MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trước thềm 2020] Tỷ lệ an toàn vốn CAR của các ngân hàng hiện nay ra sao?

05-09-2019 - 16:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Số ngân hàng công bố tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Thông tư 41 chỉ đếm được trên đầu ngón tay...

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng đến năm 2020, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB. Thế nhưng, đến nay, trong 10 ngân hàng thí điểm mới có Vietcombank, VIB, MBBank, ACB, VPBank, Techcombank, MSB và 2 ngân hàng khác nằm ngoài danh sách thí điểm là OCB, TPBank hoàn tất việc áp chuẩn Basel II.

Có 2 văn bản quan trọng do NHNN ban hành để hướng dẫn cụ thể việc triển khai Basel II là Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn và Thông tư 23/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ. Theo thông tư 41, các ngân hàng sẽ phải thường xuyên duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức trên 8%.

Bên cạnh các kết quả kinh doanh lời lãi, nợ xấu,…hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng ngày càng được nhà đầu tư quan tâm hơn. Việc công bố rộng rãi hệ số CAR của một số ngân hàng cũng trở nên thường xuyên hơn trong thời gian qua.

Vietcombank cho biết tỷ lệ an toàn vốn CAR cuối quý 2/2019 của nhà băng này là 9,81%, giảm nhẹ so với mức 9,85% cuối quý 1/2019. Vietcombank cho biết đã áp dụng cách tính CAR theo chuẩn Basel II của thông tư 41 từ 1/1/2019. Trước đó, CAR cuối năm 2018 của Vietcombank (tính theo TT36) là 10,54%.

Cùng với Vietcombank, VIB là ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận áp dụng chuẩn Basel II từ 1/1/2019. Được biết, tại ngày 30/6/2019, hệ số CAR được tính theo Thông tư 41 của VIB đạt 9,2%.

[Trước thềm 2020] Tỷ lệ an toàn vốn CAR của các ngân hàng hiện nay ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp

Hệ số CAR cuối quý 2/2019 tại ACB ở mức 11,7%, giảm nhẹ so với mức 12% cuối quý 1/2019 và 12,8% cuối năm 2018. Trong số ngân hàng công bố thông tin về tỷ lệ an toàn vốn, CAR của ACB hiện ở mức cao nhất. Tổng tài sản rủi ro cuối tháng 6 là 175 nghìn tỷ, tăng 6,7 nghìn tỷ, tương đương 4% so với quý 1/2019. 

Theo thông tin được VPBank cung cấp cho nhà đầu tư mới đây, hệ số CAR của nhà băng này cuối quý 2/2019 là 11,2%, tỷ lệ vốn cấp 1 là 10,5% (tính theo Thông tư 41). Trong khi đó, nếu tính theo Thông tư 36, hệ số CAR của VPBank là 12,3%, tỷ lệ vốn cấp 1 là 11,3%. Có thể thấy, so với yêu cầu 8% theo Thông tư 41, hệ số CAR của VPBank hiện cao hơn khá nhiều. Điều này cũng giúp cho ngân hàng "yên tâm" hơn khi thực hiện kế hoạch mua lại tối đa 10% cổ phiếu quỹ trong thời gian sắp tới mà không làm cho CAR bị giảm xuống quá thấp. 

Vừa được NHNN trao quyết định áp dụng Thông tư 41 từ tháng 5/2019, TPBank cũng đã công bố tỷ lệ an toàn vốn CAR. Cuối tháng 6/2019, tỷ lệ vốn cấp 1 riêng lẻ của ngân hàng này là 9,33%, tỷ lệ an toàn vốn chung là 9,09%. Các tỷ lệ này đều được tính toán theo Thông tư 41. Vốn cấp 1 của ngân hàng hiện đứng ở mức 11.858 tỷ đồng, vốn cấp 2 là hơn 1.000 tỷ; trừ đi các khoản mục giảm trừ khi tính vốn tự có, vốn tự có của ngân hàng là hơn 10.800 tỷ đồng.

Mặc dù đã được chấp thuận áp dụng Thông tư 41 nhưng trong công bố gần đây, hệ số CAR của MBBank vẫn đang được tính theo Thông tư 36. Cuối quý 2/2019, hệ số CAR của ngân hàng cuối quý 2/2019 là 10%, vẫn đang phù hợp với chiến lược của ngân hàng trong việc cân bằng giữa khả năng sinh lời và rủi ro. Lý giải việc CAR thấp hơn năm 2018 (11%), MBBank cho biết nguyên nhân là ngân hàng đã mua lại số lượng cổ phiếu quỹ khá lớn, nhưng đây cũng là nguồn bổ sung quan trọng cho MB trong thời gian tới.

Theo nhà băng này, chiến lược của MB trong quản lý hệ số CAR là phân bổ tài sản theo hướng vừa đảm bảo vùng đệm an toàn vừa sử dụng tối ưu nhất nguồn vốn. Từ tháng 5/2019, MB được NHNN chấp thuận theo chuẩn mực Basel II.

Số ngân hàng công bố tỷ lệ CAR hiện nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, và đều là những ngân hàng đã được chấp thuận áp dụng Thông tư 41, tức có CAR thừa đáp ứng yêu cầu 8% của NHNN. Trong khi đó, tại nhiều ngân hàng khác, việc triển khai áp dụng Thông tư 41 gặp rất nhiều khó khăn do không tăng được vốn, chẳng hạn tại 2 ngân hàng lớn là VietinBank và BIDV, dù đều nằm trong diện 10 ngân hàng thí điểm. 

Trước đó, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, lãnh đạo ngân hàng VietinBank từng cho biết , nếu tính toán theo Thông tư 41, hệ số CAR thực tế đã xuống dưới 8%. Trong khi đó, CAR của BIDV theo Thông tư 36 là 9,01%, chạm ngưỡng quy định 9%. 

Tại báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2019, chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng rằng thương vụ phát hành cổ phiếu KEB Hana Bank của BIDV sẽ sớm được hoàn tất vào cuối năm nay, giúp nhà băng này cải thiện bộ đệm vốn và nhờ đó có thể áp dụng được Basel II. 

Trong khi đó, VDSC đánh giá VietinBank nhiều khả năng không thể đáp ứng Basel II kịp thời hạn. VietinBank là ngân hàng duy nhất trong 3 "ông lớn" chưa tìm được cửa tăng vốn. Hiện Nhà nước đang nắm giữ hơn 64% vốn tại VietinBank trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại đã kín room do đó không thể bán vốn được nữa. Phương án giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng được đề ra nhưng vẫn nằm trong trạng thái "treo". Quyết định 986 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh xuống còn 51%, tuy nhiên, VDSC cho rằng phải ít nhất đến năm 2021 hoặc muộn hơn thì kế hoạch này mới có thể thực hiện được. 

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên