MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 điều ai cũng phải tích lũy để về già sống vui vẻ: Càng gom nhặt sớm, càng an nhàn nhiều

07-11-2018 - 23:55 PM | Sống

Tuổi 50 là tuổi đã “toan về già”, trong cuộc chiến mưu sinh khốc liệt, dù theo đuổi đam mê hay vật chất, ai rồi cũng sẽ cảm thấy đuối sức và sợ hãi khi nghĩ đến viễn cảnh đương đầu bệnh tật, cùng với nỗi cô đơn buồn chán.

Không một ai có thể tránh khỏi quy luật "sinh lão bệnh tử" của cuộc đời. Tuổi thanh xuân đam mê và nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp cũng sẽ qua. Nhưng cuộc sống thật sự viên mãn hay không phụ thuộc vào khoảng thời gian khi chúng ta bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời, gạt bỏ những lo âu để tận hưởng cuộc sống quý giá với nguồn năng lượng tích cực.

Ở tuổi 50, dù bạn đã có vị trí cao trong công ty nhưng cuộc sống không nói trước được điều gì, biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào khiến bạn lâm vào khủng hoảng và bế tắc. Thực tế cho thấy những người ở độ tuổi 50 khó thể bắt đầu lại hoặc tìm kiếm một công việc tương đương, không giống như khi bạn 20, 30 tuổi. Tệ hơn nữa, công việc chỉ đều đều không lên không xuống khiến bạn buồn chán, trì trệ và dễ dàng bị lớp trẻ kế tiếp "đào thải" đến mức không thể ngóc đầu lên.

Nếu không có sự chuẩn bị cho riêng mình thì sau tuổi 50, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về công việc, sức khỏe, gia đình… Đời người chỉ mấy chục năm ngắn ngủi, trước khi bước sang tuổi 50, hãy rèn luyện cho bản thân một tâm thế ổn định và tuân theo cách sống: "Nghĩ thông, nhìn thoáng, buông bỏ!"

1. Tích lũy tình bạn

Bước sang ngưỡng tuổi trung niên, người ta sợ nhất chính là sự cô đơn, lẻ loi. Khi đó, bạn bè chính là đại diện cho sự giàu có của mỗi con người. Tình bạn kéo dài 20 năm là tri kỷ, tình bạn đến năm 50 tuổi lại càng trân quý hơn. Về già, người ta gặp được bạn bè sẽ thấy vui mừng tự đáy lòng, tùy tiện nói chuyện gì cũng được, chỉ cần là nói chuyện phiếm với nhau. Nhưng mấy ai có thể giữ được tình bạn sau nhiều năm như vậy?

Cuộc sống phức tạp khó kiếm được tình bạn đơn thuần để tin cậy và dựa dẫm. Một khi đã có trong tay thì phải gìn giữ bằng sự chân thành, nhân phẩm và lòng khoan dung. Nếu bạn chưa có một vài người bạn tri kỉ như thế, vậy thì hãy dụng tâm tích lũy và xây dựng mối quan hệ ngay từ lúc này.

10 điều ai cũng phải tích lũy để về già sống vui vẻ: Càng gom nhặt sớm, càng an nhàn nhiều - Ảnh 1.

Tình bạn phải được tích lũy bằng sự chân thành, nhân phẩm và sự khoan dung.

2. Học cách buông tay

Thời gian trôi qua, bạn sẽ phải học cách buông bỏ một người nào đó, một điều gì đó hoặc một hiện thực nào đó. Buông bỏ đối với những người ở tuổi trung niên không phải là sự yếu đuối, bất lực mà là thỏa hiệp. Bạn không cần phải giãy giụa trong đau khổ nữa mà hãy chọn cách tìm lối thoát cho riêng mình.

Nếu bạn đã suy nghĩ một chuyện thật lâu mà vẫn rối bời như cũ thì nên chấp nhận buông bỏ. Nếu đã đi trên một con đường rất lâu mà không thấy hi vọng tươi sáng thì nên thay đổi hướng đi. Nếu tiêu chuẩn sống mà bạn kiên trì bấy lâu đã khiến bạn mệt mỏi thì nên thay đổi. Buông bỏ để trái tim được bình yên, thanh thản và bắt đầu lại từ đầu với cái tôi hoàn toàn mới, chỉ cần có lòng tin, dũng khí và nỗ lực.

3. "Gieo mầm" lương thiện

Không cần đợi đến khi giàu có mới làm việc thiện, chỉ một hành động nhỏ giúp đỡ người khốn khó trong cơn hoạn nạn cũng là gieo hạt giống lương thiện. Gieo trồng yêu thương, bạn sẽ gặt hái yêu thương. Hạt giống ấy sẽ nở hoa và hương thơm của nó không chỉ dành riêng cho người trồng mà còn có sức mạnh lan tỏa và cảm hóa cả những trái tim lạnh lẽo, vô lương. Có thể, người làm viện thiện không màng báo đáp nhưng vào một thời điểm nào đó, ở một hoàn cảnh nào đó thì trời xanh tự có an bài.

Phật giáo cho rằng, những gì bạn đang gánh chịu bây giờ đều là do bạn đã khởi tâm động niệm mà thành. Những gì bạn có trong tương lai đều là do từng hành vi cử chỉ bây giờ tạo nên. Vậy nên, thiện lương với người khác cũng là thiện đãi với chính mình.

10 điều ai cũng phải tích lũy để về già sống vui vẻ: Càng gom nhặt sớm, càng an nhàn nhiều - Ảnh 2.

