Trước thềm đại hội cổ đông, ngân hàng rộn ràng tin chia cổ tức
Thông tin về việc chia cổ tức ngân hàng đang được cổ đông đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng vẫn ăn nên làm ra trong suốt năm qua, bất chấp đại dịch COVID-19.
- 08-11-2021Kinh tế “rơi thẳng đứng”, đại biểu Quốc hội đề xuất hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp
- 15-07-2021Eximbank lại hoãn họp đại hội cổ đông
- 29-04-2021Đại hội cổ đông ngân hàng thời Covid-19 rình rập
Tài liệu dự thảo cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ngân hàng sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia là 25%. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III năm nay, nâng vốn điều lệ từ 27.019 tỷ đồng lên trên 33.700 tỷ đồng.
ACB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25% lên 15.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI ước tính ACB sẽ đạt 14.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái), nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 16% và 7%.
Trong khi đó, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25-30%, duy trì mức cổ tức từ 20-25% cho cổ đông.
Năm 2021, OCB đã thực hiện tăng vốn từ 10.959 tỷ đồng lên 13.699 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Gần 274 triệu cổ phiếu đã được phát hành ra thị trường, nâng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên gần 1,4 tỷ cổ phiếu.
Còn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB từng chia sẻ sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các kế hoạch liên quan tăng vốn sẽ được MSB trình Đại hội đồng cổ đông thông qua và triển khai trong năm 2022.
Lãnh đạo MSB cũng cho biết mục tiêu lợi nhuận năm 2022 của ngân hàng đặt ra ở mức 6.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 30%, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng; tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước; nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%.
Trong đại hội cổ đông thường niên tới đây, dự kiến kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15% cũng sẽ được Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) trình đến cổ đông.
Năm 2021, SHB đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 10%, năm 2020 với tỷ lệ 10,5% và phát hành thành công cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi 12.500 đồng/cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây đã phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Trong cuộc họp cuối tháng 4 sắp tới, Vietcombank dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2022. Được biết, Vietcombank còn có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư. Vốn điều lệ qua đó nâng lên hơn 50.401 tỷ đồng
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25,7%, nâng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng vừa được hoàn thành. BIDV còn có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Tính đến thời điểm này, mới có Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên và đã thông qua phương án nâng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, VIB sẽ chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Không khó để nhận thấy nhiều ngân hàng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2022 của Công ty chứng khoán MBS ước tính có khoảng 75% hoạt động tăng vốn đến từ việc chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu và khoảng 3% đến từ phát hành ESOP.
Theo giới chuyên gia, các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư công nghệ, cấp tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, Thống đốc chỉ đạo một trong những nhiệm vụ của các ngân hàng trong năm nay là phải giảm chi phí hoạt động, tiết giảm lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền để dành nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Báo tin tức