MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước khi áp dụng quy định mới về lãi suất từ 13/5, lãi suất huy động của các ngân hàng đang như thế nào?

12-05-2020 - 17:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ ngày mai (13/5), các ngân hàng sẽ công bố biểu lãi suất mới, bắt buộc điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và không ngoài khả năng lãi suất kỳ hạn dài cũng giảm theo.

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước tuần cuối tháng 4, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.

So với hồi đầu năm, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm đáng kể. Trước đó, theo NHNN, tuần đầu năm 2020, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.

Mặc dù nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm, nhưng tại một số ngân hàng, lãi suất vẫn ở mức cao (trên 8%/năm), chủ yếu áp dụng cho tiền gửi online hoặc các khoản tiền gửi lớn hàng trăm tỷ. Thậm chí có nơi niêm yết lãi suất cao nhất lên đến 9,2%/năm.

Cụ thể, tại SHB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng với số tiền trên 500 tỷ đồng lên tới 8,9%/năm và 9,2%/năm. Nếu không có số tiền "khủng" như trên, khách hàng tại nhà băng này vẫn có thể được hưởng lãi suất trên 8%/năm khi mua chứng chỉ tiền gửikỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.

Tương tự, tại ABBank, lãi suất 13 tháng lên tới 8,3%/năm, áp dụng cho trường hợp gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên.

Tại SCB, ngân hàng niêm yết lãi suất trên 8%/năm khi gửi tiền từ 1,5 tỷ, kỳ hạn 13 tháng trở lên. Thậm chí, với số tiền gửi từ 10 tỷ trở lên, lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng tại ngân hàng này lên tới 8,76%/năm.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng không yêu cầu phải gửi với số tiền hàng trăm tỷ, vẫn có lãi suất cao. Chẳng hạn, NamABank áp dụng lãi suất từ 8%/năm đối với tiền gửi online kỳ hạn 6 tháng trở lên. Nhiều ngân hàng khác như PVCombank, CBBank, NCB,…cũng có lãi suất tiền gửi xấp xỉ 8%/năm cho đến 8,3%/năm.

Theo quy định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về thay đổi lãi suất điều hành, từ ngày mai (13/5), hàng loạt ngân hàng sẽ phải áp dụng biểu lãi suất huy động mới, theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. 

Mặc dù chỉ áp trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng nhiều khả năng lãi suất trung hạn, dài hạn cũng giảm theo. Trước đó, trong đợt cắt giảm lãi suất từ ngày 17/3 của NHNN, không chỉ lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất kỳ hạn dài cũng đồng loạt giảm mạnh tại nhiều ngân hàng, mức điều chỉnh phổ biến khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm. 

Thu Thủy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên