Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đang hoạt động thế nào trước đề xuất ngừng toàn bộ nhà máy nhường khí cho sản xuất điện
Lợi nhuận của 2 “ông lớn” ngành phân bón đã bước qua đỉnh lịch sử, kết quả quý 1/2023 cho thấy những con số kém sắc.
- 20-05-2023Khối ngoại có tuần mua ròng mạnh trên TTCK Việt Nam, giao dịch đột biến nghìn tỷ tại một 1 cổ phiếu
- 20-05-2023Một doanh nghiệp chuyên đồ ăn đóng hộp chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%
- 20-05-2023Thách thức bủa vây ngành dệt may: Loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận giảm sâu, số lượng lao động ngày một "teo tóp"
Trong bối cảnh công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bất ngờ đề nghị PVN, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6). Trong đó, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
Việc ngừng hoạt động toàn bộ nhà máy đạm sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của 2 "ông lớn" ngành phân bón. Khi mà bộ đôi doanh nghiệp này cũng đang phải trả qua những ngày tháng kinh doanh ảm đạm.
Lợi nhuận về mức thấp nhất 8 quý
Sau năm 2022 bội thu, DCM và DPM đã bước qua đỉnh lợi nhuận và phải đối diện với nhiều thách thức ngay từ đầu năm 2023. Giá Ure thế giới giảm mạnh, dù đã hồi phục đôi chút so với đầu tháng 4, song vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Nếu so với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 66%.
Trước bối cảnh đó, kết quả kinh doanh quý 1/2023 của bộ đôi "ông lớn" ngành phân bón đều cho thấy những con số kém sắc, lợi nhuận giảm rất mạnh so với năm trước.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - mã DPM) đạt mức doanh thu thuần 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu trong nước chiếm 80% với 2.619 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, DPM lãi trước thuế 301 tỷ đồng, lãi sau thuế 262 tỷ đồng, giảm 88% so với mức lãi kỷ lục của cùng kỳ năm 2022, đồng thời là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Công ty cho biết, giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón quý 1/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán ure giảm 44%) đồng thời giá khí tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận quý 1 giảm.
Cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - mã CK: DCM) ghi nhận doanh thu đạt 2.819 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. DCM cũng báo lãi sau thuế quý 1/2023 giảm mạnh 85% so với cùng kỳ 2022, mức lãi thấp nhất trong vòng 8 quý, kể từ quý 1/2021.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu bán hàng của công ty mẹ giảm hơn 34% do giá bán phân bón giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm Ure quý 1/2023 giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn và chi phí bán hàng tăng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp.
Về sản lượng, nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt mức sản lượng kể từ đầu năm đến nay đạt khoảng 480 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 273 nghìn tấn. Về kinh doanh, các dòng sản phẩm chính cũng được tiêu thụ theo kế hoạch đề ra với tổng sản lượng khoảng 230 nghìn tấn phân bón và hóa chất, riêng Đạm Phú Mỹ tiêu thụ được khoảng 170 nghìn tấn. Đồng thời, DPM đang triển khai các phương án điều độ hàng một cách linh hoạt, kịp thời nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu cao điểm của vụ hè thu/mùa mưa.
Riêng với Đạm Cà Mau, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp sản xuất gần 245 nghìn tấn ure và gần 34 nghìn tấn NPK. Về tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ trong quý 1 đạt 223 nghìn tấn Ure, chủ yếu được tiêu thụ trong nước; ngoài ra phân NPK cũng được tiêu thụ 5,5 nghìn tấn.
Mục tiêu lợi nhuận tụt dốc
Dự báo trước những khó khăn, hầu hết các các doanh nghiệp phân bón lớn đều tỏ ra thận trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay, không ngoại trừ bộ đôi DPM và DCM. Chỉ tiêu lợi nhuận giảm rất mạnh so với năm trước, thậm chí thấp hơn con số cả năm 2021.
Năm 2023, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ. So với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 60% về lợi nhuận.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở giá ure năm 2023 dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Trong đó, tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Ngoài ra, một số tín hiệu cho thấy 1 trong 2 quốc gia là Nga và Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón (nguyên nhân khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá phân bón tăng mạnh trong năm qua).
Tương tự, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch cho năm 2023 với các chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm mạnh. Theo đó, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.459 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.461 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 68% so với thực hiện năm trước.
Thực tế, hai doanh nghiệp phân bón này vẫn có thói quen lên kế hoạch thấp để dễ về đích và tuỳ theo tình hình thực hiện để điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh vào cuối năm. Dù vậy, không thể phụ nhận rằng những khó khăn đang hiện hữu ngày càng rõ ràng đối với ngành phân bón thời gian tới.
Cổ phiếu trồi sụt, dần "trôi" về đáy
Trên sàn chứng khoán, DPM sau khi hồi phục 30% kể từ đáy giữa tháng 11/2022, cổ phiếu này lại chứng kiến nhịp điều chỉnh khá dài từ đầu năm đến nay. Thị giá chốt phiên 19/5 ở mức 32.150 đồng/cp chỉ còn cao hơn 3% so với đáy 6 tháng trước đó. Nếu tính từ đỉnh hồi tháng 4 năm ngoái, DPM đã mất đi một nửa giá trị, tương đương vốn hoá cũng "bốc hơi" 12.000 tỷ đồng.
Thậm chí, thị giá DCM còn lao dốc một mạch kể từ đỉnh hồi cuối quý 1/ 2022 xuống giao dịch quanh vùng đáy 20 tháng từ đầu tháng 3/2023. Cổ phiếu DCM kết phiên 19/5 tại mức 23.550 đồng/cp, tương ứng giảm 11% so với thời điểm đầu năm. Nếu tính từ đỉnh cuối tháng 3/2022, DCM đã mất đi hơn 48% giá trị.
Trong một báo cáo ngành phân bón, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành phân bón kỳ vọng giá urê đã chạm đáy vào nửa đầu 2023. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu urê cao hơn và hạn chế đà giảm giá của urê cũng như duy trì giá ổn định trong những tháng tới.
Với Đạm Phú Mỹ (DPM), VCSC dự báo riêng năm 2023, LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số có thể giảm 69% khi giá bán trung bình của urê giảm 39% so với cùng kỳ.
Trong khi đó với Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), nhóm phân tích dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 giảm 69% so với cùng kỳ chủ yếu do giá bán urê trung bình giảm 38% và sản lượng bán đạt 850.000 tấn (đi ngang so với năm 2022). Sang năm 2024, VCSC kỳ vọng chi phí khấu hao giảm 56% sẽ bù đắp cho giá bán urê trung bình giảm 13%, hỗ trợ LNST sau lợi ích CĐTS tăng 10% so với cùng kỳ.
Nhịp sống thị trường