MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước khi gặp “sự cố” của cà phê Wake-up, Vinacafe Biên Hòa đã thay đổi như thế nào dưới bàn tay của Masan?

07-10-2017 - 10:59 AM | Doanh nghiệp

Sau khi “về tay” Masan từ cuối năm 2011, Vinacafe Biên Hòa lần đầu tiên đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 1.000 tỷ đồng vào năm 2014. Tình hình kinh doanh tiếp tục tươi sáng cho đến khi gặp khó vào năm nay.

Mới đây, sự kiện Công ty TNHH Thương mại Hong Lee ra thông báo thu hồi sản phẩm cà phê hòa tan Wake-up do các sản phẩm này chứa chất gây dị ứng từ sữa nhưng chưa được công bố đã khiến người tiêu dùng Việt Nam dậy sóng.

Mặc dù sau đó, đại diện doanh nghiệp đã lên tiếng cho biết bản chất sự việc là trong lô hàng 4.300 thùng của nhà nhập khẩu Hong Lee Trading có 100 thùng hàng thiếu nhãn cảnh báo 'sản phẩm chứa nguyên liệu có nguồn gốc từ sữa', nhưng số đông người tiêu dùng vẫn tiếp cận thông tin này với suy nghĩ cà phê Wake-up kém chất lượng.

Theo đó, chiến dịch quảng cáo gây bão năm ngoái “Từ ngày 1/8 trong mỗi ly cà phê của Vinacafe là cà phê nguyên chất” được khơi lại và cái tên Masan lại được đem ra bàn tán bởi lẽ cà phê hòa tan Wake-up là một sản phẩm của CTCP Vinacafe Biên Hòa – công ty con của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (MSN).

Vinacafe Biên Hòa đã ra sao dưới bàn tay của Masan?

Vinacafe Biên Hòa tiền thân là nhà máy cà phê Coronel, ra đời từ năm 1969. Cùng với nhiều thăng trầm của lịch sử, đây chính là đơn vị đã tạo ra thương hiệu Vinacafe và đưa thương hiệu này vươn ra tầm quốc tế trước khi về với Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) vào năm 1988. Khi tiến hành niêm yết trên sàn HOSE, Tổng công ty cà phê là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 50% vốn cổ phần của Vinacafe Biên Hòa.

Tháng 10/2011, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) thông báo đã hoàn tất việc mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ của CTCP Vinacafe Biên Hòa. Masan thâu tóm Vinacafe Biên Hòa là câu chuyện nổi tiếng trong năm đó cùng với quá trình tăng giá phi mã của cổ phiếu VCF.

Thực tế Masan đã xuất hiện tại doanh nghiệp cà phê này từ những năm 2006 – 2007 với tỷ lệ sở hữu chưa đến 8%. Tham vọng tăng tỷ lệ sở hữu của Masan chưa thể thực hiện, một phần do giá cổ phiếu VCF bị đẩy lên quá cao. Nhưng trong suốt thời gian từ đó đến năm 2011, Masan đã âm thầm chuẩn bị kế hoạch mua Vinacafe Biên Hòa và chờ cổ đông lớn của VCF thoái vốn.

Trong các năm sau này, Masan tiếp tục mua thêm cổ phiếu VCF, lần cuối là khi Tổng công ty cà phê (Vincafe) thoái vốn và hiện tại Masan Beverage đang nắm 68,5% cùng Gaoling Fund nắm 23,33%.

Nhìn chung, sau khi “về tay” Masan từ cuối năm 2011, tình hình kinh doanh của Vinacafe Biên Hòa tiếp tục tăng trưởng tích cực trước khi gặp khó vào nửa đầu năm nay. Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2016, doanh thu của VCF tăng liên tục với mức tăng trưởng bình quân 17%. Riêng năm 2012, doanh thu tăng 33% so với năm 2011, lần đầu tiên vượt qua con số 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2016, doanh thu đã lên đến 3.310 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp là con số cải thiện rõ nét nhất khi tăng từ 15% qua các năm và đạt 36% trong 2 năm 2014 và 2016. Năm 2014, lần đầu tiên lợi nhuận gộp đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian đó, lợi nhuận sau thuế tăng từ 211 tỷ đồng năm 2011 lên đỉnh 400 tỷ đồng vào năm 2014. Năm 2015, lợi nhuận giảm gần 30% nhưng đã tăng trở lại và đạt hơn 380 tỷ đồng vào năm 2016.

Tuy nhiên, kế hoạch đặt ra cho năm 2017 suy giảm. Doanh thu thuần mục tiêu năm 2017 là 3.300 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu năm 2017 là 380 tỷ đồng, giảm 1 tỷ đồng so với thực hiện năm 2016.

Lý giải cho kế hoạch kém sắc này, lãnh đạo công ty cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào như cà phê nhân tăng mạnh so với 5 năm trở lại đây cộng với hạn hán mất mùa tại Daklak, Sơn La những vùng nguyên liệu chính về cà phê của VCF. Điều này đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó mua nguyên liệu, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ lãi gộp và tỷ suất lợi nhuận sau thuế.

Đặc biệt, chính sách tái cơ cấu tồn kho tại Hệ thống phân phối, chuyển đổi mô hình bán hàng từ đẩy sang kéo được xác định sẽ làm sụt giảm doanh thu trong sáu tháng đầu năm 2017. Quả thực, trong nửa đầu năm nay, doanh thu của VCF đạt hơn 1.270 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ đạt 30,6 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ 2016 do ảnh hưởng từ kết quả thua lỗ quý 1.

Linh Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên