MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội: '13 DN lớn, 7 DNVVN đều muốn tăng hoạt động nội địa hoá tại Việt Nam'

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội: '13 DN lớn, 7 DNVVN đều muốn tăng hoạt động nội địa hoá tại Việt Nam'

Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp, khoảng 37%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 70% và 60%.

Ngày 2/7, Reed Tradex – nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á cùng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE - Bộ Công thương) đã tổ chức dưới hình thức trực tuyến lễ ký kết hợp tác thúc đẩy quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp.

Tại đây, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội thông tin, gần 50% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam "muốn mở rộng hoạt động kinh doanh" trong thời gian 1-2 năm tới. Con số này thuộc top đầu trong phạm vi các nước ASEAN.

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội: 13 DN lớn, 7 DNVVN đều muốn tăng hoạt động nội địa hoá tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tính đến nay, tổng kim ngạch đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đứng thứ 2 cả về số dự án lẫn số vốn. Trong 5 tháng đầu năm, số dự án đầu tư giảm 30%, nhưng số vốn đầu tư đã phục hồi 5 lần do các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và đầu tư mở rộng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp, khoảng 37%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 70% và 60%.

Ông Takeo chia sẻ: "Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao. Để tránh những rủi ro này, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nâng cao hơn nữa hoạt động nội địa hóa".

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội: 13 DN lớn, 7 DNVVN đều muốn tăng hoạt động nội địa hoá tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO.

Theo đại diện JETRO tại Hà Nội, 13 doanh nghiệp lớn và 7 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực máy móc băng tải vận chuyển, điện, điện tử và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất gia công (dập, khuôn, gia công mạ) đều là doanh nghiệp sản xuất có nguyện vọng nội địa hóa sản phẩm tại Việt Nam.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm đến việc làm thế nào ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể kịp thời thay đổi, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp trọng điểm trong khu vực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ phát triển đầu tư, ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Trước đó, từ tháng 6 năm ngoái, Bộ Công Thương cũng đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với hơn 3.600 doanh nghiệp Việt Nam triển vọng trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may, da giày.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay và tăng lên 7% trong năm 2022. Ông Phú kết luận: "Mức tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại".

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên