MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước khi lên thành phố, vùng đất ven biển này có gì đặc biệt?

22-09-2021 - 10:00 AM | Bất động sản

Trước khi lên thành phố, vùng đất ven biển này có gì đặc biệt?

Theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, La Gi đang quyết tâm hoàn thiện quy hoạch chi tiết và triển khai quy hoạch để đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố trước năm 2025.

Không chỉ  Phan Thiết, Mũi Né, thị trường mới như La Gi cũng gia nhập đường đua bất động sản tại Bình Thuận. Với định hướng trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ - giải trí phía Nam Bình Thuận, La Gi ngày đang có sức bật mạnh mẽ về hạ tầng. 

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 2474/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển Tân Thành - La Gi nhằm bám sát chủ trương quy hoạch đô thị mới, thực hiện trọng tâm phát triển du lịch biển.

Đặc biệt, với việc dải đất dọc bờ biển khu vực này được quy hoạch hoàn toàn để phát triển du lịch, đồng thời liền kề đó là diện tích dành cho đất ở hỗn hợp. Như vậy, với tổng tỷ lệ đất sử dụng cho du lịch và thổ cư lên đến 70% quỹ đất toàn vùng phía Nam Phan Thiết, chắc chắn trong tương lai nơi đây sẽ hình thành đại đô thị du lịch biển với hàng loạt các tổ hợp  du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng đỉnh cao tương tự như cung đường Trần Phú (Nha Trang), đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng).

Sau khi nghiên cứu thủy văn, các tiêu chí về xây dựng, khai thác du lịch, giao thông kết nối, khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư,… lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã thống nhất chọn vị trí xây dựng các bến du thuyền tại 19 điểm trên địa bàn có khả năng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Theo đó, TP. Phan Thiết sẽ có 7 bến du thuyền, Tuy Phong, Bắc Bình, La Gi có 3 bến ở mỗi huyện, thị, Hàm Tân có 1 bến.

Thời điểm này, tại Bình Thuận hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm như: sân bay Phan Thiết, đường ven biển DT719, DT719B, DT 711, cao tốc và các tuyến đường kết nối cao tốc,… đang được đẩy nhanh tiến độ. Trên thực tế, những công trình này đều kết nối đến La Gi tạo "bệ phóng" đưa đô thị này lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.

Mặt khác, để phát triển thị xã thành đô thị phía Nam theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch. La Gi cũng đề nghị đưa vào kế hoạch nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55 để nối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đưa vào quy hoạch kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối với đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đề nghị các ngành sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thì cho rằng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng, La Gi còn thiếu các dự án du lịch, khu dân cư ven biển chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân. Với quỹ đất còn khá lớn, trong khi thị trường nghỉ dưỡng ở Mũi Né đã bị lắp đầy và rơi vào bão hòa, thì La Gi đang nổi lên là một điểm đến mới mà các nhà đầu tư lựa chọn.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn thị xã La Gi có khoảng 20 dự án du lịch - nghỉ dưỡng đang triển khai đầu tư và xây dựng. Đáng chú ý như Fusion Alya La Gi, Casalle Hills La Gi, Khu dân cư La Gi Pearl, La Gi Longbeach, Lagi New City... 

Trong đó, Lagi New City quy mô 43,4ha do Tập đoàn Danh Khôi và DKRA Vietnam phát triển được quy hoạch theo mô hình phức hợp đô thị thương mại dịch vụ & du lịch biển sở hữu 1,6km mặt tiền biển với pháp lý sổ đỏ sở hữu lâu dài. Đây cũng là dự án quy mô đầu tiên tại Lagi phát triển theo mô hình thành phố cảng biển nổi tiếng trên thế giới như Marseille (Pháp), Pattaya (Thái Lan) với 4,2ha cho cảnh quan, tiện ích nội khu và 4ha cho thương mại, dịch vụ.

Theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, La Gi hấp dẫn giới đầu tư nhờ sở hữu vị trí trung tâm của tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam kéo dài từ thành phố Vũng Tàu đến Mũi Né và hưởng lợi lớn từ lực đẩy hạ tầng của tỉnh. Nhất là thị xã này đang phấn đấu phát triển nhanh, mạnh để đạt được các chỉ tiêu trở thành "thành phố thứ 2" của Bình Thuận sau Phan Thiết.

"Không nằm ngoài quy luật của thị trường, hạ tầng đi đến đâu, bất động sản sẽ hưởng lợi đến đó. Từ giữa năm 2018 đến nay, Bình Thuận được xem là nơi hút dòng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đổ vào bất động sản. Mở cao tốc, xây sân bay, đặt bến du thuyền,… khiến bất động sản toàn thị trường Bình Thuận tăng giá liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại", bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhận định.

Tuấn Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên