Trung tướng công an nói về tinh gọn bộ máy
Bộ Công an đã sáp nhập và xóa bỏ nhiều cục nghiệp vụ thời gian qua. Ảnh minh họa “Chúng ta phải xác định tinh gọn bộ máy sẽ có sự “hy sinh”. Có những cục sáp nhập từ nhiều đầu mối lại, chỉ còn hơn 50 đầu mối cấp cục so với trước đây là hơn 100, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn".
Đó là nhận định của Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) trên TTXVN, khi nói về việc tinh gọn bộ máy Bộ Công an thời gian vừa qua.
Tướng Ngọc Anh cho rằng Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là nghị quyết mang tính lịch sử để chỉ đạo lực lượng CAND đổi mới tổ chức.
Bộ máy được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế.
Ngày 6-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 01/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Theo Nghị định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi, tổ chức bộ máy Bộ Công an được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu.
Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã chính thức công bố kế hoạch cắt giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.
Ở cấp địa phương, 20 Cảnh sát PCCC ở địa phương sau một thời gian thành lập, nay cũng được sáp nhập vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Các đơn vị cấp cục sẽ được sắp xếp lại theo nguyên tắc các đơn vị tương đồng về chức năng nhiệm vụ.
Các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có sự phối hợp thì sáp nhập, hợp nhất, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chính.
Cũng tại các đơn vị cấp cục sẽ thực hiện việc giảm các đầu mối đơn vị cấp phòng. Lực lượng Công an cấp xã, thị trấn sẽ được xây dựng theo hướng tinh nhuệ, chính quy.
Nếu tính cả Bộ Công an và địa phương thì có khoảng 800 đơn vị cấp phòng sẽ bị cắt giảm.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cũng cho rằng đây được coi là “một cuộc cách mạng về mặt tổ chức”, không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà còn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
"Tất nhiên chúng ta phải xác định tinh gọn bộ máy như vậy phải có sự "hi sinh".
Có những cục sát nhập từ nhiều đầu mối lại, chỉ còn hơn 50 đầu mối cấp cục so với trước đây là hơn 100, trong khi đó nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn" - Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nói, đồng thời nhấn mạnh, có một yêu cầu rất quan trọng, tinh giản bộ máy nhưng phải đảm bảo hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an ngày tăng hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng phải đảm bảo yêu cầu Công an nhân dân làm nòng cốt trong phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, một trong những đổi mới đáng chú ý nữa là xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy thì trước mắt, bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc sau khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.
"Số Công an viên phải tính toán cho phù hợp vì trong thời gian qua, nhân dân rất biết ơn lực lượng Công an xã, họ ở ngay gần sát với nhân dân, "thở hơi thở cùng nhân dân", thường xuyên lo lắng trật tự an ninh trên địa bàn cơ sở.
Nay chúng ta bố trí Công an chính quy về cơ sở thì phải làm như nào để có mối quan hệ tốt với chính quyền, đảng ủy địa phương, ban, ngành, đặc biệt kết hợp tốt lực lượng trị an tại cơ sở với Công an chính quy.
Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng" - Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nói.
Pháp luật TPHCM