MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trứng trở nên xa xỉ khi Nhật Bản đối mặt với dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất

13-04-2023 - 20:16 PM | Thị trường

Tại Nhật Bản, một số người đã phải từ bỏ món trứng ốp la yêu thích khi quốc gia châu Á này đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từng được ghi nhận.

Trứng trở nên xa xỉ khi Nhật Bản đối mặt với dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất - Ảnh 1.

Món cơm trứng Omurice phổ biến tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Dịch cúm gia cầm năm nay đã khiến hàng triệu con gà bị tiêu hủy, trứng trở thành thực phẩm khan hiếm và đẩy giá các món ăn làm từ trứng tăng vọt.

Đây đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi trứng lại là một nguyên liệu chính trong ẩm thực Nhật Bản, bao gồm từ món trứng cuộn cho đến món trứng ốp la và trứng lòng đào đặt trên mì ramen.

Theo các nhà khoa học, có lẽ do sự đột biến của virus mà hiện thế giới phải trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất.

Đặc biệt trong đó, Nhật Bản phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Đất nước “Mặt Trời mọc” đã buộc phải tiêu hủy con số kỷ lục 17 triệu con gà, tương đương 9% số gà mái đẻ trứng. Theo chia sẻ của một người bán trứng địa phương, giá bán buôn trứng đã tăng hơn 70% trong năm qua.

JA Z-Tamago, một đơn vị của Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia, cho biết một cân trứng cỡ trung bình hiện có giá khoảng 350 yên (khoảng 62.000 đồng). Đối với người tiêu dùng, cú sốc về giá này vẫn chưa nghiêm trọng lắm nhưng tác động mà nó gây ra đã khiến một số cửa hàng loại món trứng ra khỏi thực đơn.

Tháng trước, các chi nhánh McDonald's Nhật Bản đã phải cảnh báo thực khách rằng họ có thể phải tạm dừng bán loại bánh mì kẹp thịt Teritama nổi tiếng trong cao điểm. Teritama là sự kết hợp của sốt teriyaki và tamago, tiếng Nhật có nghĩa là trứng.

Vấn đề này phần nào phản ánh nguồn cung trong nước không ổn định. “Thật khó để dự đoán tình hình sẽ như thế nào vào mùa hè và mùa thu”, Jonathan Kushner – người phát ngôn của McDonald's Nhật Bản – trả lời kênh BBC.

Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản cũng đã phải tạm dừng bán khoảng 15 mặt hàng kể từ tháng 2. Ngoài ra, các cửa hàng trên toàn quốc đã điều chỉnh công thức làm bánh mì và salad của họ để tiết kiệm trứng.

Người tiêu dùng cũng phải trả nhiều tiền hơn. Công ty thực phẩm Kewpie, nổi tiếng với loại sốt mayonnaise có hương vị đặc trưng làm từ lòng đỏ trứng, tăng giá 21% bắt đầu từ tháng này.

Tuy nhiên, ngay cả khi tăng giá, lợi nhuận ròng của Kewpie sẽ giảm 47% trong năm tài chính này do giá trứng tăng cao.

Các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng buộc phải cắt giảm. Vào tháng 2, chuỗi cửa hàng ăn uống bình dân Skylark Holdings đã tạm dừng bán nhiều món trong thực đơn bao gồm cơm chiên trứng và bánh kếp.

Trứng luộc kiểu Nhật, trước đây được cung cấp miễn phí cho khách hàng đặt món lẩu sukiyaki, hiện có giá 55 yên/quả.

Các công ty này dự báo họ không thấy viễn cảnh nguồn cung trứng ở Nhật Bản sẽ bình thường trở lại trong tương lai gần do gà mái bị tiêu hủy hàng loạt.

Các chuyên gia an ninh lương thực cũng cho biết áp lực về giá có thể sẽ tiếp tục kéo dài.

Katsuhiko Kitahara, một nhà nghiên cứu điều hành tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết sản xuất dự kiến sẽ không phục hồi hoàn toàn do dịch cúm gia cầm không có dấu hiệu giảm bớt.

Thực trạng trứng khan hiếm đã khiến các chủ nhà hàng và đầu bếp gia đình tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Ví dụ, tập đoàn hải sản khổng lồ Nissui làm món tamagoyaki - món trứng tráng cuộn kiểu Nhật - từ cá minh thái Alaska.

Trong khi đó, công ty thực phẩm địa phương 2foods vào tháng trước cũng đã công bố một phiên bản trứng phủ cơm omurice có tên Ever Egg làm từ các thành phần thực vật như cà rốt và đậu cannellini.

2foods nói rằng họ đã nhận được nhiều câu hỏi hơn về Ever Egg từ các nhà bán lẻ và nhà hàng trong những tháng gần đây.

Tetsuya Torii, đại diện 2foods, chia sẻ: "Sự bùng phát dịch cúm gia cầm toàn cầu hiện nay là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Do đó, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Nhật Bản chú ý và tò mò về các sản phẩm thay thế trứng".

Theo Bảo Hà

Báo Tin Tức

Trở lên trên