác động của căng thẳng thương mại

Khung thời gian đã được công bố vào thứ Sáu tuần trước sẽ được triển khai vào năm 2020:

Ngày 1/1/2020 - Các công ty hợp đồng kỳ hạn

Ngày 1/4/2020 - Các công ty quản lý quỹ tương hỗ

Ngày 1/12/2020 - Các công ty chứng khoán

Nếu các công ty nhận được sự chấp thuận và giấy phép kinh doanh cần thiết, động thái này sẽ phù hợp với mong muốn của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 9 năm ngoái, rằng sau 3 năm nữa, sẽ có một số liên doanh nước ngoài đủ điều kiện cho hoạt động đầy đủ giấy phép và quyền sở hữu trong lĩnh vực tài chính.

Vào tháng 7 năm nay, Thủ tướng Lý cũng cho biết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế với quyền sở hữu nước ngoài đối với các công ty chứng khoán, hợp đồng tương lai và bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020 - sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó.

Điểm đáng chú ý là kế hoạch thực hiện được triển khai nhanh chóng. Điều này cho thấy cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang gây áp lực lên việc hoạch định chính sách của Trung Quốc, theo ông Tianjun Wu, nhà kinh tế tại Economist Intelligence Unit.

Trung Quốc thường chậm mở cửa thị trường nội địa cho người chơi nước ngoài và đợi đến khi các công ty trong nước có thời gian phát triển đủ mạnh. Một công ty cung cấp dịch vụ thẻ ngân hàng và thanh toán Trung Quốc như UnionPay có thể mở rộng nhanh chóng ra nước ngoài, trong khi Visa và Mastercard vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận Trung Quốc.

Vào cuối tháng 9, PayPal cho biết đã trở thành nền tảng thanh toán nước ngoài đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, American Express đã nhận được phê duyệt cho một ứng dụng liên doanh về các giao dịch thanh toán.

Các công ty nước ngoài khác đang chờ đợi để nắm bắt cơ hội khai thác thị trường tài chính của Trung Quốc vào năm tới.

Fidelity International, tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia - gã khổng lồ quản lý quỹ của Mỹ, mong muốn đem khả năng nghiên cứu đầu tư đặc biệt của mình tới với các nhà đầu tư Trung Quốc. Với hơn 1.000 nhân viên tại Trung Quốc, Fidelity International sẵn sàng làm đơn xin cấp phép cho tập đoàn quản lý tài sản nước ngoài vào thời điểm thích hợp.

Đây là hành động sau cùng cho cam kết mở cửa thị trường của Trung Quốc đối với sở hữu nước ngoài, ông Ray Chou, đối tác tại công ty tư vấn Oliver Wyman, đưa ra nhận xét về thông báo vào thứ Sáu tuần trước. Theo ông, những thay đổi về cấu trúc như vậy đang tạo ra cơ hội cho những người chơi nước ngoài cam kết lâu dài với Trung Quốc.

Vào tháng Tư, xếp hạng hàng năm của Z-Ben Advisors về 25 nhà quản lý tiền nước ngoài tốt nhất tại Trung Quốc cho thấy khoảng cách đang gia tăng giữa 6 công ty hàng đầu và 19 công ty còn lại. UBS, Invesco và JPMorgan dẫn đầu thị trường.

Vào tháng 11/2018, UBS cho biết họ đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên giành được quyền kiểm soát đa số cổ phần một liên doanh chứng khoán tại Trung Quốc (51% cổ phần).

Năm nay, JPMorgan Asset Management đã trở thành công ty nước ngoài đầu tiên tăng tỷ lệ sở hữu một nhà quản lý tài sản Trung Quốc từ 49% lên 51%.

Khánh An

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên