MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng đại diện JICA: Chiến thắng đại dịch, cầu về lao động chất lượng cao tăng là những yếu tố ‘thúc’ Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Shimizu Akira nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc hoàn thành mục tiêu kép, cân bằng giữa “đánh giặc” Covid-19 và phát triển kinh tế.

Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã công bố chương trình khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng địa điểm sản xuất sang Đông Nam Á lần hai. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả tới một nửa chi phí cho việc đa dạng hoá các khoản đầu tư sang Đông Nam Á đối với các doanh nghiệp lớn và 2/3 chi phí đối với các doanh nghiệp nhỏ. Theo ông, Việt Nam sẽ có tiềm năng gì trong gói hỗ trợ lần này?

Theo tôi, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng cũng như triển vọng để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư. Một minh chứng cụ thể đó là nếu so với 10 năm về trước, số doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam đã tăng lên gấp đôi.

Tức là trước đây, chúng tôi chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp thì bây giờ con số đã lên tới hơn 2.000 doanh nghiệp. Điều này một lần nữa có thể khẳng định sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam tăng lên hàng năm.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ một vài dự án của JICA tại Việt Nam trong thời gian tới?

Hiện tại, JICA đang triển khai khoảng hơn 120 dự án ở Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các dự án đang được thực hiện một cách triệt để và hiệu quả nhất.

Còn đối với tương lai, lĩnh vực mà JICA sẽ tập trung hỗ trợ đó là y tế, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng. Ngay cả khi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, JICA vẫn duy trì triển khai các dự án, điển hình như tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Ngày 11/10 vừa qua cũng đã diễn ra lễ thông xe cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (Hà Nội).

Các dự án cơ sở hạ tầng này đều đã đóng góp, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong mùa dịch. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục triển khai các dự án mới để đóng góp, cũng như đề ra các giải pháp thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.

Là người chứng kiến các chiến dịch chống Covid-19 tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về tác động của các biện pháp chống dịch đến hồi phục kinh tế?

Đại dịch Covid-19 đã đem lại nhiều thay đổi, cũng như chứa nhiều yếu tố bất định cho cơ cấu nền kinh tế thế giới và cuộc sống người dân. Nó tác động đến mọi mặt của đời sống, trên mọi quốc gia, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Cá nhân tôi cho là Việt Nam đã rất thành công trong việc chống chọi với đại dịch. Đây là một thành tựu rất đáng khen ngợi. Vì vậy, điều quan trọng hiện này là Việt Nam cần phải tận dụng thành công này để làm sao có thể phát triển bền vững và bao trùm hơn nữa.

Trưởng đại diện JICA: Chiến thắng đại dịch, cầu về lao động chất lượng cao tăng là những yếu tố ‘thúc’ Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững - Ảnh 1.

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Shimizu Akira/ Ảnh: Kiên Trần

Theo ông, chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã thay đổi như thế nào sau đại dịch? Và Việt Nam cần làm gì để tận dụng những làn sóng dịch chuyển này?

Tôi cho rằng, việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được được đẩy mạnh và dần hiệu quả trong và sau giai đoạn đại dịch. Đặc biệt, Covid-19 chính là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng của Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc. Khi trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản, họ đều nói với tôi rằng họ mong muốn tìm thêm nhiều lao động có tài năng và kỹ năng để có thể đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất, chế tạo chế biến tại các nhà máy.

Chính vì vậy, để tận dụng được làn sóng này, việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn là yếu tố rất quan trọng, từ đó Việt Nam có thể hiện thực hóa những xu hướng trong thời điểm hiện tại.

Một lĩnh vực chủ chốt là Việt Nam cần mở rộng trong chuỗi giá trị đó là ngành nông nghiệp. Covid-19 đã thay đổi sâu sắc quá trình sản xuất và tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, thách thức hiện nay của Việt Nam đó là làm sao có thể thay đổi cũng như hỗ trợ trong lĩnh vực hoạt động này.

Mới đây, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã xác nhận Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du sắp tới. Ông có nhận xét gì về điều này?

Với tư cách là một người Nhật đang sống tại Việt Nam, việc Thủ tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam trong thời điểm này là một điều rất đáng mong đợi. Bản thân tôi rất háo hức về sự kiện lần này. Tôi cũng hy vọng rằng, mối quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế giữa hai bên ngày càng được củng cố và phát triển hơn nữa.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên