MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2018, Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) tiếp tục bị cổ đông cũ tố giác

26-09-2018 - 12:27 PM | Doanh nghiệp

Sau khi được tại ngoại, cựu chủ tịch Lê Văn Hướng có chia sẻ nếu được vẫn mong muốn về lại JVC vì với ông đó là "đứa con" đầy tâm huyết. Hiện, ông Hướng không còn liên quan gì kể cả điều hành, kinh doanh hay nắm giữ cổ phiếu JVC.

Ngay sau vụ lùm xùm với khách hàng cũ là Triết Tôn Tiên, mới đây một số cổ đông của Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) cũng vừa có đơn gửi Bộ Công an đề nghị làm rõ hành vi sai phạm của một số lãnh đạo JVC, liên quan đến công tác trích lập dự phòng khống, mua hoá đơn giả để chiếm đoạt tiền mặt...

Cổ đông gần như mất trắng với cổ phiếu

Một cá nhân tên P.V.Tuy cho biết, ông là cổ đông JVC từ thời điểm 2015 đến 2017 với số cổ phần nắm giữ là 25.742 cổ phiếu. Tại thời điểm JVC trích lập dự phòng, ông vẫn còn nắm giữ hơn hàng chục ngàn cổ phiếu nhưng sau đó thấy Công ty có nhiều biến động nên đã phải bán ra, thiệt hại khoảng 90% giá trị.

Trên thị trường, cổ phiếu JVC của Công ty bắt đầu lao dốc không phanh kể từ mức đỉnh hơn 25.000 đồng/cp vào giữa năm 2015. Được biết, đây cũng là thời điểm JVC trên đỉnh cao của sự tăng trưởng kinh doanh, với nhiều dự án gối đầu. Song, kể từ sau vụ cựu chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt giữ, sau đó đến biến động bộ máy lãnh đạo, JVC cũng đi vào chuỗi ngày lao đao, cổ phiếu chỉ sau vài tháng giảm sốc về dưới mức 5.000 đồng/cp. Như vậy, trăn trở thiệt hại 90% của cổ đông trên là có căn cứ, khi ông mua cổ phần vào năm 2015 và buộc bán ra vào thời điểm cổ phiếu đã bốc hơi hơn 5 lần.

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2018, Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) tiếp tục bị cổ đông cũ tố giác - Ảnh 1.

Giao dịch cổ phiếu JVC.

Lãnh đạo liên tục bị tố giác

Trở lại với đơn tố giác gửi cơ quan điều tra của cổ đông JVC, ghi nhận đề nghị làm rõ hành vi sai phạm của các cá nhân giữ chức vụ quản lý, nhân viên tại Công ty. Các hành vi vi phạm như trích lập dự phòng khống các khoản thu từ máy móc để thu lợi bất chính; hành vi làm, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác (mua hoá đơn)... để chiếm đoạt tiền mặt của Công ty.

Ông Tuy đặt vấn đề, tại BCTC hợp nhất đã kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2017, ban giám đốc và HĐQT đã trích lập dự phòng các khoản mục máy móc, thiết bị mà theo ông Tuy vẫn nằm trong kho hoặc đã bán cho các đối tác để thu tiền. Một số đơn vị cổ đông đơn cử bao gồm: Máy chụp cắt lớp vi tính tại Bệnh viện Vạn Hạnh, máy cộng hưởng từ tại Bệnh viện Tâm Hồng Phước…

Hiện, đơn tố giác của cổ đông đã được gửi đến cơ quan điều tra. Trước đó, nhiều lãnh đạo JVC cũng bị khách hàng cũ là Triết Tôn Tiên tố giác hành vi có dấu hiệu sai phạm, bao gồm ông Phạm Quang Huy - Nguyên Chủ tịch HĐQT (ông Huy vừa từ nhiệm vào ngày 10/9 mới đây) và ông Ngô Thanh Sơn - Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật, vừa từ nhiệm kể từ ngày 31/8/2018. Theo ghi nhận từ Bộ Công an, một số đối tượng trong 12 quản lý JVC bị cáo buột đã được triệu tập, hiện cơ quan tiếp tục làm việc.

Ngay sau khi nhận được công văn của cơ quan điều tra, JVC đã lập tức phản hồi, trong đó nêu không có các chứng từ mà Triết Tôn Tiên thanh toán công nợ cho JVC; và cho đến nay việc thanh toán công nợ của Triết Tôn Tiên cho JVC vẫn chưa đủ; JVC thực hiện bán, hoặc sử dụng các tài sản của JVC là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Cổ đông đề nghị xem xét trách nhiệm quỹ Dream Incubator (DI)

Bên cạnh quản lý JVC, cổ đông cũng đề nghị xem xét, làm rõ vai trò, trách nhiệm của quỹ Dream Incubator (quỹ DI) vì quỹ này là người đề cử, bố trí, sắp xếp vị trí các thành viên HĐQT, ban giám đốc điều hành JVC - những người có vai trò quyết định các việc trích lập dự phòng, hoạt động kinh doanh, tài chính của Công ty, gây thất thoát tài sản và ảnh hưởng cổ đông góp vốn.

Nói về quỹ DI, là một trong những cổ đông lớn tại JVC thời "ăn nên làm ra"; sau sự cố vào năm 2015, cũng trước thềm ĐHCĐ, 3 đại diện của Dream Incubator Việt Nam (Nhật) và quỹ DI Asian Indutrial Fund (DIAIF, công ty con) đều xin từ nhiệm từ ngày 18/9/2015; trong đó có ông Kyohei Hosono – Chủ tịch HĐQT và ông Tashiro Masaaki - Thành viên HĐQT. Đáng chú ý lúc bấy giờ, ông Kyohei Hosono vừa mới tiếp quản "ghế nóng" JVC sau khi cựu chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt giam từ ngày 23/6/2015.

JVC sau nhiều sóng gió đang lên kế hoạch sáp nhập Kyoto Medical Science

Và năm nay, ĐHĐCĐ thường niên của JVC sẽ chính thức tổ chức nào ngày 27/9 tới đây, nhằm thông qua các tờ trình liên quan đến kế hoạch hoạt động năm 2018.

Một thông tin đáng chú ý, JVC có lên kế hoạch xin ý kiến cổ đông về phương án sáp nhập Công ty TNHH Kyoto Medical Science. Được biết, Kyoto Medical Science được thành lập từ năm 2006, người đại diện pháp luật là ông Ngô Thanh Sơn. Địa chỉ trụ sở chính của Kyoto Medical Science tại Tầng 24 tòa nhà ICON4, 243A Đê La Thành, Phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Trước những lùm xùm sau nhiều năm qua, đại hội lần này tại JVC được nhiều cổ đông cũng như giới đầu tư quan tâm, khi Công ty là một trong những tên tuổi với nhiều lợi thế cạnh tranh trong mảng y tế vô cùng tiềm năng.

Về JVC, đến nay bức tranh kinh doanh tương đối ảm đạm khi kết thúc quý 1/2018, JVC ghi nhận lãi hơn 566 triệu đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết do phải điều chỉnh giảm bút toán hoàn nhập dự phòng cho khoản dự phòng trả trước của công ty con hơn 2 tỷ đồng. Thêm vào đó, doanh thu bán máy móc thiết bị lớn trong kỳ giảm nên lợi nhuận trong kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ.

Phía cựu chủ tịch Lê Văn Hướng cũng có chia sẻ nếu được vẫn mong muốn về lại JVC vì với ông đó là "đứa con" đầy tâm huyết. Hiện, ông Hướng không còn liên quan gì kể cả điều hành, kinh doanh hay nắm giữ cổ phiếu JVC kể từ sau khi được tại ngoại sau vụ bị tố giác năm 2015.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên