Trung thu đang thành tết của người lớn?
Người được mệnh danh “thần đồng thơ” một thuở tiết lộ: “Tôi có đến 3 bài thơ về trăng đều viết vào dịp trung thu. Đó là bài “Trông trăng”; “Trăng sáng sân nhà em”; “Trăng ơi từ đâu đến”.
- 23-09-2023Đào trúng tàu chở đồ cổ dài hơn 50m, toàn bộ hiện trường lập tức bị cảnh sát phong toả nghiêm ngặt
- 22-09-2023Hàng xóm dựng hàng rào vô lý chia đôi lối thang máy chung cư, người phụ nữ phá đổ nhận về bài học đắt giá
- 21-09-2023Thạc sĩ 35 tuổi nhảy việc đến 30 lần vẫn thất nghiệp: Không có công việc lương thấp, chỉ là bạn chưa có giá trị
Cả ba bài thơ đều may mắn được độc giả nhỏ tuổi nhiệt tình đón nhận. Nhà thơ khẳng định: “Nếu quê tôi không thấm đẫm thiên nhiên như thế thì sẽ không có Trần Đăng Khoa”. Ông cảm thán: “Tết Trung thu bây giờ đang mất hơi hướng của trẻ con”.
Buồn, vui quanh đèn “siêu to khổng lồ”
Những ngày này người dân ở nhiều thành phố đang rủ nhau lên Tuyên Quang để hoà vào lễ hội đường phố mùa trung thu với những chiếc đèn khổng lồ đủ mọi kiểu dáng, khắp đất nước Việt Nam, thậm chí, khắp hành tinh này không nơi nào có được.
Thực ra những chiếc đèn ấy không phải đến bây giờ mới xuất hiện ở thành phố Tuyên Quang. Ngay thành phố Cao Bằng, những năm 90, ở các trường phổ thông vào mùa Trung thu đã có cuộc thi chấm đèn. Thường những chiếc đèn siêu to sẽ “rinh” giải. Cứ sắp đến Trung thu, học sinh và giáo viên lại bận bịu làm đèn, cố gắng làm một chiếc to không lớp nào địch nổi. Nhưng những chiếc đèn của lũ học trò miền biên viễn chúng tôi ngày ấy còn lâu mới đua được với đèn Tuyên Quang.
Tác giả “Ma làng”, nhà văn Trịnh Thanh Phong, đang sống ở thành phố Tuyên Quang cung cấp một số thông tin quanh lễ hội đặc biệt này: “Khoảng dăm bảy năm nay Trung thu ở đây rộn ràng lắm. Dân tự làm đủ các loại mô hình đèn, kéo ra đường. Từ đầu tháng đã có người kéo đèn rồi”. Ông miêu tả: “Người ta làm đèn rất to, muôn hình, muôn vẻ. Mỗi phố, mỗi phường đóng góp vào làm một cái đèn, thi đua nhau, có chấm điểm”.
Phóng viên hỏi: “Trung thu với những chiếc đèn “siêu to khổng lồ” ấy khiến người lớn vui hay trẻ con vui?”.
Tác giả “Ma làng” đánh giá: “Trẻ con được ngồi trên xe đẩy đi, có người phụ trách nên những đứa trẻ được ngồi trên ấy cũng vui. Nhưng thực sự lũ trẻ bây giờ còn bận học hành. Như hai đứa cháu nhà tôi, bận bài vở, còn không thấy chúng ra xem người ta rước đèn. Có lẽ người lớn vui hơn. Người lớn chen chúc nhau xem”. Nhà văn cho biết thỉnh thoảng ông cũng ra ngó quang cảnh đường phố dịp rằm Trung thu song tự thấy tuổi cao, sức yếu không đua chen được.
Trước khi có lễ hội đèn, Trung thu ở Tuyên Quang, theo ghi nhận của nhà văn Trịnh Thanh Phong: “Tối đến thấy các cháu tập trung ca hát. Giờ thì có những chiếc đèn to, to đến mức trẻ con ngồi trong được. Có cái xe tốn đôi trăm triệu đồng, kém gì xe thật.
Nghèo như tổ của tôi chẳng tham gia được, tổ dân phố mà tôi đang sinh hoạt toàn cán bộ công chức. Cái xe rẻ cũng phải đầu tư cả trăm triệu đồng mà tầm xe trăm triệu đồng đi thi thì chẳng được cái giải gì đâu”.
Nguồn tiền để làm đèn có thể được “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ phần nào nhưng phần lớn do dân tự nguyện đóng góp: “Họ làm lâu lắm. Rước từ đầu tháng 7, chắc sau tết họ đã bắt tay vào làm rồi”, nhà văn Trịnh Thanh Phong nói.
Theo ông, các tỉnh thành khác khó đua theo Tuyên Quang vì không phải ở nơi nào dân cũng hào hứng chịu chi cho mùa vui như ở đây: “Tôi thấy vui thì vui thật nhưng mà mất việc. Lễ hội theo tôi chỉ vài ba hôm là lâu rồi, đằng này kéo dài cả tháng, vài tháng”, tác giả “Ma làng” bày tỏ quan điểm.
