Trước khi lên sàn, Vietnam Airlines báo lãi 9 tháng bằng tổng lợi nhuận 9 năm trước cộng lại
Với chỉ 1% lượng cổ phiếu lưu hành tự do, nhiều khả năng cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ “thăng hoa” như cổ phiếu Habeco sau khi lên sàn.
Tiếp bước Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn Upcom.
Việc cổ phiếu ACV tăng tới 200% chỉ sau 1 năm kể từ ngày IPO – từ 14.400 lên trên 40.000 đồng/cp đã ít nhiều tạo cú hích cho cổ phiếu Vietnam Airlines trên thị trường OTC. Trước thời điểm chốt danh sách cổ đông để lên sàn, giá Vietnam Airlines đang dao động quanh mức 42-43.000 đồng/cp – gấp đôi so với thời điểm IPO vào cuối năm 2014.
Tuy nhiên, sự tăng giá của cổ phiếu Vietnam Airlines không đơn thuần chỉ là hiệu ứng “ăn theo” ACV mà còn đến từ kết quả kinh doanh đã có sự chuyển biến đáng kể so với cách đây 2 năm.
Năm 2014, Vietnam Airlines đạt 724 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lãi ròng sau khi trừ đi thuế nhập và lợi ích cổ đông thiểu số chỉ còn 164 tỷ đồng.
Sang năm 2015, nhờ giá xăng dầu giảm đáng kể, lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đúng ra đã lớn hơn con số 1.050 tỷ đồng rất nhiều nếu như không chịu đáng động lớn bởi lỗ tỷ giá.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, với một loạt yếu tố thuận lợi như lượng khách tăng trưởng cao, giá nhiên liệu giảm mạnh cũng như tỷ giá ổn định, Vietnam Airlines đã công bố mức lợi nhuận cao kỷ lục: Lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.900 tỷ đồng, gần gấp 3 lần cả năm 2015.
Lãi ròng 9 tháng đạt 2.400 tỷ đồng, gần gấp 5 lần cả năm 2015.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, lãi ròng 9 tháng đầu năm 2016 của Vietnam Airlines tương đương với tổng lợi nhuận của 9 năm trước đó (2007-2015).
Tiềm năng tăng giá từ cơ cấu cổ đông cô đặc
Vietnam Airlines hiện có vốn điều lệ 12.275 tỷ đồng, tương ứng gần 1,23 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp khá cô đặc với việc Bộ Giao thông Vận tải sở hữu 86,16% vốn; Cổ đông chiến lược ANA Holdings, tổ chức công đoàn cùng 2 ngân hàng Techcombank và Vietcombank sở hữu 12,74% vốn.
Còn lại 1,1% cổ phần – tương ứng hơn 13,5 triệu cổ phiếu tự do giao dịch.
Khi lên Upcom vào cuối tháng 10/2016, cổ phiếu BHN của Habeco cũng tăng nóng khi chỉ có chưa đến 1% cổ phần, tương ứng 2,3 triệu cổ phiếu lưu hành tự do.
Trí Thức Trẻ