4. Lắng nghe âm nhạc chữa lành tâm hồn

Âm nhạc là loại trải nghiệm vô hình có thể gây xúc cảm mạnh mẽ khiến người nghe thay đổi về ý thức và tâm trạng. Khi lòng mệt mỏi, hãy học cách chơi một loại nhạc cụ nào đó hoặc lắng nghe vài bản nhạc hay, để gột rửa tâm hồn và mở ra miền ký ức đem đến cho bạn cảm giác bình yên.

Khoa học cũng chứng minh, âm nhạc là một trong những liệu pháp phục hồi hiệu quả mà những phương pháp điều trị khác có thể không làm được. Ngoài ra, bạn có thể nuôi dưỡng những sở thích khác như nấu ăn, chụp ảnh hoặc sưu tầm để cuộc sống thêm nhiều dư vị.

5. Tránh xa 2 nỗi khổ nhân gian

Đã ở trong kiếp nhân sinh nhất định phải trải qua 2 nỗi khổ, một là nỗi khổ vì không có được, hai là khổ vì thứ tình cảm không thuộc về mình.

Nỗi khổ thứ nhất được gọi là cầu bất đắc khổ, đau khổ vì có được rồi lại mất đi và mong muốn mà không thể có được. Người có lòng tham tất có khổ, tâm không tham thì hết khổ, không cầu tự nhiên khổ cũng không tìm đến.

Với nỗi khổ thứ hai, khi bạn đã trải qua nửa đời người thì không nên tiếp tục đau khổ vì thứ tình cảm không thuộc về mình. Tình yêu tuổi trung niên khác với tình yêu tuổi trẻ, không mơ mộng viển vông mà cần chân thực. Có được là điều hạnh phúc nhưng không có được cũng không nên cưỡng cầu. Thay vào đó, bạn phải gạt bỏ thứ tình cảm này ra khỏi tâm trí, dọn sạch trái tim dành chỗ cho những điều khác xứng đáng hơn.

6. Học cách chấp nhận

Tuổi trẻ, ai cũng có khát vọng và vẽ ra dự định 10 năm, 20 năm cho tương lai rồi lại sống trong cái bóng của sự kì vọng. Khi những kế hoạch vẫn chưa được thực hiện hoặc thất bại, bạn cảm thấy thất vọng về bản thân và tự nhủ: "lẽ ra mình nên làm thế này, thế kia...". Trước khi mong muốn được thực sự hạnh phúc hoặc hiểu thế nào là hạnh phúc, có một điều đơn giản mà bạn phải làm là: Học cách chấp nhận.

Có những việc bạn phải vượt qua để trưởng thành, vấp ngã một lần sẽ khôn hơn một lần. Có những việc bạn phải lặng lẽ chấp nhận và lãng quên; chấp nhận thời gian và năng lượng là có hạn để nhanh chóng đưa ra quyết định cho cuộc đời của mình. Thế giới luôn đổi thay, ngày hôm nay bạn có thể giỏi nhất nhưng ngày mai vị trí đó có thể thuộc về người khác. Trưởng thành rồi, bạn không thể giống như thuở còn nhỏ, cứ gặp chuyện không như ý là vô tư khóc thật to.

10 điều ai cũng phải tích lũy để về già sống vui vẻ: Càng gom nhặt sớm, càng an nhàn nhiều - Ảnh 3.

7. Luôn thể hiện lòng biết ơn

Lòng biết ơn là chất keo kết nối con người với con người. Trong cuộc sống, có rất nhiều lần bạn nhận được sự giúp đỡ của người khác. Dù là người lạ hay người quen thì bạn vẫn mang ơn của họ. Thể hiện lòng biết ơn là cách để chúng ta trân quý những gì đang có, để sống tích cực, vui vẻ và luôn giữ được tâm an đón nhận mọi điều xảy đến.

8. Giữ "lửa yêu" trong công việc

Công việc là thước đo trí tuệ và năng lực của một người trưởng thành để bộc lộ giá trị cũng như thành tựu của bản thân. Những người yêu công việc thường là những người thành công, có địa vị và quyền lực xã hội.

9. Không ngừng học tập

Muốn trở thành một người có trí tuệ uyên bác và cuộc sống khá giả những năm 50 tuổi thì ngay từ bây giờ, bạn phải chăm chỉ học tập và rèn luyện. Việc học không bao giờ là muộn với bất kì ai, ở độ tuổi nào. Đừng tự cho mình là giỏi mà lười biếng và bảo thủ. Rõ ràng, những doanh nhân hàng đầu thế giới dù đã 50, 60 tuổi vẫn duy trì thói quen đọc sách vài giờ mỗi ngày. Đọc sách là cách đơn giản nhất dẫn đến con đường trí tuệ. Mỗi năm, hãy quy định bản thân phải đọc ít nhất 30 cuốn sách.

10. Hưởng thụ việc vận động

Đã bao giờ bạn nhìn thấy một ai đó ngoài 50 tuổi và thầm nghĩ: "Mình cũng muốn trông giống như thế khi ở tuổi đó"? Nguyên nhân phổ biến kéo theo hầu hết các loại bệnh tật chính là lười vận động, không tập luyện thể dục thể thao. Nếu không tích cực vận động và duy trì lối sống lành mạnh, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng dung mạo, tinh thần cũng như sức khỏe của bản thân suy giảm dần theo thời gian.

Chú ý đến việc tập luyện thường xuyên để tránh nguy cơ tiềm ẩn bệnh khi bước sang giai đoạn cao tuổi. Chỉ cần 10 phút tập thể dục mỗi ngày cũng giúp não bộ giải phóng thêm nhiều endorphins kích thích tâm trạng vui vẻ, sáng khoái và cải thiện chất lượng sống.

Nguyễn Nguyễn

Tổng Hợp

Trở lên trên