Trước nguồn tiền lớn: Cửa mở cho ngân hàng cổ phần?
Cánh cửa tiếp cận nguồn tiền lớn có thực sự mở ra cho các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân?...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước. “Lực hấp dẫn” đối với các ngân hàng thương mại trong nghị định này là cơ chế tiền gửi nhàn rỗi.
Cụ thể, Nghị định 24 nêu rõ cơ chế: “Gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó, ưu tiên gửi tại ngân hàng thương mại có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn”.
Nếu thực hiện theo đúng cơ chế trên, tính chất gần như độc quyền về tiền gửi nhàn rỗi của ngân quỹ Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước suốt nhiều năm qua có thể bị xóa bỏ.
Các ngân hàng thương mại, không phân biệt thành phần, nếu có mức độ an toàn cao, khả năng thanh khoản tốt và có mức lãi suất cao về lý thuyết quy định trên sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn từ ngân quỹ Nhà nước nhàn rỗi.
Suốt nhiều năm qua và cho đến nay, loại tiền gửi trên có quy mô lớn, chỉ tập trung gửi ở các ngân hàng thương mại nhà nước, như một “đặc quyền”, lợi thế riêng.
Tại các hội nghị ngành ngân hàng, hay phát biểu của những người trong cuộc, từ các chuyên gia, nguồn tiền gửi trên cùng cơ chế “đặc quyền” đó là một phần của sự mất cân bằng trong tiếp cận các nguồn vốn, liên quan là sức cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh, giữa các thành viên trong hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước đều đặn ghi nhận hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân quỹ Nhà nước nhàn rỗi tại mỗi thành viên; tuyệt nhiên các ngân hàng thương mại cổ phần không tiếp cận được nguồn vốn này.
Là nguồn tiền gửi tương đối ổn định, quy mô lớn, cũng như lượng lớn ở dạng tiền gửi không kỳ hạn, có lãi suất dễ chịu hơn, góp phần nhất định giúp các ngân hàng thương mại nhà nước bình quân giá vốn để cạnh tranh trên thị trường.
Nay, với quy định cụ thể trên tại Nghị định 24 vừa ban hành, ít nhất các tiêu chí để gửi nguồn vốn nhàn rỗi này đã xác định khá cụ thể, tạo khả năng có thể mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần.
Cụ thể, chiếu theo quy định trên, nếu ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn đều có thể tiếp cận (về lý thuyết).
Lãi suất cao hơn là khả năng cạnh tranh bất kỳ giữa các ngân hàng thương mại, nhưng tiêu chí an toàn cao hơn và thanh khoản tốt hơn sẽ là sự sàng lọc rõ ràng.
Các tiêu chí an toàn và thanh khoản cũng dễ dàng xác định theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 36 quy định các tỷ lệ và giới hạn an toàn trong hoạt động các tổ chức tín dụng là cơ sở để xác định, như về tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR)…
Nếu làm rõ ràng các tiêu chí trên, hiện có những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể vượt qua các ngân hàng thương mại nhà nước, như về tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ LDR… để cạnh tranh nhận được nguồn tiền gửi trên.
Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định 24 vẫn còn ở phía trước, phải chờ đến thời điểm 1/1/2017. Dù sao thì đây cũng là một khoảng thời gian cần thiết để các “ứng viên” khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nâng cao hơn nữa các tiêu chí nói trên để cạnh tranh.
Nếu đến 1/1/2017, có ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thực sự tiếp cận được nguồn tiền gửi này, “thế độc quyền” của khối ngân hàng thương mại nhà nước sẽ bị phá vỡ.
Cũng theo Nghị định 24, việc gửi tiền ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi sẽ do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước quyết định.
VnEconomy