Theo nhà văn, Trung thu vẫn nên là tết của thiếu niên nhi đồng, đừng đi xa quá: “Nên làm sao để các cháu thấy Trung thu không thể thiếu nhưng cũng không thể bị thừa. Tôi thấy ý nghĩa trung thu bây giờ cứ bị… lung tung”. (Có ý kiến cho rằng: Lễ hội với những mô hình đèn khổng lồ ở Tuyên Quang nên đăng ký xác lập kỷ lục thế giới. Song có những ý kiến lại băn khoăn ở lượng rác thải ra môi trường sau mùa lễ hội. Nhưng một điều chắc chắn, nhờ lễ hội này, Tuyên Quang thu hút rất đông khách du lịch. Tình trạng cháy phòng khách sạn đã và đang diễn ra mấy năm nay).
Tuy không thể có những lễ hội rước đèn độc lạ như ở Tuyên Quang nhưng người dân sống ở thành phố bây giờ cũng nghĩ ra nhiều cách để vui Trung thu. Thanh Lê ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi thường góp tiền tổ chức ăn nhậu”.
Một khu chung cư ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cách nơi tôi sống một con đường những ngày này đang tổ chức cắm trại. Họ vui Trung thu khoảng một tuần. Trẻ con được xem múa lân, múa rồng, được tặng quà còn người lớn lại bận bịu với việc ăn và uống, có khi mải vui còn quên cả con mình.
Nhớ thời “trăng nở vàng như xôi”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, trẻ con thành phố hiện nay không có Trung thu: “Các con tôi không có Tết Trung thu. Hôm đó nhà tôi thường làm một bữa tươm tất hơn bình thường, có thịt gà, có món nọ, món kia, cả nhà cùng ăn. Thế thôi. Ở thành phố muốn ngắm trăng cũng chẳng có chỗ nào để ngắm, điện đóm sáng loà. Trẻ con ra nhà văn hoá được phát quà, mấy gói kẹo, mấy cái bánh, thật là nghèo nàn”.
Theo nhà thơ, Trung thu đúng nghĩa, trẻ con phải được vui chơi, phải được hoà mình vào thiên nhiên, đó mới là những kỷ niệm đẹp theo chúng suốt đời.
Thi sĩ nhớ lại trung thu thời đất nước khói bom: “Tết trung thu trẻ con chạy nhảy làm mèo đuổi chuột đi quanh xóm, vào trong sân lại chơi trò bịt mắt bắt dê. Trong sân có mâm cỗ bày sẵn, nào xôi, nào oản, lại có cả ông tiến sỹ bằng giấy, có 2 ông phỗng để hai bên ông tiến sỹ. Thời ấy, ở quê tôi không có rước đèn ông sao, chủ yếu vui chơi thôi, vui chơi dưới trăng. Cũng có lúc trung thu bị phá hỏng vì bom ném, chiến tranh mà”.
Thời chưa có điện, ánh trăng có ý nghĩa đặc biệt trong tết trung thu. Trần Đăng Khoa giải thích: “Ngày rằm tháng tám trăng rọi vào mâm cỗ thích lắm. Trẻ con chờ đợi, mong mỏi. Hôm nào mưa, trăng bị che khuất, trẻ con buồn, như mất mát lớn.
Đợi khi hết mưa, trăng hiện ra, lại bày cỗ tiếp. Nhờ những mùa trung thu thời thơ ấu ở quê, tôi đã viết được ba bài thơ về trăng: “Dưới sân em trông trăng/Có quả thị thơm lừng/Nải chuối tiêu thơm mát/Ông trăng nhìn thấy xôi/Là ông nhoẻn miệng cười/Áng chừng ông thích lắm/Trăng nở vàng như xôi”. Đó là bài “Trông trăng” tôi viết năm 1966. Còn bài “Trăng ơi từ đâu đến” viết năm 1967.
Bài “Trăng sáng sân nhà em” viết năm 1968: “Hàng cây cau lặng im/Hàng cây chuối đứng im/Con chim quên không kêu/Chỉ có trăng sáng tỏ/Soi rõ sân nhà em…”. Trần Đăng Khoa cho rằng: Chính vì thiếu sự gắn kết với thiên nhiên nên trẻ em bây giờ gần như “tịt” làm thơ: “Trẻ con bây giờ rất giỏi, giải toán siêu đỉnh, hát hay hơn ca sĩ nhưng không thấy làm thơ. Tôi đang chấm cuộc thi Hiệp sĩ Dế Mèn, bạn bé nào làm thơ được giải Hiệp sĩ Dế Mèn sẽ được 60 triệu đồng. Riêng tôi, sẵn sàng dùng tiền túi tặng gấp đôi giải thưởng ấy. Nhưng 2 năm qua, tôi vẫn chưa tìm được bạn bé nào để tặng phần thưởng của riêng mình”.
Tết trung thu năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa quyết định đưa cả gia đình về quê, ở Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương để sống lại mùa trung thu những năm khói bom: “Tôi sẽ tìm cách khôi phục lại ông tiến sỹ, ông phỗng như xưa”.
Cũng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vô cùng tiếc nhớ thời gian đã mất, mỗi khi Trung thu đến gần. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa mới ra viện, tuy sức khoẻ chưa hoàn toàn phục hồi, song ông vẫn quyết định năm nay cũng sẽ làm đèn trung thu cho các cháu như những năm trước.
Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông đã làm đèn khoảng 35 năm nay, từ khi có con, rồi có cháu. Làm không chỉ cho con, cho cháu mà thực ra còn làm cho chính mình, nhà thơ tâm sự: “Tôi làm đèn để được về với cha mẹ theo con đường ký ức. Đến mùa trung thu lại nhớ bố cặm cụi làm đèn cho con trong những năm tháng đói rét”. Ông cảm thấy Trung thu bây giờ “đã đi xa bản chất của nó rồi”.
Tiền Phong